Kinh tế vĩ môThời sự

Bị lấn át, khu vực tư nhân khó có cơ hội vươn lên

Sự độc quyền của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong ngành điện là một ví dụ điển hình được TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu lên, với mô tả là dai dẳng tới mức đã nỗ lực cải cách từ lâu mà không xóa bỏ được.

“Đây là ngành độc quyền, được Chính phủ bao cấp, bảo lãnh nhiều nhất, nhưng số nợ cũng nhiều nhất. Càng bao cấp bao nhiêu thì chi phí sản xuất, số nợ càng lớn bấy nhiêu”, ông Cung nêu thực trạng.

Không riêng ngành điện, nhiều cái tên khác cũng được nêu lên như khai thác than, khoáng sản… với một điểm chung là độc quyền của khu vực DNNN vẫn tồn tại và lấn át. Nhà nước có nhiều ưu đãi, dồn nguồn lực đầu tư, nhưng chi phí sản xuất luôn cao, khả năng cạnh tranh kém, nợ không ngừng gia tăng.

Trong khi đó, một ngành tưởng như độc quyền là bưu chính viễn thông, nhờ thực thi chính sách cạnh tranh đầy đủ và áp dụng khoa học công nghệ, với sự tham gia của các khu vực kinh tế khác đã cho thấy sự cải thiện rất nhiều.

“Ngành viễn thông là một ví dụ điển hình ở chiều ngược lại cho thấy, sự cạnh tranh giúp giảm được chi phí và giá, trong khi nâng cao chất lượng dịch vụ. Đây là lợi ích của việc thực thi cạnh tranh trên thị trường”, ông Cung nói.

Theo ông Cung, hiện tại, thị trường bị méo mó, chưa thực sự có cạnh tranh bình đẳng cho khu vực tư nhân bởi chính sách cạnh tranh chưa hoàn thiện. Đáng lo ngại hơn, mặc dù theo Luật Doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện rà soát điều kiện kinh doanh hàng năm để đảm bảo có những bổ sung, sửa đổi theo kịp sự phát triển của thị trường, tuy nhiên, quy định này hầu như không được thực hiện hoặc thực hiện mang tính hình thức. Điều này thể hiện rõ sự thất bại trong việc tạo dựng một môi trường bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh cho các khu vực doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân đang lép vế?

Nhiều nghiên cứu gần đây của CIEM đã chỉ ra một thực trạng rất đáng lo ngại, đó là khu vực nhà nước, trong đó có DNNN, mặc dù đã tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn khá mạnh trong thời gian gần đây, song quy mô còn rất lớn và vẫn đang hấp thu đa phần nguồn lực của đất nước, từ đó lấn át khu vực tư nhân, khiến khu vực này vốn đã nhỏ bé, lại càng trở nên teo tóp do thiếu nguồn lực để phát triển.

“Hiện tại, thị trường bị méo mó, chưa thực sự có cạnh tranh bình đẳng cho khu vực tư nhân bởi chính sách cạnh tranh chưa hoàn thiện”

– TS. Nguyễn Đình Cung.

Theo số liệu thống kê của CIEM, năm 2014, tính riêng 781 doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước, tổng tài sản đã hơn 3 triệu tỷ đồng. Nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có 100% và trên 50% sở hữu nhà nước, tổng nguồn vốn sở hữu lên đến 5,4 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 257 tỷ USD.

Con số này cho thấy, một nguồn lực rất lớn vẫn đang nằm trong tay khu vực DNNN, với tỷ lệ sở hữu vốn của nhà nước trong doanh nghiệp còn rất lớn. Không chỉ vậy, dòng tiền và vốn đầu tư tiếp tục đổ mạnh vào khu vực nhà nước khiến vốn tín dụng cho tư nhân bị thu hẹp, giá vốn vay tăng cao, hạn chế cơ hội tiếp cận tín dụng của khu vực này.

Tại báo cáo nghiên cứu về chính sách cạnh tranh của Việt Nam vừa công bố, TS. Đặng Quang Vinh, nghiên cứu viên CIEM chỉ ra rằng, DNNN hiện chiếm lợi thế từ độc quyền kinh doanh tại nhiều lĩnh vực trọng yếu trong nền kinh tế, tiếp cận và được phân bổ phần lớn nguồn lực vốn, đất đai, đồng thời được nhà nước bảo hộ, không phải cạnh tranh quốc tế. Trong khi đó, khu vực tư nhân đang gặp rất nhiều rào cản, khó khăn trong gia nhập thị trường.

Ông Vinh dẫn các số liệu khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 cho thấy, 30% doanh nghiệp tư nhân cho biết, việc chính quyền địa phương ưu ái DNNN gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của họ, nhất là trong lĩnh vực khai khoáng và xây dựng.

Sự tham gia của DNNN khiến doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận tín dụng hơn. Xét về gia nhập thị trường, doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt với nhiều rào cản và hạn chế cạnh tranh với hơn 267 ngành kinh doanh cần được cấp phép và thủ tục cấp phép thực tế thường rất phức tạp và tốn kém.

Theo ông Vinh, trên góc độ luật pháp, các quy định về kinh doanh của Việt Nam hầu hết đều có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh so với thông lệ quốc tế, tạo ra sân chơi thiếu bình đẳng cho khu vực tư nhân, như ấn định giá cho nhiều hàng hóa quan trọng, đặt ra các quy định khiến nhiều doanh nghiệp gặp bất lợi hơn, hạn chế lựa chọn của người tiêu dùng. Thực tế này cho thấy, cuộc chơi vẫn đang diễn tiến theo chiều hướng thiếu cạnh tranh bình đẳng, với lợi thế lấn át nghiêng về khu vực nhà nước, khiến khu vực tư nhân khó có thể có cơ hội vươn lên để phát triển.

Cạnh tranh bình đẳng để khu vực tư nhân có thể lớn mạnh

Theo các chuyên gia thuộc Cơ quan Cạnh trạnh Australia, để khắc phục sự chèn lấn của DNNN đối với khu vực tư nhân, không có cách nào khác là tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, từ đó mới giúp thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh.

“Cạnh tranh giữa DNNN với doanh nghiệp tư nhân có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi. Chúng ta biết rằng, Chính phủ không hoàn toàn rút khỏi một ngành nào đó vì những lý do như an ninh quốc gia, duy trì dịch vụ công. Do đó, sự cạnh tranh công bằng giữa khu vực nhà nước và tư nhân là biện pháp dự phòng hữu hiệu. Để thực hiện được điều này, cần tách khối DNNN thành các doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc thị trường và cho phép khu vực tư nhân tham gia, bằng việc hỗ trợ thành lập doanh nghiệp tư nhân mới hoặc bán các doanh nghiệp cũ”, đại diện cơ quan này cho biết tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách cạnh tranh trong các ngành mạng lưới: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam” do CIEM tổ chức.

Cũng theo các chuyên gia, việc xây dựng thể chế, đặc biệt là các chính sách về cạnh tranh là điều kiện tiên quyết để hướng thị trường cạnh tranh bình đẳng lành mạnh, tránh bị méo mó, chi phối bởi sự chèn lấn của khu vực nhà nước. Tại Việt Nam, hiện nay, không hợp lý khi để mô hình cơ quan chuyên trách về cạnh tranh trực thuộc ngay trong một bộ, Hội đồng Cạnh tranh quốc gia không có chuyên gia về luật cạnh tranh, kinh tế, chuyên gia độc lập mà chủ yếu là các quan chức hành chính đảm nhiệm.

“Với mô hình này, cơ quan thi hành pháp luật cạnh tranh chưa đủ mạnh và chưa đảm bảo khách quan, do đó cần xem xét lại mô hình theo hướng tách biệt độc lập. Theo đó, thể chế cần phải rõ ràng, có chức năng phân biệt. Các cơ quan không những phải được tách biệt với nhau mà còn phải tách biệt với các cơ quan hoạch định chính sách và sở hữu tài sản của Nhà nước”, đại diện Cơ quan Cạnh tranh Australia khuyến nghị.

Trọng tâm là lợi ích người tiêu dùng và các ngành kinh tế

ảnh 1

TS. Warren Mundy Ủy viên hội đồng Ủy ban Năng suất, chuyên gia tư vấn về cạnh tranh của Australia 

Đối với ngành điện, đây là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi đầu tư lớn, nên quy mô doanh nghiệp hoạt động trong ngành này cũng lớn, từ đó sẽ hạn chế số doanh nghiệp tham gia. Cần nhận thức rõ đặc điểm đó để xây dựng chính sách cạnh tranh hợp lý và giảm độc quyền tự nhiên nhà nước trong lĩnh vực này. Điểm mấu chốt ở đây không phải là doanh nghiệp cạnh tranh với nhau, mà trọng tâm là lợi ích người tiêu dùng và các ngành kinh tế được hưởng từ ngành này.

Theo đó, lợi ích tổng thể cần có được là nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao năng lực trạnh tranh của các ngành thương mại, tái phân bổ vốn công đến các khu vực khác, từ đó gián tiếp tạo cơ hội cho khu vực tư nhân được tham gia và hưởng lợi, cũng như mang lại kết quả tốt hơn cho người tiêu dùng.

 

Cơ quan quản lý trung lập, bình đẳng rất quan trọng

ảnh 2

 TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Dường như chúng ta vẫn đang loay hoay cân nhắc mối quan hệ giữa an toàn và cạnh tranh, muốn một nền kinh tế thị trường nhưng lại sợ cạnh tranh. Thực tế, bản chất của nhà nước là sở hữu, còn của thị trường là cạnh tranh. Việc làm thế nào để hài hòa mối quan hệ này, xây dựng được một nhà nước vừa thúc đẩy, vừa kiểm soát được cạnh tranh là vấn đề quan trọng.Hiện nay, chúng ta lập ra một Hội đồng Cạnh tranh nhưng lại nằm trong bộ máy cơ cấu nhà nước, vậy cơ quan này làm thế nào để đứng trung lập, không bị chi phối bởi nhà nước hay bất cứ bên nào.

Cần phải nhận thức được rằng, để thực hiện thị trường cạnh tranh lành mạnh, vai trò quản lý trung lập, bình đẳng rất quan trọng. Xét trên góc độ cạnh tranh giữa các khu vực DN, để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, DNNN phải chịu sự điều chỉnh về cạnh tranh, môi trường… như các doanh nghiệp khác, không được ưu đãi khi tham gia các hoạt động mua sắm chính hoặc các thỏa thuận thương mại, bị quản lý như các doanh nghiệp khác. Nhà quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải bị phạt như các giám đốc trong khu vực kinh tế tư nhân.

Hiếu Minh

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close