CEO ViệtNhân vật

CEO của Liti Florist – Phượng Krystine Nguyễn: Kinh doanh hoa tươi là kinh doanh nghệ thuật

Nữ doanh nhân Phượng Krystine Nguyen – Bà chủ Liti Florist, một thương hiệu hoa nhập khẩu có tiếng ở Hà Nội, định vị sản phẩm là tác phẩm nghệ thuật và kinh doanh hoa tươi là kinh doanh nghệ thuật.

 

CEO của Liti Florist - Phượng Krystine Nguyễn: Kinh doanh hoa tươi là kinh doanh nghệ thuật

Nữ doanh nhân Phượng Krystine Nguyễn – CEO của Liti Florist

Liti Florist có 4 cửa hàng ở vị trí đẹp, trong đó, 3 cửa hàng ở Hà Nội và 1 của hàng vừa khai trương tại TP.HCM. Liti Florist được biết tới là đơn vị cung ứng hoa tươi nhập khẩu cho các tập đoàn, doanh nghiệp, ngân hàng lớn như Lotte, Maritime Bank…

Bên cạnh đó, thương hiệu này cũng từng góp mặt tại sự kiện của các nhãn hàng quốc tế như Christian Dior, LV, Gucci…  Khi được hỏi về bí quyết thành công của đứa con tinh thần, CEO Liti cho biết, Liti luôn lấy khách hàng làm trọng tâm trong mọi hoạt động, bởi ở phân khúc cao cấp của Liti, khách hàng cần sự trải nghiệm hoàn hảo.

Ngay từ đầu, tôi đã định vị sản phẩm hoa của Liti là tác phẩm nghệ thuật và nó được hình thành từ bàn tay của các nghệ nhân. Để có được tác phẩm nghệ thuật, phải đào tạo nhân viên  bài bản. Tất cả nhân viên của Liti đều do Liti tự đào tạo hoặc mời chuyên gia về đào tạo.

* 5 năm trước, rất ít thương hiệu hoa tham gia phân khúc cao cấp, vậy tại sao chị chọn phân khúc này ngay khi bắt đầu khởi sự kinh doanh? 

Tôi đã chọn phân khúc này vì người kinh doanh nhìn về góc độ kinh tế, hướng tới phân khúc có lợi nhất về kinh tế. Nếu một nghệ nhân làm bó hoa 500.000 đồng cũng bằng thời gian làm bó hoa 1 triệu đồng, thì tôi chọn phân khúc cao cấp. Tôi xác định mang đến thị trường những sản phẩm khắt khe về chất lượng, tương xứng với đồng tiền mà khách hàng bỏ ra.

* Mỗi nhân viên của Liti được xem như một nghệ nhân, vậy chị đặt ra những yêu cầu gì cho các nghệ nhân của mình? 

Khi quyết định bổ sung kênh bán hàng trực tiếp bên cạnh kênh bán online và thành lập công ty, tôi đã tự học trên mạng và sang Anh để học bài bản và chuyên sâu. Liti cũng rất may mắn khi được các chuyên gia Hà Lan hỗ trợ. Các chuyên gia này có ít nhất 30 năm kinh nghiệm. Mọi người đến với Liti đều được đào tạo, nhưng Liti cũng có tiêu chí nhất định. Liti ưu tiên những bạn có chuyên ngành về mỹ thuật, bởi những đối tượng này đã hiểu cơ bản về màu sắc, bố cục, nên việc đào tạo kỹ năng đơn giản hơn.

* Ở phân khúc hoa cao cấp đã có nhiều thương hiệu tham gia và thầu được hợp đồng lớn, liệu Liti có gặp phải sự cạnh tranh? 

Chia sẻ thị phần là điều khó tránh. Trước đây, khách hàng chỉ có 1 – 2 lựa chọn, thì hiện tại, họ có nhiều lựa chọn hơn. Điều đó chứng tỏ, dịch vụ hoa cao cấp đang dần hình thành một thị trường. Đó là điều bình thường, mình phải hiểu và xác định thời gian khách hàng ở với một thương hiệu là bao lâu. Điều đáng mừng là khách hàng của Liti vẫn tăng, khách hàng mới cũng tăng, doanh thu tăng… Đó là một điểm lạc quan.

* Chị có thể cho biết khách hàng lớn đầu tiên mà Liti trúng thầu? Chị có kỷ niệm gì đáng nhớ về họ? 

Khách hàng lớn đầu tiên của Liti là Tập đoàn Lotte. Người Hàn Quốc cực kỳ quan tâm đến thẩm mỹ và rất chi tiết. Liti đi cùng họ từ những bản hồ sơ thầu đến quá trình họ duyệt rất khắt khe. Lúc đó, Liti làm việc với Phòng Thiết kế của Tập đoàn Lotte toàn cầu. Họ bay từ Hàn Quốc sang để làm việc với Liti. Khi đó, Liti chưa mở cửa hàng, mà chỉ bán hàng online, nên để chinh phục được Lotte cũng là một nỗ lực và thách thức lớn đối với Công ty.

* Sau khi mở các chuỗi cửa hàng, thành lập công ty, khách hàng tìm đến Liti nhiều hơn, vậy những hợp đồng này đến từ đâu? 

Hiện, Liti được những khách hàng biết đến qua các điểm bản lẻ, hoạt động quảng cáo, truyền miệng… Vốn từng làm marketing, nên tôi hiểu rằng, hoạt động marketing là phải tốn tiền, nhưng nó mang lại những giá trị về mặt thương hiệu, truyền thông, trải nghiệm cho khách hàng.

Thực ra, ở Liti, chi phí marketing còn thấp, nên tôi muốn đầu tư hơn nữa cho hoạt động này. Tôi rất tự hào về đối tác hiện nay cũng như những đối tác đã làm việc trong 5 năm qua. Liti đã tiếp cận được nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam và thế giới. Trong các ngành bán lẻ thời trang, khách hàng của Liti là các hãng nổi tiếng quốc tế như Christian Dior, Louis Vuitton, Gucci…; trong mảng tài chính – ngân hàng có VIB, BIDV, Vietcombank…

* Thời gian tới, chị có định mở rộng phân khúc để có thể tiếp cận được nhiều đối tượng khác hàng hơn?

Trong tương lai, tôi sẽ mở rộng sang phân khúc “bình dân” hơn. Liti sẽ đơn giản hóa sản phẩm, chuẩn hóa tất cả các quy trình và sử dụng nhiều nguyên liệu hoa nội. Đồng thời, Liti sẽ có thêm dịch vụ điện hoa, bên cạnh mảng bán lẻ. Với điện hoa, Liti sẽ làm theo hướng sáng tạo và mới mẻ. Chiến lược của Liti là mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới cho khách hàng.

(Theo Báo đầu tư – Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close