CEO Thế giớiNhân vật

CEO AT&T đặt cược lớn vào “canh bạc” Time Warner

Mới đây, Randall Stephenson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn viễn thông Mỹ AT&T, đã đặt một dấu mốc lớn cho công ty của mình với thỏa thuận thâu tóm “đế chế truyền thông” Time Warner trị giá 86 tỷ USD. Nhiều nhà phân tích tỏ ra hoài nghi, song CEO Stephenson vẫn kiên định với tầm nhìn của mình.

Với con số 86 tỷ USD được đưa ra cho thương vụ sáp nhập trên, chuyên gia phân tích thị trường Jonathan Chaplin tại New Street Research nhận xét: “AT&T đã đưa ra một mức giá quá cao, đến mức khó mà từ chối. Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu không có nhà đầu tư nào có thể trả cho Time Warner mức giá hời hơn nữa”.

Để hiểu vì sao quyết định thâu tóm của Stephenson khiến nhiều người trong giới đầu tư ngạc nhiên, trước hết, cần nhìn lại quá khứ của Time Warner – hãng truyền thông lớn sở hữu các kênh CNN, HBO, Cartoon Network và hãng phim Warner Bros.

16 năm trước, công ty dịch vụ Internet AOL đã mua lại Time Warner với giá trị “khủng”, lên tới 165 tỷ USD. Song, thỏa thuận sáp nhập đó được đánh giá là một trong những thương vụ thất bại nhất lịch sử và hai bên đành phải “chia tay” sau một thập kỷ gắn bó. Đặc biệt, AOL nhận “trái đắng” khi giá trị thị trường liên tục sụt giảm, từ 226 tỷ USD tụt xuống mức 4,4 tỷ USD khi bị Verizon mua lại vào đầu năm 2015.

Giờ đây, AT&T lại quyết định bỏ ra 86 tỷ USD để thâu tóm Time Warner. Con số tuy đã giảm đến một nửa so với trước đây, nhưng lý do nào có thể giúp Stephenson thuyết phục các nhà đầu tư rằng, thỏa thuận này sẽ không phải là sự lặp lại sai lầm của AOL?

Ngày 24/10 vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn trên kênh CNBC, CEO Stephenson cho biết, thương vụ này là “thuần túy sáp nhập theo chiều thẳng đứng”. Ông cũng nói thêm rằng, AT&T và Time Warner không cạnh tranh với nhau, sự sáp nhập chỉ làm tăng thêm sức điều hành và tính linh hoạt của công ty mới mà thôi.

Đã nhiều năm nay, CEO Stephenson luôn ấp ủ tham vọng phát triển AT&T thành một đế chế truyền thông và giải trí. Với thương vụ thâu tóm Time Warner, AT&T sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn trong các chương trình giải trí chất lượng cao với mạng lưới hàng triệu thuê bao truyền hình, điện thoại và Intenet trả phí.

Stephenson cho rằng, việc kết hợp cung cấp nội dung số từ nền tảng Internet hiện có của AT&T sẽ giúp họ giữ chân khách hàng được lâu hơn. Với việc sở hữu cả nền tảng Internet và nội dung số, dịch vụ truyền hình trực tuyến, các kênh truyền hình hàng đầu thế giới, những bộ phim bom tấn…, tham vọng của Stephenson hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Bên cạnh đó, mua lại Time Warner còn có thể giúp AT&T thu được lợi nhuận từ mảng quảng cáo truyền hình Internet mà các “ông lớn” thống trị quảng cáo trên Internet như Google, Facebook còn đang bỏ ngỏ.

Hơn nữa, AT&T không phải là AOL. Nếu như những năm 2000, tốc độ truy cập mạng Internet còn chậm, việc trải nghiệm các nội dung số như phim ảnh còn gặp nhiều hạn chế, thì giờ đây, sau 16 năm, cáp quang hay mạng 4G tốc độ cao có thể giúp người dùng trải nghiệm mọi nội dung số chất lượng cao thông qua Internet. Đây chính là thời điểm thích hợp để AT&T phát triển định hướng mà AOL đã không thể thực hiện thành công, đồng thời chính thức “tuyên chiến” với Netflix và Amazon Prime.

Ngoài ra, CEO Stephenson cho biết, AT&T dự kiến tung ra mạng di động 5G, do đó, thương vụ sáp nhập này sẽ góp phần thúc đẩy những nỗ lực đó.

Randall Stephenson gia nhập AT&T từ năm 1982, sau khi lấy bằng thạc sỹ kế toán tại Đại học Oklahoma. Ông bắt đầu công việc của mình trong bộ phận công nghệ thông tin của Southwestern Bell, mà cuối cùng phát triển thành AT&T. Sau đó, Stephenson đã dành nhiều năm làm việc cho mảng tài chính của Công ty ở nhiều vị trí khác nhau. Đến năm 1992, ông được chuyển đến Mexico để làm việc với tỷ phú Carlos Slim, trong vai trò giám đốc tài chính hàng đầu của Công ty trong khu vực.

Trở về từ Mexico sau 4 năm, thông thạo tiếng Tây Ban Nha, sự nghiệp của Stephenson ngày càng thăng tiến. Năm 2001, ông trở thành Giám đốc tài chính của Tổng công ty và cùng cựu CEO AT&T khi đó là Ed Whitacre thực hiện nhiều giao dịch lớn.

Sau khi tiếp quản vị trí CEO năm 2007, Stephenson đã ngay lập tức thể hiện tham vọng của mình khi cố gắng mua lại T-mobile với giá 39 tỷ USD. Song, thương vụ này đã không thành công. Đến năm 2014, ông lại mạnh tay chi 49 tỷ USD để mua lại công ty truyền hình vệ tinh DirectTV.

Giờ đây, 18 tháng sau khi kết thúc thương vụ mua lại DirectTV, CEO Stephenson lại đang tiếp tục đặt cược lớn vào “canh bạc” Time Warner mà không hề tỏ ra nao núng.

“Trong ngành này, nếu bạn có thể mở rộng được quy mô và vận hành quy mô đó một cách linh hoạt, đó sẽ là lợi thế cạnh tranh rất lớn”, Stephenson cho biết.

Mai Thảo (Theo báo chí nước ngoài)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close