Kinh doanh quốc tếThế giới
Đến Isaac Newton cũng mất tiền, bong bóng đầu cơ chưa bao giờ là bài học cũ
Không phủ nhận Issac Newton là nhà khoa học vĩ đại, người đặt nền móng cho ngành cơ học, quang học và vật lý cổ điển, song ông vẫn có điểm mù của chính mình.
Bong bóng đầu cơ Biển Nam vào những năm 1720. Ảnh: Historic UK |
Trong thời kỳ bong bóng Biển Nam, nhà khoa học Isaac Newton đã bị cuốn vào cơn sốt tài sản và để mất rất nhiều tiền. “Tôi có thể tính toán được sự chuyển động của các thiên thể nhưng không thể đo lường mức độ điên rồ của người dân”, ông từng chia sẻ với một vẻ mặt buồn rầu. Đáng lẽ ra trước khi quyết định đầu tư, Issac Newton nên nhớ lại câu nói phổ biến mà chính ông đã sử dụng khi phát biểu định luật vạn vật hấp dẫn của mình: “Cái gì đi lên, rồi sẽ hạ xuống”.
Nhà đầu tư Bitcoin thời nay cũng đang nếm phải bài học vốn đã có từ rất lâu này. Giá Bitcoin đạt đỉnh vào tháng trước ở gần 20.000 USD và sáng 17/1 thì giảm xuống còn dưới 10.000 USD.
Có lẽ, cách tốt nhất để hiểu về Bitcoin là thông qua phân tích mô hình hoạt động của một bong bóng đầu cơ. Đây là một mô hình cổ điển được phát triển bởi nhà kinh tế học Hyman Minsky và nhà sử học Charles Kindleberger.
Theo mô hình này, mỗi quả bong bóng có 5 giai đoạn: Chuyển đổi, bùng nổ, hưng phấn, căng thẳng tài chính và xì hơi.
Chuyển đổi
Sự chuyển đổi xảy ra khi các nhà đầu tư bị mờ mắt bởi một mô hình mới, có thể là một sự đột phá trong công nghệ hoặc lãi suất thấp chưa từng có trong lịch sử. Trong trường hợp của Bitcoin đó là blockchain – công nghệ sổ cái phân quyền đầu tiên trên thế giới.
Bùng nổ
Sau khi chuyển đổi, giá tài sản sẽ tăng từ từ và ngày càng thu hút được nhiều người tham gia vào thị trường, tạo tiền đề cho sự bùng nổ. Trong giai đoạn này, tài sản có giá tăng phi mã là tâm điểm của truyền thông. Nỗi lo về việc bỏ lỡ cơ hội có một không hai sẽ khiến cho hoạt động đầu cơ dâng cao.
Đặc biệt là những câu chuyện rỉ tai về một vài người nào đó kiếm được hàng triệu, thậm chí hàng tỷ USD nhờ giao dịch tài sản nóng. Đối với Bitcoin, giai đoạn này xảy ra vào tháng 11, khi mà các quảng cáo trả tiền về Bitcoin xuất hiện ở khắp mọi nơi và các cuộc thảo luận về tiền mã hóa bắt đầu có trên mặt báo.
Hưng phấn
Đến giai đoạn hưng phấn, ngay cả những người dè chừng cũng mua vào tài sản bởi xung quanh họ đang có quá nhiều người mua và giá tài sản thì đang không ngừng tăng lên một cách điên rồ. Tương ứng, vào thời điểm đầu tháng 12, thị trường xuất hiện hàng loạt những dự báo giá Bitcoin chênh lệch nhau đến nhiều lần. Trong giai đoạn này, một số người sẽ bắt đầu cảm thấy nghi ngờ và chốt lời ngay khi có thể.
Một khi giá bắt đầu giảm, tâm lý nhà đầu tư thay đổi. Những người mua vào sớm, lãi hàng triệu đô, đột nhiên cảm thấy một sự mất mát tài sản (tuy nhiên cần lưu ý rằng nhà đầu tư chỉ thực sự giàu có khi họ tất toán vị thế). Những người khác có thể đã mua trên mức giá hiện tại và hối tiếc về sai lầm của mình. Lúc này “thợ săn hàng giảm giá” sẽ nhảy vào và tạm thời đẩy giá lên cao nhưng không kéo dài.
Căng thẳng tài chính
Chúng ta vẫn chưa đạt đến giai đoạn căng thẳng tài chính, nhưng đã ở rất gần. Những lo ngại về tính an toàn của tiền mã hóa có thể là động lực cho một cơn bán tháo Bitcoin thứ hai trong năm nay. Lúc đó, giá có thể giảm xuống nhanh như khi nó tăng lên mà nhà đầu tư thường miêu tả là “lên như tên lửa, xuống như cây gậy”.
Những lập luận chỉ trích về việc Bitcoin không thể trở thành một phương tiện thanh toán hàng ngày sẽ trở nên áp đảo. Thị trường sẽ không còn nhớ về một đồng tiền có tiềm cất trữ giá trị số hóa thay thế cho vàng.
(Theo Trí Thức Trẻ – Tựa bài do DNSG Online đặt lại)