Kinh doanh quốc tếThế giới

Chi phí sản xuất năng lượng tái tạo giảm kỷ lục: Kỷ nguyên mới đã đến?

Chi phí sản xuất điện từ năng lượng tái tạo như gió và bức xạ mặt trời đã giảm mạnh trong vòng gần 1 thập kỷ qua, đủ sức cạnh tranh với năng lượng hóa thạch. Với xu hướng giá thành giảm sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới, năng lượng tái tạo được cho là sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho hệ thống năng lượng toàn cầu.

Chi phí sản xuất năng lượng tái tạo giảm kỷ lục: Kỷ nguyên mới đã đến?

Ảnh minh họa. Nguồn: Huffington Post

Báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) mang tên “Chi phí sản xuất điện tái tạo năm 2017” mới được công bố cho thấy tất cả công nghệ năng lượng tái tạo sẽ trở nên rất cạnh tranh vào năm 2020, và điều này sẽ làm thay đổi quan điểm của các nước về phát triển hệ thống năng lượng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động sâu rộng trên toàn thế giới.

Theo báo cáo này, chi phí sản xuất điện gió trên đất liền đã giảm khoảng 23% kể từ năm 2010 đến năm 2017. Nhiều dự án điện gió trên đất liền hiện đang được vận hành thường xuyên với mức chi phí 4 cent/kWh. Mức trung bình trên toàn cầu trong 1 năm qua là 6 cent/kWh.

Trong khi đó, chi phí sản xuất điện mặt trời giảm 73% trong cùng thời gian đó xuống còn 10 cent/kWh. Thậm chí, giá điện mặt trời đã xuống mức thấp kỷ lục là 3 cent/kWh (và thấp hơn) tại các dự án ở Abu Dhabi, Chile, Dubai, Mexico, Peru và Ả-rập Xê-út.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng chi phí sản xuất điện mặt trời sẽ tiếp tục xu hướng giảm, còn một nửa vào năm 2020. Các dự án điện gió trên đất liền và các dự án năng lượng mặt trời hiệu quả nhất có thể cung cấp điện với mức giá tương đương 3 cent Mỹ (gần 700 đồng tiền Việt Nam) cho mỗi kilowatt giờ (kWh) hoặc thấp hơn trong vòng hai năm tới.

Chi phí bình quân toàn cầu của điện gió trên đất liền trong 12 tháng qua đạt mức 6 cent cho mỗi kWh. Con số tương tự của điện mặt trời là 10 cent. Kết quả các cuộc đấu giá gần đây cho thấy các dự án điện tái tạo trong tương lai sẽ giảm hơn đáng kể so với các mức trung bình này.

Báo cáo nhấn mạnh rằng nhiều dự án điện gió trên đất liền hiện được vận hành thường xuyên với mức chi phí 4 cent/kWh. Trong khi đó, chi phí cho việc phát điện từ nhiên liệu hóa thạch hiện đang dao động từ 5-17 cent cho mỗi kWh.

Báo cáo nhấn mạnh rằng các hình thức sản xuất điện năng lượng tái tạo khác, như các dự án năng lượng sinh học, năng lượng địa nhiệt và thủy điện trong 12 tháng qua đã cạnh tranh trực tiếp về chi phí với năng lượng từ các dạng nhiên liệu hóa thạch. Các dự án năng lượng sinh học và địa nhiệt mới được đưa vào vận hành vào năm 2017 có mức chi phí trung bình toàn cầu khoảng 7 cent/kWh.

Nghiên cứu dự báo vào năm 2019, các dự án điện gió trên đất liền và các dự án điện mặt trời hiệu quả nhất sẽ phát điện với mức chi phí 3 cent/kWh, thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch hiện tại.

Đường kính vòng tròn biểu thị quy mô của dự án, tâm của vòng tròn tương ứng với chi phí của mỗi dự án (trục tung). Các đường thẳng đậm là giá trị suất đầu tư của mỗi nhà máy được vận hành ở các năm. Khoảng xanh lá cây thể hiện chi phí sản xuất điện từ năng lượng hóa thạch. Nguồn: Cơ sở dữ liệu của IRENA.

Các hoạt động mua sắm cạnh tranh cùng với sự nổi lên của một số lượng lớn các nhà phát triển dự án vừa và lớn có kinh nghiệm cùng cạnh tranh các cơ hội trên toàn cầu được coi là những động lực mới cho việc cắt giảm chi phí gần đây, bên cạnh những tiến bộ về công nghệ.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng kết quả của các cuộc đấu giá cho thấy điện gió ngoài khơi và các dự án năng lượng mặt trời tập trung vận hành trong giai đoạn 2020-2022 sẽ có chi phí từ 6 đến 10 cent cho mỗi kWh. IRENA dự báo rằng tất cả các công nghệ năng lượng tái tạo sẽ cạnh tranh với các công nghệ phát điện từ nhiên liệu hóa thạch về giá vào năm 2020.

“Sự cắt giảm chi phí do tiến bộ về công nghệ là chưa có tiền lệ và là một minh chứng cho thấy mức độ mà năng lượng tái tạo đang khuynh đảo hệ thống năng lượng toàn cầu”, theo ông Adnan Z. Amin, Tổng giám đốc của IRENA nói.

“Việc chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất điện không chỉ đơn thuần là một quyết định có ý thức về môi trường, mà hiện nay đã trở thành một quyết định khôn ngoan về kinh tế”, ông Amin nói thêm.

IRENA là trung tâm toàn cầu về hợp tác năng lượng tái tạo và trao đổi thông tin của 154 thành viên (153 quốc gia và Liên minh châu Âu). 26 quốc gia khác đang trong quá trình gia nhập và rất tích cực tham gia vào các hoạt động của tổ chức. IRENA thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi và sử dụng bền vững tất cả các dạng năng lượng tái tạo hướng tới phát triển bền vững, tiếp cận năng lượng, an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế các-bon thấp và thịnh vượng.

MINH ANH

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close