Kinh tế vĩ môThời sự

Công nghệ hỗ trợ Việt Nam: Nút thắt chuỗi giá trị toàn cầu

Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay. Theo các hiệp hội ngành nghề, cần sớm có giải pháp phù hợp để doanh nghiệp (DN) Việt Nam có cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Phân tích tại Hội thảo “Giải pháp phát triển ngành CNHT Việt Nam” do Bộ Công Thương thực hiện, ông Sebastian Eckardt – chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho hay, báo cáo Việt Nam 2035 đặt trọng tâm vào hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới, sáng tạo và giá trị gia tăng.

Các hiệp định thương mại sẽ là tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, việc làm và đầu tư. Qua đó sẽ tạo nên một Việt Nam là cứ điểm sản xuất, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy liên kết các DN trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu.

Cần đồng bộ và thực tế

Theo ông Sebastian Eckardt, vấn đề đáng bàn của Việt Nam là cho đến thời điểm này vẫn chưa phát triển được năng lực của ngành CNHT. Sự hòa nhập chậm chạp của khu vực tư nhân trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu (Global Value Chain – GVC) đang dẫn tới giá trị gia tăng trong nước thấp, dù Việt Nam được ghi nhận là “cửa ngõ” của khu vực kết nối với thị trường toàn cầu, cùng tiềm năng đặc biệt trong sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trước thực trạng này, đại diện phía WB cho rằng, khi các ngành CNHT của Việt Nam vẫn tụt hậu, sẽ khó có thể kéo tăng giá trị gia tăng một cách bền vững, cũng như tiếp cận GVC và thị trường quốc tế.

Cùng với việc đưa ra những số liệu, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã chỉ ra vị trí của ngành dệt may Việt Nam trong bản đồ ngành dệt may thế giới. Cụ thể, tại các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…, đa phần đang tập trung vào khâu mang lại giá trị thặng dư cao nhất (thiết kế, tiếp thị và phân phối); Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan… được xem là những nhà thầu gia công, đầu mối kết nối các công ty sản xuất với người tiêu dùng cuối cùng. Trong khi đó, nền kinh tế đang phát triển mới chỉ may xuất khẩu, bao gồm các nước như Việt Nam, Bangladesh, Sri Lanka…

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS cho hay, dù xuất khẩu dệt may Việt Nam đến nay đã trên 27 tỷ USD, nhưng hiện lại đang lệ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu với hơn 80% tổng nhu cầu.

Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ 50%, Hàn Quốc 18%, Đài Loan 15%, điều này đã tạo ra thực trạng “nút thắt cổ chai” tại khâu dệt nhuộm của ngành dệt may Việt Nam. Nói thêm về vị trí của ngành dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cụ thể là CNHT, ngành dệt chỉ mới đáp ứng khoảng 1% về bông.

Mỗi năm Việt Nam sản xuất được trên 1,2 triệu tấn sợi, song lại xuất khẩu đến hơn 70%. Trong khi các DN ngành may trong nước phải nhập khẩu một lượng tương tự với chất lượng cao hơn từ Trung Quốc (43%), Hàn Quốc (20%), Đài Loan (15%) và các nước tham gia đàm phán TPP (10%). “Sự khập khiễng về chất lượng của ngành CNHT dệt may đang tác động khiến ngành phát triển mất cân đối, dễ tổn thương”, VITAS nhìn nhận.

Song hành cùng ngành dệt may phải kể đến ngành da giày Việt Nam. Theo Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), điểm yếu hiện nay của ngành là có đến hơn 70% đơn vị trong nước mới dừng ở khâu gia công. Phần lớn vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất trong ngành da giày, túi xách đều phải nhập khẩu.

Hơn thế nữa, công tác phát triển sản phẩm cũng chủ yếu đến từ các DN nước ngoài. Do đó, Lefaso kiến nghị Chính phủ nên sớm có những giải pháp để không chỉ ngành dệt may mà tất cả các ngành nghề có vai trò quyết định đối với nền công nghiệp Việt Nam sớm được phát triển đồng bộ, ngày càng hạn chế sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác.

Phải có định hướng đúng đắn

Điểm qua thực trạng ngành CNHT cung ứng cho các ngành như dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, nhựa… sẽ thấy các ngành nghề đều có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, thời gian qua, khi được DN lớn hỗ trợ, đào tạo, vẫn có nhiều DN nhỏ và vừa tạo được sự đột phá trong kinh doanh.

Công ty Samsung cho hay, thời gian qua, DN đã thực hiện chiến lược nội địa hóa Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là phát hiện những DN Việt Nam ưu tú và thông qua việc bồi dưỡng giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của Samsung, hướng đến việc đồng hành cùng phát triển.

Theo đó, tính đến tháng 7/2015, Samsung đã tìm được 141 DN cung ứng (gồm 4 DN cấp 1 và 137 DN cấp 2). Đến tháng 7/2016, con số này được nâng lên thành 191 DN, trong đó có 13 DN cấp 1 và 178 DN cấp 2. Tuy những nguyên liệu cung ứng cho Samsung chỉ mới dừng lại ở các ngành ép nhựa, cơ khí, in ấn bao bì, nguyên phụ liệu, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, nhiều DN trong nước đã có mức tăng trưởng vượt bậc, dao động từ 43 – 59% (tùy vào từng DN, ngành nghề).

Chiến lược nội địa hóa vẫn tiếp tục được Samsung thực hiện và trong năm 2016 đã tìm được 74 DN có tiềm năng trong tổng số 390 DN tham gia tham vấn cùng Samsung. Từ kết quả này cho thấy, DN rất cần có định hướng đúng đắn về mặt chính sách để phát triển và tồn tại.

Theo ông Dương Minh Tâm – Chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM, Việt Nam cần có một cổng thông tin về CNHT cho những ngành công nghiệp chủ lực có thể được cập nhật thường xuyên. Trong đó cần có sự kết nối với cơ sở dữ liệu về các DN CNHT trong nước, nhu cầu của khách hàng Việt Nam, khách hàng quốc tế…

Song hành cùng những kiến nghị về ngành CNHT, VITAS cũng đề đạt ngành dệt may nên quy hoạch thành các khu công nghiệp lớn để tập trung các DN dệt nhuộm vào một điểm để thuận tiện trong việc quản lý môi trường. Ngoài ra, Chính phủ nên dành nguồn vốn ODA cho các dự án công trình trọng điểm xử lý nước thải, các bộ ngành nên rà soát, bãi bỏ các văn bản pháp lý không còn phù hợp để tạo điều kiện cho DN phát triển.

Tại Hội thảo, trong phần phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã chỉ ra những nguyên nhân khiến ngành CNHT Việt Nam chưa phát triển, trong đó nguồn vốn đầu tư đóng vai trò then chốt. Phó thủ tướng đã chỉ đạo ngành công thương các địa phương lựa chọn một số DN để phát triển CNHT, các DN này sẽ là hạt nhân để nhân rộng ra nhiều DN khác. Nhà nước thay vì kiểm soát, quản lý, cần phục vụ, hỗ trợ DN phát triển.

DUY KHUÊ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close