Kinh tế vĩ môThời sự

Bộ Công Thương đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô theo tỷ lệ nội địa hoá

Không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối phần giá trị tạo ra trong nước là một trong 3 nhóm giải pháp được Bộ Công Thương đề cập nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Bộ Công Thương đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô theo tỷ lệ nội địa hoá

Doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước. Ảnh: TL

Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ nội địa hoá

Bộ Công Thương vừa có báo cáo đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam và các giải pháp gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Theo Bộ này, trong bối cảnh Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (AFTA) sẽ có hiệu lực vào năm 2018, các sản phẩm ô tô nguyên chiếc (CBU) nhập khẩu từ ASEAN sẽ được nhập khẩu về Việt Nam với giá cả rất cạnh tranh.

“Đây là xu hướng không có lợi cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam và Việt Nam sẽ trở thành thị trường để các quốc gia khác có nền công nghiệp ôtô phát triển hơn như Thái Lan, Indonesia khai thác”, Bộ Công Thương nhận định.

Trước thách thức đặt ra, Bộ Công Thương đề xuất 3 nhóm giải pháp chính nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Thứ nhất, Bộ Công Thương cho rằng cần phải tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước tức là khuyến khích sử dụng xe ôtô sản xuất trong nước.

Theo đó, Chính phủ phải có các biện pháp hợp lý bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ôtô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại. Quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ô tô của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP Hà Nội và TP.HCM.

“Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước tức là cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ thể nhập khẩu xe đối với người tiêu dùng, tương tự như đối với xe sản xuất trong nước”, Bộ Công Thương cho hay.

Nhóm giải pháp thứ hai được Bộ Công Thương đề cập là hỗ trợ có mục tiêu, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với một số các sản phẩm ô tô chủ lực, có dung lượng thị trường tốt, và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của các nước khác trong khu vực thông qua các biện pháp như điều chỉnh thuế suất nhập khẩu linh kiện và phụ tùng phù hợp theo cam kết đã ký.

Bộ Công Thương nhấn mạnh giải pháp áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp đối với xe có tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước cao như không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối phần giá trị tạo ra trong nước.

“Điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp đối với các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô có quy mô lớn, không phân biệt địa bàn đầu tư. Áp dụng các chính sách về tín dụng đầu tư đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước”, Bộ Công Thương cho biết thêm.

Đặc biệt, phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng được chú trọng ở khía cạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện. Qua đó, góp phần hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nội địa nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn thông qua việc hợp tác – liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất – lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện trong và ngoài nước.

Thứ ba, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh đến vai trò của thu hút đầu tư FDI trong ngành công nghiệp ôtô. “Thu hút đầu tư các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có qui mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các Tập đoàn và dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực ASEAN”, Bộ Công Thương nêu.

Đề xuất gói tín dụng cho công nghiệp đến năm 2022

Để thực hiện 3 giải pháp trên, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải  trình Chính phủ ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất cho việc quản lý các hoạt động này.

Ban hành quy định xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước đối với ôtô phù hợp với các cam kết quốc tế, bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp cũng như làm cơ sở cho việc áp dụng các chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước đối với sản phẩm ô tô.

“Xem xét khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến, ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng Gói tín dụng phát triển công nghiệp đến năm 2022 dành cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển theo Luật đầu tư, vận hành theo cơ chế vay thương mại, nhà nước tái cấp vốn cho Ngân hàng thương mại với lãi suất phù hợp”, Bộ Công Thương đề xuất.

NGUYỄN THẢO

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close