CEO Thế giớiNhân vật
Bí quyết thành công của tỷ phú Zhang Yong – “vua lẩu” Trung Quốc
Sở hữu khối tài sản gần 4 tỷ USD cũng như chuỗi nhà hàng Hai Di Lao nổi tiếng, khó có thể tin rằng, tỷ phú người Trung Quốc – Zhang Yong từng một thời làm thợ hàn ở xí nghiệp và mãi tới năm 19 tuổi mới được đặt chân đến một nhà hàng đúng nghĩa.
Tỷ phú Zhang Yong – Chủ tịch kiêm CEO của chuỗi nhà hàng lẩu Hai Di Lao – ông vua lẩu của Trung Quốc. Ảnh: Forbes. |
Năm nay 47 tuổi, tỷ phú Zhang Yong là nhà đồng sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO của Haidilao International Holding – doanh nghiệp đứng sau chuỗi nhà hàng lẩu nổi tiếng đến từ Trung Quốc: Hai Di Lao. Vào năm 2017, chuỗi nhà hàng có trụ sở đặt tại Bắc Kinh này đã công bố mức doanh thu đạt 1,6 tỷ USD, tăng 36% so với năm trước. Bên cạnh đó, lợi nhuận ròng của Haidilao cũng tăng 22%, lên mức 174,7 triệu USD.
Trong một lần trò chuyện với Forbes, Zhang cho biết, cứ cách 3 ngày, Haidilao lại mở một nhà hàng mới. Giải thích về tốc độ tăng trưởng thần kỳ của chuỗi nhà hàng, vị tỷ phú chia sẻ rằng, người nước ngoài luôn tò mò về văn hóa của Trung Quốc. “Phần lớn lịch sử và văn hóa của chúng tôi được thể hiện thông qua ẩm thực”, Zhang nói.
Nổi tiếng với nhiều món lẩu đặc sắc và phong cách phục vụ đầy tính sáng tạo, Haidilao đã nhận được khá nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Được biết, chuỗi nhà hàng này đã nhận được 375 triệu USD vốn đầu tư từ Hillhouse Capital, Greenwoods Asset Management, Morgan Stanley, Snow Lake và Ward Ferry. Và, sau đợt IPO hồi tháng 9 vừa qua, Haidilao đã huy động được gần 1 tỷ USD tiền vốn, góp phần đưa giá trị vốn hóa của doanh nghiệp lên xấp xỉ 12 tỷ USD.
Hiện tại, ông Zhang cùng vợ mình – bà Shu Ping, đang sở hữu 58% cổ phần của Haidilao. Theo Bloomberg, nếu tính luôn cả những tài sản khác và đợt IPO vừa rồi, tổng tài sản ròng của cặp vợ chồng tỷ phú này vào khoảng 8 tỷ USD. Khối tài sản khổng lồ này là thành quả của 24 năm miệt mài lao động hăng say của Zhang, tính từ khi ông bỏ việc tại một xí nghiệp máy kéo ở quê để tự mở một quán ăn nhỏ vào năm 1994.
Mặc dù gầy dựng sự nghiệp trong lĩnh vực F&B, nhưng mãi tới năm 19 tuổi, Zhang mới lần đầu được thưởng thức món ăn tại một nhà hàng đúng nghĩa. Chia sẻ với Bloomberg vào năm 2017, vị tỷ phú cho biết, lần đầu tiên ông trải nghiệm ẩm thực nhà hàng là tại một địa điểm thuộc vùng nông thôn của tỉnh Tứ Xuyên.
Do đã quen với khẩu vị bữa ăn không mấy đặc sắc tại căn-tin của xí nghiệp, Zhang thực sự cảm thấy bất ngờ khi mà nhà hàng ông đến cũng chẳng có gì khá hơn. Bước ra khỏi nhà hàng, điều để lại ấn tượng trong vị tỷ phú chỉ là thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp và chất lượng món lẩu dưới mức trung bình. Có lẽ, đó cũng chính là nguyên nhân khiến vị tỷ phú quyết tâm thành lập một chuỗi nhà hàng, mà trong đó, chất lượng món ăn và tác phong phục vụ phải luôn là ưu tiên số một.
Trải nghiệm nhà hàng không mấy ấn tượng đã thôi thúc Zhang Yong thành lập một chuỗi nhà hàng mà chất lượng món ăn và tác phong phục vụ phải là ưu tiên số một. |
Vốn bỏ học từ thời phổ thông, Zhang được nhận vào làm công nhân hàn xì tại một xí nghiệp máy kéo ở quê nhà. Tuy nhiên, vào năm 1994, sau khi tranh cãi với cấp trên về việc bị công ty từ chối cấp căn hộ cho bản thân và bà Shu Ping, khi đó là vợ sắp cưới, Zhang đã nghỉ việc để tự mở quán ăn.
Trong lần trả lời phỏng vấn với Forbes hồi tháng 9, vị tỷ phú thừa nhận, khi mới mở quán, ông chưa từng có kinh nghiệm nấu ăn để kinh doanh và thậm chí còn không biết cách làm một nồi lẩu Tứ Xuyên truyền thống như thế nào. Điều mà vị tỷ phú này tâm niệm lúc đó chỉ là làm sao mang lại cho khách hàng một trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ và đặc sắc nhất mà thôi.
Cũng nhờ tầm nhìn đó, mà ngày hôm nay, chuỗi nhà hàng Hai Di Lao mới có thể nức tiếng xa gần với những dịch vụ chăm sóc khách hàng độc đáo và sáng tạo của mình. Điển hình như việc chăm sóc móng tay miễn phí hay đánh giày cho thực khách trong lúc họ chờ đợi. Nhà hàng còn có phòng chụp ảnh in liền tại chỗ, sạc điện thoại hay thậm chí là cả cũi dành riêng cho em bé. Và, nếu như bạn gọi mì tươi, các nhân viên của Hai Di Lao sẽ mang tới một màn “múa mì” theo nhạc điệu nghệ, tựa như vận động viên thể dục dụng cụ với dải ruy-băng của mình.
Zhang tâm niệm rằng, dịch vụ chăm sóc khách hàng đẳng cấp đóng vai trò hết sức quan trọng. “Tôi vốn xuất thân từ vùng nông thôn, nơi mà những người dân quê tin rằng, nếu bạn lấy tiền của người khác mà không đem lại lợi ích gì cho họ, thì bạn là một kẻ dối trá”, vị tỷ phú nói.
Cận cảnh một màn “múa mì” bên trong Hai Di Lao. Ảnh: WSJ |
Cung cách phục vụ sáng tạo cùng với các món ăn chất lượng đã khiến thực khách trên khắp lãnh thổ Trung Quốc vô cùng ưa thích Hai Di Lao. Hiện, hàng trăm nhà hàng đã mở tại Trung Quốc, cùng nhiều địa điểm khác ở Hong Kong và Đài Loan. Hiện, Hai Di Lao đang mở rộng sang thị trường quốc tế, tới các nước như Mỹ, Singapore, Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Công ty này cho biết đang hợp tác với Alibaba Cloud để phát triển một nền tảng trí tuệ nhân tạo nhằm khảo sát và gợi ý các địa điểm mở nhà hàng mới, đồng thời tiến hành phân tích hiệu quả hoạt động của chuỗi nhà hàng.
Theo CNBC, trong những năm gần đây, các nhà hàng lẩu truyền thống đang là mốt ở Trung Quốc, mà điển hình là Hai Di Lao và đối thủ của mình – Xiabu Xiabu. Zhang cho biết, một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của Hai Di Lao nằm ở chính sách ưu đãi dành cho các quản lý chi nhánh. Được biết, công ty này sẽ trích 3% lợi nhuận của chi nhánh cho quản lý – điều mà Zhang tin rằng, sẽ thúc đẩy họ nâng cao tác phong phục vụ của nhà hàng.
Ngoài ra, vị tỷ phú cũng tán thưởng nhân viên của mình khi họ nảy ra các sáng kiến hay, được áp dụng tại khắp các chi nhánh. Ví dụ như tặng thực khách túi nhựa dùng đựng điện thoại để tránh rớt vào nồi lẩu. Hai Di Lao còn tặng cả kẹp tóc cho những thực khách tóc dài vì lý do tương tự. “Nếu bạn muốn có sự sáng tạo, bạn phải để nhân viên của mình nảy ra ý tưởng và áp dụng chúng”, vị tỷ phú chia sẻ.
LÊ DUY