Kinh doanh quốc tếThế giới

Vì sao hàng loạt công ty Trung Quốc đua nhau mở nhà máy sữa ở nước ngoài?

Các hãng sữa nội địa Trung Quốc, đang áp dụng chiến thuật mới: Nếu không thể chiến thắng các hãng sữa nước ngoài, tại sao không cùng hợp tác với họ?

Vì sao hàng loạt công ty Trung Quốc đua nhau mở nhà máy sữa ở nước ngoài?

Ảnh: Bloomberg

Sau nhiều bê bối sữa giả, sữa bẩn tại thị trường nội địa Trung Quốc, người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay các sản phẩm sữa nội địa, các công ty Trung Quốc dần đánh mất thị phần.

Để tiếp tục bán được hàng và tồn tại, các công ty Trung Quốc đang cố gắng liên doanh nhiều hơn với các công ty sữa nước ngoài để cải thiện chất lượng sản phẩm và giành lấy niềm tin của người tiêu dùng, theo bài báo mới được Bloomberg đăng tải.

Công ty Feihe International mới đây đã đầu tư 238 triệu USD để hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất sữa với công ty Canada Royal Milk tại Ontario, Canada.

Trước đó, hàng loạt công ty Trung Quốc đã có những động thái tương tự bao gồm Inner Mongolia Yili Industrial Group và Yashili International Holdings. Các công ty và tập đoàn trên đã tung tiền đầu tư nhà máy tại Mỹ, New Zealand.

Hiện tại, các công ty nước ngoài vẫn đang nắm thị phần chủ chốt tại thị trường sữa bột Trung Quốc có quy mô ước tính khoảng 19,5 tỷ USD. Vào năm 2008, bê bối sữa nhiễm melamin đã khiến ít nhất sáu trẻ em chết và gần mười nghìn trẻ em Trung Quốc khác phải chịu nhiều di chứng tồi tệ về sức khỏe.

Khi người tiêu dùng trở nên quá sợ hãi với các bê bối thực phẩm bẩn, họ tẩy chay các sản phẩm sữa nội địa. Các công ty sữa nội địa Trung Quốc vì thế rất khó bán hàng. Cùng lúc đó, chính phủ Trung Quốc đưa ra thêm nhiều quy định mới khắt khe hơn với các hàng sữa nhằm ngăn các hành vi sai trái.

Vì vậy, ngày một nhiều các công ty Trung Quốc đua nhau hợp tác, liên doanh với công ty sữa có uy tín ở nước ngoài, sản xuất sữa ở nước ngoài sau đó bán ngược lại về thị trường Trung Quốc.

“Hoạt động kiểm tra chất lượng sữa tại Trung Quốc đã cải thiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian các công ty Trung Quốc mới có thể lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng”, cựu giám đốc tại tổ chức Guangdong Dairy Association, ông Dingmian Wang, khẳng định.

Bê bối sữa bẩn tại Trung Quốc cách đây khoảng một thập kỷ đã mang đến cơ hội vàng cho các công ty sữa nước ngoài chờ đợi cơ hội gia nhập thị trường Trung Quốc. Doanh thu của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2016 tăng gần gấp đôi, theo số liệu của Euromonitor.

Nestle SA, Danone, Mead Johnson Nutrition Co., Royal FrieslandCampina NV, American Dairy Inc. và Abbott Laboratories hiện đang chiếm hơn nửa thị phần của thị trường sữa Trung Quốc. Công ty Inner Mongolia Yili hiện đang có 5,4% thị phần.

Các hãng sữa nội địa Trung Quốc, trong nỗ lực lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, đang áp dụng chiến thuật mới: Nếu không thể chiến thắng các hãng sữa nước ngoài, tại sao không cùng hợp tác với họ?

Nhận xét về xu thế này, giáo sư tại đại học University of Sydney, ông Wei Li, nói: “Tôi cho rằng việc hợp tác có thể coi như một cách tốt giúp các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt các nền kinh tế phát triển.” Các công ty Trung Quốc sẽ có thêm khả năng mở rộng dây chuyền cung cấp, kiểm soát tốt hơn chất lượng và đáp ứng tốt tiêu dùng lớn của người Trung Quốc.

Tập đoàn China Animal Husbandry Group trong năm ngoái đã đầu tư tiền mở nhà máy sản xuất sữa bột ở New Zealand. Công ty  Beingmate Baby & Child Food Co trong khi đó mua lại 51% cổ phần tại nhà máy sản xuất sữa thuộc tập đoàn Fonterra Co-operative Group.

Năm 2008, giới chức Trung Quốc phát hiện chất melamin, một loại chất chuyên dùng để sản xuất nhựa, đã được cho vào sữa để hàm lượng protein khi qua máy kiểm tra cao hơn. Tuy nhiên, chất này gây ra nhiều tác động xấu đến hoạt động của thận. Công ty sữa Sanlu, một trong số hai mươi hai công ty có liên quan đến bê bối sữa bẩn, trong năm ngoái đã chính thức tuyên bố phá sản.

Theo chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm an toàn thực phẩm quốc gia Trung Quốc, ông Yongning Wu, với những hành vi vô trách nhiệm trong sản xuất sữa năm 2008, từ đó, các công ty Trung Quốc đơn giản đã tự mở rộng cửa đón các đối thủ nước ngoài vào nắm thị phần. Và đáng tiếc, đó không phải bê bối sữa bẩn duy nhất.

Vào năm 2004, vụ bê bối sữa bẩn khác tại tỉnh An Huy, Trung Quốc đã khiến 13 trẻ chết và khoảng 170 trẻ khác bị suy dinh dưỡng.

Sau hàng loạt vụ việc trên, chính phủ Trung Quốc đã rất cố gắng khôi phục niềm tin của người tiêu dùng bằng việc đưa ra những quy định về sản xuất sữa được cho là chặt chẽ nhất thế giới, tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng khó lòng được khôi phục.

Nhiều năm sau bê bối sữa giả, các bà mẹ Trung Quốc vẫn không thể tin vào các thương hiệu sữa nội địa, họ thường nhờ họ hàng ở nước ngoài hoặc các công ty kinh doanh hàng mang trực tiếp sữa nước ngoài về cho con họ sử dụng.

TRUNG MẾN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close