Kinh doanh quốc tếThế giới
Bài toán nan giải về nền kinh tế Anh
Nền kinh tế Anh đang rơi vào tình trạng rắc rối và có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong thời gian tới, CNNMoney cho hay.
Hàng loạt chỉ số kinh tế đáng lo ngại đã lũ lượt xuất hiện trong vài tuần gần đây. Vốn bị tác động nặng nề bởi giá hàng hóa ngày càng tăng, người tiêu dùng đã đóng chặt ví tiền của mình. Và tình trạng lùm xùm về chính trị đã khiến nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải trì hoãn hoạt động đầu tư.
Các dấu hiệu cảnh báo mới nhất diễn ra trong ngày thứ Hai, khi Thủ tướng Anh Theresa May vẫn chật vật trong việc thành lập một Chính phủ mới khi Đảng Bảo thủ của bà không thể giành lấy đa số ghế sau cuộc bầu cử hôm thứ Năm (08/06).
Công ty Visa cho biết chi tiêu tiêu dùng tháng 5/2017 giảm lần đầu tiên trong gần 4 năm khi các hộ gia đình bị tác động quá nhiều bởi giá háng hóa ngày càng tăng, trong khi tăng trưởng tiền lương bị chững lại. Bên cạnh đó, các cửa hàng bán lẻ bị tác động nặng nề nhất với việc doanh số giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 5 năm.
Dữ liệu ảm đạm trên được công bố trước cuộc bầu cử hồi tuần trước, qua đó đẩy tình hình chính trị nước này rơi vào tình trạng rối loạn và gia tăng bất ổn về kế hoạch rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Bà May đang cố gắng thỏa thuận với một Đảng khác để nắm được đa số ghế trong Quốc hội Anh.
Tâm lý bi quan
Hơn 90% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham gia cuộc thăm dò của Hiệp hội Giám đốc cho biết kết quả của cuộc bầu cử là một mối lo ngại đối với nền kinh tế. Chỉ có 20% nhà lãnh đạo cho rằng họ vẫn lạc quan về thành quả của nền kinh tế Anh trong 12 tháng tới, trong khi có tới 57% cho thấy sự bi quan rõ rệt.
“Rất khó để nói quá các tác động đáng kể của tình hình bất ổn chính trị hiện tại đến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và có thể có các hậu quả thảm khốc cho nền kinh tế nếu không được giải quyết ngay lập tức”, Stephen Martin, Tổng Giám đốc của Hiệp hội Giám đốc, cho hay.
Nền kinh tế Anh vốn đã bị tổn thương trước cuộc bầu cử ngày 08/06, trong đó người tiêu dùng phải vật lộn với mức giá cao hơn và sự chững lại của tăng trưởng tiền lương.
Bối cảnh trên bắt đầu được hình thành trong năm ngoái, khi các cử tri Anh quyết định rút khỏi EU. Sự kiện này đã làm dấy lên lo ngại liệu Anh có thể phát triển mạnh mà không cần sự tiếp cận tới thị trường chung châu Âu hay không, qua đó đẩy đồng bảng Anh (GBP) xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ.
Đồng tiền này hiện dao động thấp hơn 15% so với mức tại thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Sự suy yếu của đồng GBP đã góp phần hỗ trợ các công ty có hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, nhưng lại khiến giá hàng hóa nhập khẩu trở nên vô cùng đắt đỏ.
Anh tăng trưởng yếu nhất châu Âu
Thị trường lao động Anh cũng có vấn đề: tỷ lệ thất nghiệp ở mức cực thấp, nhưng các công ty lại không trả tiền lương cao hơn cho nhân viên. Khi giá hàng hóa tăng lên, người dân phải vay nợ nhiều hơn để đáp ứng các nhu cầu của mình. Dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho thấy số lượng nợ tín dụng của người Anh tăng thêm gần 10% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 4/2017.
“Nhiều trong số họ bắt đầu cảm thấy túng quẫn”, Giám đốc điều hành Visa, Kevin Jenk, cho biết trong ngày thứ Hai.
Xu hướng trên đã “góp phần” làm đảo ngược vận mệnh kinh tế của Anh. Trong năm 2016, Anh ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh hơn bất kỳ nước nào thuộc nhóm G7. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2017, nước này lại có tăng trưởng thấp nhất trong nhóm G7 và trong toàn bộ 28 nước thành viên của EU.
Điều gì đang diễn ra?
Brexit có khả năng sẽ đem lại thêm nhiều nỗi đau về kinh tế.
Bà May đã cam kết rút Anh hoàn toàn khỏi EU và giảm bớt số lượng người nhập cư từ châu Âu. Thậm chí, bà còn đe dọa rời khỏi Anh mà không chi trả các hóa đơn Brexit khổng lồ hoặc không ký kết một thỏa thuận thương mại mới.
Kể từ khi có kết quả của cuộc bầu cử ngày 08/06, một số doanh nghiệp lớn đã tận dụng cơ hội để tạo ra một trường hợp đi ngược lại với kế hoạch “hard Brexit”.
Tờ Sunday Times ghi nhận rằng Airbus đã đe đọa chuyển hoạt động sản xuất mới ra khỏi Anh nếu phải đối mặt với các rào cản thương mại mới hoặc các giới hạn về khả năng tuyển dụng người lao động thuộc EU ở Anh.
Airbus tuyển dụng hàng ngàn nhân viên ở Anh và chi tiêu khoảng 5 tỷ USD mỗi năm cho các nhà cung ứng ở nước này.
“Đối với hoạt động sản xuất mới, rất dễ để tìm một nhà máy mới ở một quốc gia nào đó trên thế giới. Chúng tôi có nhiều lời đề nghị để làm như thế”, Giám đốc tác nghiệp (COO) của Airbus, Fabrice Bregier, cho hay.
Trong ngày thứ Hai, David Davis, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh, lên tiếng cảnh báo các cuộc đàm phán với EU có thể không được bắt đầu vào ngày 19/06/2017 như dự kiến.
Đồng bảng Anh lại giảm
Đồng GBP hạ 0.7% xuống dưới mức 1.27 USD, và cũng chạm mức thấp nhất so với đồng euro trong năm nay.
Hôm thứ Hai, Moody’s cảnh báo rằng kết quả bầu cử ngày 08/06 có thể trì hoãn thêm và làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán về Brexit.
Bên cạnh đó, một số sự thay đổi lớn đã diễn ra. Health Foundation, một quỹ từ thiện độc lập, đã công bố dữ liệu trong ngày thứ Hai cho thấy số lượng y tá từ EU đăng ký làm việc ở Anh đã giảm 96% kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit hồi tháng 6/2016.
Y tế và nhiều ngành công nghiệp khác phụ thuộc vào người nhập cư. Liên hiệp công nghiệp Anh (CBI) cho biết nước này cần phải chấp nhận một quan điểm mới về Brexit để các công ty có thể tiếp cận với người lao động có kỹ năng mà họ cần./.
Theo Vietstock