Kinh tế vĩ môThời sự
Môi trường kinh doanh Việt Nam cải thiện đáng kể
Đó là kết luận của báo cáo điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2015 do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương phối hợp với Đại học Liên Hiệp Quốc thực hiện, công bố ngày 9-11.
Giáo sư Finn Tarp, Giám đốc ĐH Liên Hiệp Quốc, cho biết kết quả nổi bật của cuộc điều tra năm 2015 so với năm 2013 là đã có sự cải thiện rõ rệt trong môi trường kinh doanh Việt Nam. Biểu hiện ở sự biến chuyển tích cực của 2.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia khảo sát với kết quả tổng số việc làm do các DN này tạo ra tăng 5,2%, trong khi tỉ lệ DN rút khỏi thị trường hằng năm giảm còn 8,2%.
Đáng lưu ý là số DN chính thức cũng tăng mạnh trong các năm 2013- 2015, có thể do tác động của việc Quốc hội thông qua Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014.“Trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chúng tôi đã khuyến nghị nhiều quốc gia cần thay đổi chính sách vĩ mô vì chưa đi đúng hướng nhưng câu chuyện của Việt Nam lại khác. Các bạn đã đi đúng hướng, bây giờ là lúc nên giữ nguyên như hiện nay để mọi thứ tiếp tục tiến về phía trước, không nên có sự thay đổi” – GS Finn Tarp đề nghị.
Vấn đề lớn nhất của Việt Nam để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay, theo khuyến cáo của nhóm điều tra là nỗ lực giảm chi phí không chính thức cho DN. Theo kết quả điều tra, chi phí không chính thức đã giảm từ 45% năm 2013 xuống còn 43%. DN cho biết chi phí không chính thức chủ yếu là các khoản chi để kết nối các dịch vụ công, thuế và người thu thuế, giấy phép hoặc để có các hợp đồng… “Kể từ khi tôi đến Việt Nam lần đầu vào 15 năm trước thì các khoản chi không chính thức vẫn tiếp tục là vấn đề quan trọng trong kinh doanh. Đó là vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế khiến DN hoạt động không hiệu quả, giảm khả năng cạnh tranh” – GS Finn Tarp nhấn mạnh.
Mặc dù đã giảm nhẹ nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng Chính phủ cần nỗ lực đưa ra chiến dịch thông tin, bảo đảm mọi thứ minh bạch để giảm các chi phí không chính thức, chống lại các hành động hối lộ.
Theo kết quả điều tra, việc tiếp cận tín dụng của DNNVV đã được cải thiện hơn, mức khó khăn giảm dần trong các năm điều tra 2011, 2013 và 2015 với các con số tương ứng là 45%, 30% và 24% DN phản ánh khó vay vốn tín dụng. Tuy nhiên, đây vẫn là yếu tố cản trở sự phát triển toàn diện của DNNVV. Gần đây, các DN ít có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất vì khó được duyệt hoặc không muốn phát sinh nợ và lãi cao. Nhóm điều tra cũng khuyến cáo DNNVV Việt Nam chưa hoạt động mạnh tại thị trường nước ngoài, Chính phủ cần có các giải pháp để các DN này tham gia vào hoạt động xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc cung cấp nguyên liệu đầu vào cho DN xuất khẩu lớn. Tham gia vào thị trường xuất khẩu là cách tốt nhất để DN học hỏi, thúc đẩy quá trình cải tiến công nghệ và tăng trưởng.
Người Lao Động