Chính trườngNhân vật

11 “cú phốt” trong nghiệp chính trị của bà Hillary Clinton

Trên thực tế, bà Hillary Clinton có không ít những “cú phốt” về mặt đạo đức trong sự nghiệp chính trị, khiến bình luận gây tranh cãi của ông Trump gần đây không hẳn là vô căn cứ.

Trong phiên tranh luận Tổng thống cuối cùng vào tháng 10 vừa qua, ông Donald Trump đã không tiếc lời gọi bà Hillary Clinton là “mụ đàn bà hư hỏng”, khiến những người ủng hộ bà và dư luận dậy sóng.

Trang Vox cho rằng bình luận này sẽ thổi lên “một làn sóng bảo vệ nữ quyền”. Còn nữ thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đanh thép tuyên bố trên sân khấu của chiến dịch tranh cử Clinton rằng ông Trump đã để mất phiếu bầu đến từ những “người đàn bà hư hỏng” vì thiếu tôn trọng phụ nữ.

Tuy nhiên trên thực tế, bà Hillary Clinton có không ít những “cú phốt” về mặt đạo đức trong sự nghiệp chính trị, khiến các bình luận của ông Trump không hẳn là vô căn cứ.

1.     Mờ ám trong giải ngân tiền cứu trợ động đất

Sau trận động đất hủy hoại quốc đảo Haiti vào năm 2010, bà Hillary Clinton và ông Bill Clinton có những động thái mờ ám đối với các khoản quyên góp nhân đạo.

Khi đó, bà Hillary Clinton giữ chức Ngoại trưởng Mỹ, còn ông Bill là đặc phái viên của Liên hiệp quốc chịu trách nhiệm phân bổ quỹ từ thiện để khắc phục hậu quả của thảm họa.

Nói cách khác, bà Hillary và ông Bill kiểm soát hoàn toàn nguồn quỹ từ Liên hiệp quốc và Mỹ gửi đến Haiti.

Rất nhiều công ty trúng thầu xây dựng kiến thiết tại Haiti lại là những nhà tài trợ hảo tâm cho quỹ Clinton Foundation.

Theo báo chí đưa tin, các khu nhà tái định cư tại Haiti do những công ty này xây dựng chưa đạt chuẩn. Ngoài ra, nhiều khoản tiền lại được luân chuyển để xây dựng những khu nhà nghỉ dưỡng sang trọng.

2.     Đe dọa nạn nhân bị cưỡng bức

Bà Juanita Broaddrick đã tố cáo ông Bill Clinton – khi đó là tổng chưởng lý bang Arkansas và đang tranh cử vào vị trí thống đốc bang – cưỡng bức bà vào năm 1978.

Bà Broaddrick ban đầu từ chối các cơ hội để giải trình câu chuyện vì sợ không ai tin mình, mãi đến những năm 1990.

Trong cuộc phỏng vấn với trang web cánh hữu Breitbart, Broaddrick nói rằng vài tuần sau vụ hiếp dâm, bà đã gặp bà Hillary tại một buổi quyên góp cho Bill Clinton.

Bà Hillary ban đầu tỏ ra niềm nở và cảm ơn bà vì “tất cả những gì bà đã làm trong chiến dịch tranh cử thống đốc bang của Bill”.

Nhưng khi bà Broaddrick chuẩn bị rời sự kiện, bà Hillary đã tóm lấy tay bà và gằn giọng: “Cô hiểu tất cả mọi việc cô làm chứ?”.

Broaddrick nghĩ rằng bà Hillary khi đó đã biết vụ việc và đang đe dọa, ép bà giữ im lặng.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Hillary tạo sức ép lên những phụ nữ lên tiếng tố cáo chồng bà quấy rối tình dục.

Bà từng gọi nữ thực tập sinh tại Nhà Trắng Monica Lewinsky bị Bill Clinton lạm dụng là kẻ “tâm thần tự huyễn to mồm”.

Kathleen Wiley, một phụ nữ khác cáo buộc ông Bill Clinton quấy rối tình dục bà vào năm 1993, nói đã bị bà Hillary mắng xối xả để bưng bít các cáo buộc.

3.     Bào chữa cho kẻ ấu dâm

Khi còn là luật sư, bà Hillary đã bào chữa thành công cho một người đàn ông thoát án tù khi hiếp dâm một bé gái 12 tuổi. Bà sử dụng chiến thuật đổ tội cho nạn nhân có tên Kathy Shelton. Bà nói Kathy có “tâm thần bất ổn” và thường “gạ gẫm đàn ông lớn tuổi”.

Một cuốn băng ghi âm rò rỉ ghi lại tiếng bà Hillary nói thân chủ của mình có tội, tuy nhiên bà vẫn giúp ông ta thoát án phạt tù gần một năm, và bà cười hỉ hả vì chiến thắng đó.

Ngoài ra, bà cũng cười nhiều lần khi kể chuyện phòng giám định của cảnh sát vô ý làm mất bằng chứng DNA có thể khép tội bị cáo.

4.     Có trách nhiệm trước việc nhân viên thiệt mạng tại Libya

Khi làm Ngoại trưởng Mỹ, bà đã buộc một nhóm bốn người Mỹ ở lại lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi, Libya, trong khi các nước khác rút hết nhân viên ngoại giao về nước vì bất ổn an ninh một vài tuần trước vụ tấn công khủng bố.

Bà Hillary đã ra lệnh cho họ ở lại trong khu lãnh sự không có bảo vệ, bỏ ngoài tai 600 yêu cầu tăng cường an ninh của Chris Stevens – Đại sứ Mỹ tại Libya – trước khi ông bị các tay súng Hồi giáo bắn chết chỉ vài giờ vào ngày 11/9/2012.

Sau đó, thân quyến của hai nhân viên đã đâm đơn kiện bà Hillary vì lỗi “cực kỳ vô tâm” khi sử dụng email cá nhân để trao đổi thông tin mật, bao gồm thông tin về vị trí của các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ tại Libya, với đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens, góp phần dẫn đến vụ tấn công.

5.     Nói dối về vụ tấn công tại Benghazi

Bà Hillary bị cho là đã nói dối về nguyên nhân thực sự của vụ tấn công. Theo lời kể của gia đình hai nạn nhân, bà Clinton đã cho rằng động cơ của vụ tấn công bắt nguồn từ một đoạn video báng bổ nhà tiên tri đạo Hồi Mohammed trên YouTube.

Kết quả là chủ nhân theo đạo Cơ – đốc của đoạn video trên đã bị kết án tù một năm, và sống trong nghèo khổ sau khi ra tù.

Tuy nhiên, các thông tin rò rỉ từ email cá nhân của bà Hillary cho thấy bà biết rằng vụ tấn công không liên quan đến đoạn video. Sau này, bà còn tuyên bố không nhân viên nào của Mỹ thiệt mạng tại Libya dưới thời bà làm Ngoại trưởng.

6.     Nói xấu Công giáo

Wikileaks từng công bố thư điện tử rò rỉ từ hộp thư Gmail cá nhân của John Podesta – giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.

Trong đó, các thư điện tử cho thấy đảng Dân chủ đã tham gia vào việc thành lập ít nhất là hai tổ chức nhằm vận động thay đổi giáo huấn của Giáo hội công giáo.

Ông John Podesta mô tả Hội đồng giám mục công giáo Mỹ đang thực thi “một chế độ độc tài thời trung cổ” tại Mỹ, và để chấm dứt tình trạng này, ông cho biết “cần phải tạo ra một Liên minh công giáo mới”.

7.     Ăn cắp nội thất

Một cựu vệ sĩ của bà Hillary Clinton từng khai báo với FBI rằng bà đánh cắp nhiều đồ nội thất từ Bộ Ngoại giao để trang hoàng cho căn nhà của mình tại Washington DC. Hiện chưa rõ bà đã trả lại chúng chưa.

8.     Bất cẩn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng

Khi còn làm ngoại trưởng, bà Hillary đã sử dụng một server email cá nhân không được bảo vệ về an ninh, thậm chí còn lỏng lẻo hơn server của Gmail, đặt trong nhà tắm. Bà giải trình mục đích là để không phải mang theo hai thiết bị cùng một lúc.

Hệ quả của hành động bất cẩn này là nhiều thông tin mật của Mỹ bị rò rỉ ra ngoài, đe dọa đến mạng sống của một số nhân viên tình báo.

Không chỉ thiếu cẩn trọng khi xử lý các email công việc, bà còn xao nhãng khi giám sát các tài liệu cứng. Thư điện tử cho thấy nhân viên của bà liên tục để tài liệu mậtt trong phòng khách sạn, trong xe hơi khi đi ra nước ngoài. Bà cũng nhiều lần đánh mất chiếc điện thoại Blackberry được cấp.

9.     Chạy tội

Sau khi lùm xùm email cá nhân của bà Hillary đến tai các cơ quan chức năng, một thuộc cấp của bà là ông Patrick Kennedy, thứ trưởng ngoại giao khi bà là ngoại trưởng, đã cậy nhờ FBI để giải mật hoặc giảm cấp phân loại cho một email của bà Hillary Clinton được xếp vào “bí mật”.

Đổi lại, ông Kennedy nói Bộ Ngoại giao sẽ chấp nhận đề xuất bổ sung thêm đặc vụ FBI vào các vị trí ngoại giao nước ngoài.

Ông Bill Clinton cũng bí mật gặp gỡ của Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch tại sân bay khi bà Lynch lên máy bay cá nhân, làm rộ nghi vấn ông Clinton giúp vợ “hối lộ” để thoát truy cứu hình sự. Hình ảnh của buổi gặp gỡ chóng vánh đã được camera an ninh ghi lại.

Nghi ngờ này càng được củng cố khi sau đó không lâu, bà Loretta Lynch tuyên bố chấp nhận quyết định của cơ quan điều tra liên quan đến cáo buộc bà Clinton sử dụng email cá nhân trong thời gian còn là Ngoại trưởng. Và FBI thì đã cho rằng bà Hillary không nên bị truy tố.

10.  Vô lý với nhân viên

Nội dung email cá nhân của bà cho thấy đôi khi nhân viên của bà bị sai làm những việc không liên quan đến nhiệm vụ.

Bà thường email họ về những công việc lặt vặt như ghi băng lại bộ phim yêu thích, hướng dẫn cách sạc iPad, yêu cầu họ pha trà. Cá biệt, có lần bà còn chuyển một bức email đến nhân viên và sai người này đi in, thay vì tự in trên máy của mình.

11.  Liên đới tới chính quyền nước ngoài

Dưới thời làm Ngoại trưởng, bà Hillary dành phần lớn thời gian cho các nhà đóng góp của quỹ Clinton Foundation.

Ví dụ, lãnh đạo qũy Clinton đã sắp xếp để bà gặp hoàng tử Bahrain vào năm 2009. Ông là người đã đóng góp hơn 32 triệu USD với tư cách cá nhân vào quỹ Clinton Global Initiative.

Sau đó, kim ngạch xuất khẩu vũ khí từ Bộ Ngoại giao Mỹ sang quốc gia Trung Đông này tăng mạnh. Trong khi trên thực tế, chính quyền chuyên quyền của Bahrain đã đàm áp đẫm máu nhiều cuộc biểu tình đòi dân chủ trong nước.

Các email trao đổi cho thấy đôi khi hoạt động của quỹ Clinton Foundation và Bộ Ngoại giao có sự chồng lấn không được phép.

Theo điều tra của tờ International Business Times, với tư cách Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary điều hành một cơ quan chịu trách nhiệm điều tiết hoạt động xuất khẩu vũ khí của Mỹ.

Số liệu cho thấy số đơn xuất khẩu vũ khí được Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt đến các chính phủ có đóng góp vào quỹ của bà Clinton tăng bất thường.

Tháng Tám vừa qua, đội ngũ chạy chiến dịch tranh cử của bà phải tuyên bố sẽ ngừng nhận các khoản đóng góp từ chính quyền nước ngoài vào quỹ Clinton nếu bà đắc cử.

THẢO MAI/Bizlive

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close