Chính trườngNhân vật

Hillary Clinton: Người phụ nữ không bao giờ gục ngã

“Việc thất bại rất đau đớn, nhưng đừng bao giờ từ bỏ niềm tin vào việc chiến đấu cho lẽ phải, vì việc đó đáng để làm.”- Hillary Clinton

Sinh ngày 26/10/1947, bà Hillary Clinton có tên thật là Hillary Rodham trước khi chuyển sang họ chồng lúc cưới ông Bill Clinton vào năm 1975.

Ngày từ thời học sinh, bà Clinton đã tỏ ra có hứng thú với chính trị và đã theo đuổi ngành luật của trường đại học Yale và tốt nghiệp vào năm 1969. Trong khoảng thời gian này, dù quan tâm đến nền chính trị của nước Mỹ nhưng sự nghiệp chính của bà Clinton vẫn là luật và mọi chuyện chỉ thay đổi cho đến khi bà cưới ông Bill Clinton cũng như trở thành Đệ nhất phu nhân tổng thống Mỹ năm 1993.

Trong suốt thời kỳ làm nữ chủ nhân của gia đình Clinton, bà Hillary đã tạo được rất nhiều mối quan hệ cũng như hình ảnh trước công chúng Mỹ. Việc tham gia hàng loạt các chương trình xã hội vì trẻ em và phụ nữ cũng như xuất bản sách khiến danh tiếng của bà ngày một lên cao.


Bà Clinton khi còn trẻ

Bà Clinton khi còn trẻ

Kể từ đây, bà Clinton bắt đầu tập trung vào sự nghiệp chính trị khi ứng cử vào Thượng viện và trở thành Thượng nghị sĩ của New York vào năm 2000. Người dân New York tiếp tục ủng hộ bà Clinton khi bà tái cử Thượng nghĩ sĩ vào năm 2006.

Đến năm 2007, bà Clinton thể hiện ý định tranh cử tổng thống năm 2008. Tuy nhiên, sự xuất sắc của Tổng thống Barack Obama đã dập tắt ước mơ là nữ tổng thống đầu tiên của bà Clinton khi Đảng Dân chủ bầu nhà lãnh đạo da màu này làm ứng cử viên đại diện cho cuộc đua năm 2008.

Sau giai đoạn này, bà Clinton có một thời gian dài làm ngoại trưởng Mỹ dưới thời ông Obama và nghỉ hưu vào năm 2013.

Tuy nhiên, bà Clinton không chịu chấp nhận một cuộc sống nghỉ hưu mà quyết định tiếp tục tranh cử cho cuộc bầu cử năm 2016.


Ông Bill Clinton, bà Clinton và Tổng thống Mỹ Barack Obama

Ông Bill Clinton, bà Clinton và Tổng thống Mỹ Barack Obama

Mất 2 năm để rút kinh nghiệm từ thất bại

Sau khi thôi giữ chức Ngoại trưởng Mỹ, Bà Clinton đã có khoảng 51 buổi diễn thuyết tại các tổ chức lớn trên toàn thế giới và thu được 11 triệu USD, đồng thời gia tăng sức ảnh hưởng cũng như hình ảnh của mình.

Trên hết, việc tiếp tục thể hiện quan điểm chính trị của bản thân khiến bà Clinton giữ được mối quan hệ với giới truyền thông cũng như nhiều chuyên gia chính trị.

Đến tháng 9/2013, rất nhiều báo đài và chuyên gia dự đoán về khả năng bà Clinton sẽ tranh cử tỏng cuộc bầu cử tiếp theo. Trên thực tế, vị cựu ngoại trưởng này đã phải tốn rất nhiều thời gian trước khi quyết định tranh cử lần 2.

Bà Clinton cho biết mình đã tốn khoảng gần 2 năm để xem xét khả năng tranh cử sau lần thất bại trước ông Obama vào năm 2008. Trong khi chồng bà, Cựu tổng thống Bill Clinton ủng hộ việc ra tranh cử và con gái Chelsea Clinton cũng vậy thì nhiều người quen của bà Clinton lại khuyên bà không nên làm vậy.

Đến tận tháng 12/2014, bà Clinton mới chính thức quyết tâm tham gia tranh cử vào năm 2016.

Mặc dù chiến dịch tranh cử của bà Clinton chính thức được tuyên bố khởi động vào tháng 7/2015 nhưng nhiều chuyên gia cho biết thực tế chiến dịch này đã bắt đầu từ tháng 4 năm đó khi nhóm vận động của bà thuê một văn phòng nhỏ ở New York.

Ngày 12/4/2015, bà Clinton chính thức tuyên bố tham gia tranh cử tổng thống: “Tôi sẽ tranh cử tổng thống. Mỗi ngày, người Mỹ đều cần có người bảo vệ và tôi sẽ trở thành người bảo vệ đó”.

Với kinh nghiệm từng tham gia tranh cử tổng thống vào năm 2008 cũng như đã làm Ngoại trưởng Mỹ nhiều năm, bà Clinton đã rút được rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc đua năm 2016.

Ngay từ cuối năm 2015, bà Clinton đã công bố bản dự thảo kế hoạch kinh tế, tài chính cho nước Mỹ nếu được bầu làm tổng thống cũng như thể hiện hàng loạt các quan điểm của mình về chính trị, xã hội.

Chiến lược này của bà Clinton khiến nhiều người tin tưởng vào ứng cử viên này hơn cũng như tạo nên hình ảnh đáng tin cậy trong người dân Mỹ. Tuy nhiên, động thái này cũng tạo ra nhiều tranh luận khi một bộ phận cử tri không đồng ý với các chính sách của bà, đồng thời tạo ra sơ hở để phía tỷ phú Trump khai thác.

Bất chấp những yếu tố đó, nhiều chuyên gia nhận định cuộc đua làm đại diện Đảng Dân chủ năm 2016 không khó khăn mấy với bà Clinton như năm 2008 khi tỷ lệ ủng hộ bà trong đảng cao hơn so với thời kỳ đó.

Thêm vào đó, sự ủng hộ của Tổng thống Obama cũng khiến nhiều cử tri Mỹ bỏ phiếu cho vị cựu ngoại trưởng này hơn.

Ngày 1/2/2016, cuộc bầu cử sơ bộ tại Mỹ bắt đầu và bà Clinton thắng sát nút đối thủ Bernie Sanders trong cuộc bỏ phiếu kín tại bang Iowa. Trong những cuộc bỏ phiếu sơ bộ sau đó, có giai đoạn bà Clinton thắng áp đảo nhưng cũng có lúc bà bị đối thủ dẫn trước.

Mặc dù vậy, việc bà Clinton chiến thắng vẫn nằm trong sự đoán của nhiều chuyên gia phân tích.

Đến ngày 7/6/2016, bà Clinton giành được 2.383 số phiếu đại biểu và đủ điều kiện để được đề cử làm đại diện Đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, sóng gió lại ập tới khi ngày 2/7/2016, bà Clinton phải dành 3 tiếng thẩm vấn với FBI liên quan đến vụ bê bối sử dụng hòm thư điện tử cá nhân trong thời kỳ làm Ngoại trưởng Mỹ. Dẫu vậy, FBI tuyên bố không tìm thấy bằng chứng kết tội bà.

Ngày 28/7, bà Clinton chính thức được Đảng Dân chủ đề cử là ứng cử viên đại diện đảng ra tranh cử tổng thống.

Thất bại là đau đớn, nhưng đừng bao giờ từ bỏ

Kể từ khi được bầu làm đại diện Đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống, cuộc đối đầu giữa bà Clinton và ông Trump diễn ra ngày càng gay gắt.

Trong thời kỳ này, ông Trump đã có hàng loạt các phát ngôn gây sốc, qua đó thu hút được nhiều sự chú ý từ cử tri nhưng lại khiến giới chuyên gia và truyền thông phản cảm. Hậu quả là hàng loạt tờ báo quay sang ủng hộ bà Clinton, tạo nên lợi thế vô cùng lớn cho vị nữ chính trị gia này.

Ngày 11/9/2016, bà Clinton bị choáng khi tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ 11/9 qua đó làm dấy lên nghi ngờ về tình hình sức khỏe của vị ứng cử viên 68 tuổi này. Tuy vậy tình hình đã được dẹp yên sau khi bà Clinton hồi phục nhanh chóng và tiếp tục cuộc vận động tranh cử ngay ngày hôm sau.

Ngày 26/9/2016, ứng cử viên Clinton bước vào trận chiến lớn nhất với tỷ phú Trump khi tham gia cuộc tranh luận trực tiếp thứ nhất trên truyền hình.

Sau 3 cuộc tranh luận, bà Clinton được nhiều chuyên gia và báo chí đánh giá là đã đánh bại ông Trump. Mặc dù các cuộc tranh luận diễn ra khá kỳ quặc khi 2 ứng cử viên thường xuyên xoáy vào những vụ bê bối của nhau nhưng bà Clinton đã cho thấy được bản lĩnh chính trị của mình khi bình tĩnh đối đáp trước sự tấn công từ phía Trump.

Mặc dù cả 2 phía đều tuyên bố chiến thắng sau 3 cuộc tranh luận, nhưng việc nhiều tờ báo cũng như chuyên gia trung lập quay sang ủng hộ bà Clinton đã cho thấy sức thuyết phục của vị nữ ứng cử viên này cho chiếc ghế bà chủ Nhà trắng.

Bất ngờ thay ngày 28/10/2016, FBI quyết định mở lại cuộc điều tra liên quan đến bê bối email ngay trước ngày bỏ phiếu cuối, khiến tỷ lệ ủng hộ đối thủ Trump tăng vọt và gần tiếp cận bà Clinton. Dẫu vậy một lần nữa FBI đã phải tuyên bố không đủ bằng chứng kết tội bà Clinton và tỷ lệ ủng hộ bà lại tăng mạnh trở lại.

Trước ngày bầu cử cuối 8/11, các cuộc khảo sát đều cho thấy bà Clinton sẽ chiến thắng. Hãng tin Reuters thậm chí đã dự đoán 91% bà Clinton sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử này.

Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra khi một số bang có truyền thống bầu cho Đảng Dân chủ quay sang ủng hộ ông Trump, trong khi bà Clinton lại thua trận tại các bang trung lập khiến giấc mơ làm chủ Nhà Trắng của bà bị xóa nhòa. Cuối cùng bà Clinton đã thua ông Trump với kết quả tổng số phiếu đại cử tri là 288/215.

Bất chấp điều đó, vị cựu ngoại trưởng Mỹ vẫn mạnh mẽ chấp nhận kết quả này, đồng thời kêu gọi người Mỹ hãy chung tay xóa bỏ mẫu thuẫn, cùng ông Trump xây dựng đất nước.

Đặc biệt hơn, dù có nhiều mâu thuẫn và chí trích trong quá trình tranh cử, bà Clinton vẫn cư xử đàng hoàng khi chúc mừng ông Trump trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Đối với bà, thất bại không phải là gục ngã, đó chỉ là kinh nghiệm cần thiết để đi đến thành công sau này.

“Tôi đã gặp thành công và cả thất bại, đôi khi rất đau đớn. Nhiều người trong số các bạn đang trong giai đoạn chập chững về nghề nghiệp hay sự nghiệp chính trị – các bạn cũng sẽ gặp thành công và thất bại. Việc thất bại rất đau đớn, nhưng đừng bao giờ từ bỏ niềm tin vào việc chiến đấu cho lẽ phải, vì việc đó đáng để làm. Vì vậy chúng tôi cần các bạn tiếp tục chiến đấu, hiện giờ và cả suốt cuộc sống sau này”, bà Clinton nói sau khi chấp nhận thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống 2016.

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close