Bất động sảnThị trường
Lợi suất đầu tư cao hút nhà đầu ngoại quan tâm đến bất động sản Việt Nam
Bên cạnh các quốc gia vẫn duy trì được vị thế điểm thu hút đầu tư xuyên biên giới hàng đầu khu vực như Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, thì Việt Nam cũng đang nổi lên như một “điểm sáng” thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ sự hỗ trợ của các nền tảng vĩ mô và lợi suất ban đầu cao.
Đây là kết quả được chỉ ra từ báo cáo khảo sát Dự định đầu tư châu Á – Thái Bình Dương năm 2017 vừa được CBRE công bố.
Báo cáo chỉ ra rằng, các mục tiêu đầu tư nền tảng, bao gồm tìm kiếm những cơ hội với mức chênh lệch lợi suất tốt và áp dụng chiến lược nhiều rủi ro để thu lợi nhuận cao hơn sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư bất động sản tại châu Á – Thái Bình Dương.
Theo đó, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Úc, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn đang duy trì vị thế là ba điểm đến đầu tư xuyên biên giới được ưa chuộng nhất.
Trong khi đó, sự quan tâm đến thị trường Nhật Bản giảm sút bởi lo ngại rằng các yếu tố nền tảng cơ bản có thể đạt đỉnh điểm cùng với sự tăng trưởng kinh tế yếu ớt.
Còn với thị trường Trung Quốc, mối quan tâm của các nhà đầu tư bị chi phối bởi những nền tảng kinh tế cơ bản và cơ hội tiếp cận các tài sản bị định giá thấp, tuy nhiên, điều kiện thị trường hiện tại lại đang đặt ra thách thức khi tìm kiếm mức lợi nhuận dương.
Mặt khác, sự quan tâm đến thị trường Việt Nam gia tăng đáng kể nhờ sự hỗ trợ của các nền tảng vĩ mô và lợi suất ban đầu cao. Tuy nhiên, những loại tài sản có thể đầu tư vẫn khá hạn chế và cách thức thâm nhập điển hình chủ yếu dựa trên hình thức liên doanh với những chủ đầu tư trong nước.
Mức độ quan tâm của các nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng tăng. Nguồn: Khảo sát Dự định đầu tư châu Á – Thái Bình Dương năm 2016 và 2017, CBRE.
Sự lựa chọn của nhà đầu tư phân theo loại hình tài sản nhìn chung đã có những thay đổi nhỏ so với cuộc khảo sát năm ngoái. Theo đó, các nhà đầu tư đang ngày càng quan tâm tới lĩnh vực văn phòng và việc giảm nhu cầu trong lĩnh vực khách sạn. Sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu cho văn phòng phản ánh tính thanh khoản bền vững và việc quản lý dễ dàng hơn của lĩnh vực này khi so sánh với các lĩnh vực khác.
Trong khi, nhu cầu thấp hơn trong lĩnh vực khách sạn phần lớn là do những nền tảng cung cấp không thuận lợi và việc định giá đắt đỏ hơn tại các thị trường chủ chốt như Nhật Bản và Úc.
Ông Tom Moffat, Giám đốc điều hành Bộ phận Thị trường vốn, CBRE châu Á, nhận xét: “Những lĩnh vực thay thế liên tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư. Mức tăng đầu tư lớn nhất là các loại tài sản đặc biệt như nhà ở hưu trí, nhà dưỡng lão và các trung tâm chăm sóc sức khoẻ, bởi sự gia tăng dân số cao tuổi trong khu vực và hạn mức bảo hiểm sức khoẻ cao hơn. Ngoài ra, nhu cầu về các trung tâm dữ liệu cũng đang gia tăng, đặc biệt là ở Úc, Nhật Bản, Hồng Kông và Singapore, trong khi nhà ở sinh viên ở Úc đã thu hút được nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà đầu tư tổ chức trong bối cảnh gia tăng nhanh chóng lượng sinh viên quốc tế”.
Khảo sát của CBRE cũng chỉ ra rằng, mặc dù các nhà đầu tư châu Á – Thái Bình Dương đã xác định Bắc Mỹ là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong năm thứ hai liên tiếp, nhưng ngày càng nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng đến các thị trường châu Á mới nổi và đang phát triển.
“Mặc dù sự quan tâm đến thị trường nước ngoài vẫn mạnh mẽ, nhưng sự thiếu ổn định về chính sách ở Mỹ và châu Âu sẽ khiến nhiều nhà đầu tư ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ chú trọng hơn đầu tư nội khu vực. Điều này vẫn nằm trong xu hướng gia tăng đầu tư xuyên biên giới ở châu Á năm 2016. Trong khi Úc và Nhật Bản tiếp tục là những điểm đến đầu tư được ưa thích nhất, các thị trường châu Á mới nổi, đặc biệt là Việt Nam, đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc”, ông Tom Moffat khẳng định.
KIỀU CHÂU