Công sở

Xinh đẹp, lương cao nhưng sao “dân” ngân hàng vẫn ế dài, và đây là câu trả lời của người trong cuộc

Chẳng phải chỉ có người ngoài thắc mắc mà ngay cả những người trong cuộc là các “trai xinh gái đẹp” cũng nhiều lần “nhăn nhở” hỏi nhau và tự hỏi mình: Vì sao vẫn ế?

Xinh đẹp, lương cao nhưng sao “dân” ngân hàng vẫn ế dài, và đây là câu trả lời của người trong cuộc

LTS: Từ khi mở ra dòng sự kiện để “Người làm ngân hàng viết về Nghề”, chúng tôi đã nhận được nhiều bài viết của các độc giả gửi tới Ban biên tập. Dưới đây là bài viết của một nữ nhân viên ngân hàng đang làm việc tại Hà Nội về câu chuyện “nóng” với người ngoài cuộc nhưng lại “nguội” với người trong ngành: Làm ngân hàng cứ ế dài.

—————

Chuyện những “trai xinh gái đẹp” ngân hàng nhưng vẫn ế chỏng chơ có thể khiến người ta ngạc nhiên lúc đầu, nhưng cũng như bao chuyện bao đồng ngoài xã hội, được lôi ra bàn tán nhau lúc trà dư tửu hậu, nay đã trở thành “chuyện thường ngày” trong giới tài chính.

Nhiều người ngoài cuộc ắt hẳn sẽ thắc mắc, sao giới ngân hàng lương cao như thế (người ta vẫn nghĩ lương ngân hàng cao ngất ngưởng, phải tính đến 7 – 8 con số trên sao kê mỗi tháng, chưa kể thưởng và các nguồn thu nhập “bất thường” khác), đẹp người đẹp cả nết như thế (tuyển đầu vào chẳng những yêu cầu Đại học loại một loại hai loại ba, mà còn phải ưa nhìn, biết kiên nhẫn, cầu tiến, làm việc nhóm tốt), rồi làm ngân hàng ngồi trong phòng máy lạnh thơm phức, sáng chỉ việc cắp cặp đi chiều cắp cặp về, ai nấy cũng đều bóng bẩy, “phom mồ” chuẩn dân công sở thì vì sao mà vẫn ế?

“Sao mà vẫn ế?” Chẳng phải chỉ có người ngoài thắc mắc mà ngay cả những người trong cuộc là các “trai xinh gái đẹp” cũng nhiều lần “nhăn nhở” hỏi nhau và tự hỏi mình.

Là người trong cuộc, người viết đã tham vấn nhiều ý kiến của các đồng nghiệp và thấy rằng, tựu chung lại có 4 lý do khiến cho người làm ngân hàng ngày càng ế trầm trọng.

Một, “chẳng kiếm được ai để đổ tội”, đương nhiên như mọi khi sẽ đổ lỗi cho đặc thù công việc. Làm ngân hàng phải đi sớm về muộn, cả ngày không lăn lộn ngoài đường bụi bặm mòn cả lốp xe lẫn mặt người thì cũng “cắm mặt” vào máy tính. Đến khi dân tình hối hả ngược xuôi về nhà đón con, cơm nước, hẹn hò, thì các trai xinh gái đẹp vẫn miệt mài khom lưng gõ bàn phím lách cách, chẳng dám mơ về đúng giờ, mong hôm nay về sớm hơn hôm qua, và về đến nhà lăn ra ngủ. Cả tuần cứ lặp đi lặp lại điệp khúc ấy, đến cuối tuần thì cũng ở nhà ngủ từ sáng đến chiều cho lại sức. Chưa bao giờ với “dân” ngân hàng, cái giường lại có sức hấp dẫn đến thế, chỉ sau tiền.

Hai, “chênh lệch giới tính trầm trọng”. Trong khi ở các vị trí hỗ trợ (“back”) thường âm thịnh dương suy tức nhiều nữ hơn nam giới, thì ở các Chi nhánh, việc cả phòng toàn con trai ngao ngán nhìn nhau rồi rủ nhau đi nhậu là chuyện thường tình. Đã không có thời gian đi “tán gái”, đến cơ quan lại chạm mặt với các tiền bối mặt mày căng thẳng hoặc các em gái “ngây thơ vô tội” mới vào thì chẳng đến lượt mình, các “đồng chí chưa chồng” sàn sàn tuổi lại chê mình trẻ con, là phi công trẻ.

Còn các bạn nữ cũng chẳng khá hơn, vừa chân ướt chân ráo mang CV đi xin việc, ù ù cạc cạc đi làm thì bị “tập đoàn các chị bỉm sữa” thi nhau rót vào tai nào những “lấy chồng khổ lắm em ơi” với những ví dụ hết sức sống động về cuộc sống gia đình rồi kết luận cứ “chơi cho đã đi em ạ”. Ý định tìm một soái ca sơ mi trắng cũng vì thế mà nhẹ nhàng trôi mất…

Ba, lười yêu. Bố mẹ ép chỉ tiêu ra trường 3 năm lấy vợ nhưng chẳng thấy con mình có động tĩnh gì. Cũng như bao ông bố bà mẹ khác, trong lúc nhàn rỗi, các phụ huynh sẽ lôi hết từ con bé hàng xóm đến con gái của chị của anh của chú của em trai của ông xe ôm đầu ngõ ra để làm mai mối. Nhiều thanh niên sẽ dửng dưng trước kiểu làm mối giời ơi này, nhưng một bộ phận yếu lòng khác có thể nghe lời “vớ bừa” một đối tượng có vẻ vừa mắt làm người yêu cho đỡ bị giục, và rồi công việc bận rộn, cơm áo gạo tiền, bất đồng quan điểm, mất niềm tin vào tình yêu, cuối cùng là lười, ngại chẳng yêu nữa.

Bốn, lương thì (nghe có vẻ) cao, nhưng cũng chỉ đủ ăn, thế mà đi chơi cứ phải móc ví ra chi đậm. Không trả thì mất mặt, mà trả thì cả tháng bóp bụng ăn dè chờ lương mới. Đi với con gái mà ki bo còn bị chê, thậm chí “bóc phốt trên mạng” thì bao giờ cho “ngóc đầu lên được”. Nhiều người lo sợ thế đành ở nhà viết status tâm trạng sống ảo cho ra vẻ triết lý có khi còn “kiếm được em nào ngon hơn”.

Kết quả là ế thì vẫn ế. Ngày đi làm, tối về ôm điện thoại chụp ảnh sống ảo “thả thính câu like”, nhưng lỡ có “cá cắn câu” là lại lười không bắt. Có người thì lướt facebook thấy các bạn trẻ ôm ấp là lại tỏ ra “vô cùng quan ngại”, thả một vài cái comment chờ lên top. Hết ngày. Ế nhiều và ế thâm niên, vậy nên mới có câu chuyện, ở một Chi nhánh nọ, một hôm Giám đốc gọi cả cơ quan vào họp, ai nấy đều nơm nớp. Nào ngờ chỉ là để thông báo tin chị X – đã ba mươi ba tuổi – tuần sau nữa làm lễ ăn hỏi. Cả cơ quan sung sướng vỡ òa như được xếp hạng xuất sắc cả năm, chị Giám đốc còn cao hứng tuyên bố mừng cưới đồng chí X hẳn cái tủ lạnh đá rơi cực “hịn”. Anh trưởng phòng vừa lau nước mắt vừa thở phào vì đá được quả bom nổ chậm đi, mỗi lần gặp bố mẹ nhân viên, nào anh có dám nhìn thẳng mặt, thế nào sau lưng cũng bị ăn chửi vì “nhìn cái mặt sếp nó thế thì đứa nào dám có người yêu”.

Chuyện ế là câu chuyện muôn thuở, mà không chỉ dân ngân hàng, bất cứ bạn trẻ nào cũng có nguy cơ phải trải qua. Hạnh phúc là thứ không dễ có được, nhưng nó lại ở rất gần. Chỉ cần mở rộng tấm lòng và sống hết mình, thì sớm muộn hạnh phúc cũng sẽ đến mà thôi.

Trí Thức Trẻ/CafeF

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close