Tài chính - Tiền tệThế giới

20 năm sau khủng hoảng tài chính khu vực, châu Á vẫn dè chừng với vốn ngoại

Chính phủ các nền kinh tế lớn ở châu Á vẫn còn nhớ 20 năm trước đây, dòng vốn thiếu kiểm soát và chủ nghĩa tư bản thị trường tự do từng nhấn chìm nền kinh tế của họ như thế nào.

20 năm sau khủng hoảng tài chính khu vực, châu Á vẫn dè chừng với vốn ngoại

Ảnh: New York Times.

Chính phủ các nước mới nổi lớn nhất châu Á đang mở cửa đón nhà đầu tư ngoại, tuy nhiên tâm lý thận trọng vẫn rất cao.

Chính phủ Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia đã cam kết mở cửa các kênh đón dòng tiền ngoại, người đứng đầu chính phủ đều khẳng định họ muốn tham gia đầy đủ vào hệ thống tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế thường không được như những tuyên bố khi mà chính phủ nhiều nước kiên quyết duy trì hệ thống kiểm soát được thiết kế nhằm ngăn dòng vốn và kiểm soát chặt chẽ các quy định giao dịch.

Chắc chắn chính phủ các nền kinh tế lớn ở châu Á vẫn còn nhớ 20 năm trước đây, dòng vốn thiếu kiểm soát và chủ nghĩa tư bản thị trường tự do từng nhấn chìm nền kinh tế của họ như thế nào. Thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 – 1998, những nền kinh tế tăng trưởng nóng của khu vực thu hút được dòng tiền nóng từ nước ngoài và vay nợ bằng đồng USD rất nhiều.

Khi đồng nội tệ của các nước này sụt giảm, thị trường chứng khoán đi xuống, nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy, hậu quả về kinh tế tồi tệ và khủng hoảng ngân hàng xảy ra.

Chính vì vậy các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á, dù chào đón nhà đầu tư ngoại, vẫn rất thận trọng với cách quản lý tự do kiểu phương Tây.

Trưởng bộ phận đầu tư khu vực châu Á tại quỹ Pictet Wealth Management, ông David Gaud, nhận xét: “Những gì xảy ra năm 1998 vẫn còn nguyên trong tâm trí của mọi người. Mô hình của châu Á sẽ vẫn là sự kết hợp giữa các quy tắc của phương Tây, chiến lược của nhà nước trong việc mở cửa để giúp cho hoạt động phát triển chứ không phải tự do hóa hoàn toàn”.

Việc nhiều nhà quản lý châu Á không muốn từ bỏ quyền kiểm soát hiện đang khiến cho nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ của họ cảm thấy căng thẳng bởi họ muốn hưởng lợi thật nhiều từ những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế này.

“Trung Quốc và Ấn Độ là những nơi khó đầu tư. Họ muốn kiểm soát dòng vốn nội địa rời đi”, chuyên gia thuộc quỹ Aberdeen Standard Investments, ông Devan Kaloo, nhận xét. Ông Kaloo nhấn mạnh bởi hai nền kinh tế này có quy mô hàng đầu thế giới và có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn, giới đầu tư sẽ phải gặp không ít rắc rối nếu muốn tiếp cận thị trường.

Việc các thị trường mở cửa diễn ra ở thời điểm khá nhạy cảm khi mà đồng USD tăng giá và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng hút dòng vốn ra khỏi các thị trường mới nổi. Châu Á cũng không hề miễn nhiễm. 12 ngày qua, đã có 651 triệu USD bị rút khỏi thị trường chứng khoán Indonesia. Các thị trường khác ví như Ấn Độ cũng nhạy cảm với khả năng dòng vốn bị rút ra.

Tại nhóm nước mới nổi châu Á, tổng dòng vốn nói chung vào chứng khoán và trái phiếu hiện đang tăng ở mức thấp nhất tính từ năm 2014, theo tính toán của ngân hàng Mỹ Bank of America Merrill Lynch.

TRUNG MẾN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close