Câu chuyệnKinh doanh

CSR – Sức bật cho doanh nghiệp hội nhập

Doanh nghiệp (DN) chỉ có thể vươn ra thị trường thế giới nếu thực hiện tốt ngay từ đầu các chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành, tận dụng được nhiều nhất các lợi thế trong tiến trình hội nhập. Một trong những chuẩn mực ấy là thực thi trách nhiệm xã hội (CSR).

Chúng ta đang có nền chính trị ổn định, uy tín và sự thừa nhận của thế giới ngày càng tăng, chỉ số năng lực cạnh tranh tăng liên tục, chỉ số GDP bền vững (5,6 – 6%/năm). Đó là những con số tích cực để bước vào hội nhập.

Cái chúng ta thiếu chính là nhận thức đầy đủ, thiếu nhận thức toàn dân và một chế tài luật pháp nghiêm khắc hơn. Cho đến nay, nhiều DN chưa nhìn ra được cơ hội mà chỉ thấy thách thức trong các tiêu chí, điều kiện của thỏa thuận hợp tác.

Tiêu chí và cũng là rào cản phát triển của DN Việt trong thời hội nhập chính là việc TPP hay các FTA thế hệ mới có những yêu cầu cao hơn, cụ thể hơn về CSR đối với DN Việt Nam. Theo đó, CSR của DN phải có chính sách thực thi trong việc bảo vệ môi trường, đóng góp cho cộng đồng, xã hội, thực hiện tốt trách nhiệm với nhà cung cấp, bảo đảm lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng, quan hệ tốt với người lao động, đảm bảo lợi ích cho cổ đông và người lao động trong DN.

CSR là một cơ chế quy định, một cam kết thỏa thuận mà để nó được triển khai, được mọi người trong chuỗi kinh doanh, sản xuất hiểu đúng thì cần cái gọi là bộ quy tắc ứng xử mang tính dây chuyền phụ thuộc, như là sự liên kết của các quân cờ domino. Người tiêu dùng có ý thức về CSR như ý thức tìm hiểu về giá cả và tính năng cũng như chất lượng của sản phẩm.

Nhà hành pháp, lập pháp cần xây dựng luật mang tính chế tài triệt để, không chỉ mang tính răn đe hay cảnh cáo. Và nguồn lực để thực thi tất cả những điều này là bộ máy hành pháp liêm chính. Sẽ rất khó, nhưng nếu không thực hiện thì chúng ta sẽ mãi mãi đi sau, mãi mãi không thể thay đổi về chất, không thể thoát ra khỏi vị thế hiện tại.

Nếu xét tiêu chuẩn thực thi CSR của DN trong việc bảo vệ môi trường sẽ thấy ít nhất 93% DN vi phạm các quy định về môi trường: ô nhiễm tiếng ồn, xả thải vô tội vạ, ô nhiễm không khí và nguồn nước. Hay trong tiêu chí “đóng góp cho cộng đồng, xã hội” thì thấy ngay nhiều DN coi thường trách nhiệm này mà sa đà vào lòng tham trước lợi nhuận.

Trong mọi lĩnh vực, bất chấp đạo đức kinh doanh, thực phẩm “bẩn”, hàng giả, hàng nhái tràn lan. Chúng ta hay nói DN còn khó khăn nhưng tại sao vẫn có những DN làm đúng, làm tốt, làm tử tế và phát triển tốt?

Điển hình có thể kể đến là Vinamilk chẳng hạn. Đây là DN thực hiện rất tốt CSR trong tất cả các bước của chuỗi sản xuất: đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, chặt chẽ trong quy định nuôi đàn bò sữa: ăn sạch, uống sạch và tinh thần sạch.

Đối với nhà cung cấp thì người nông dân được đầu tư chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Quy trình chế biến và đóng gói theo tiêu chuẩn cập nhật của thế giới. Chính nhờ vậy mà họ thành công.

Kế đến là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Hòa Mỹ với chính sách chăm sóc y tế và đời sống cho công nhân ưu việt: hỗ trợ nữ công nhân viên từ lúc nghỉ thai sản đến khi con được 5 tuổi. Do vậy, nhân sự của Công ty luôn ổn định và phát triển, đặc biệt là sự cống hiến trong việc nâng cao chất lượng sản xuất.

Vậy vấn đề ở đây là do nhận thức, quyết định lựa chọn của người đứng đầu. Khi TPP và các FTA thế hệ mới được thực thi, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, DN Việt Nam không có cách nào khác là phải thực hiện thật tốt CSR ngay từ đầu. Xây dựng chính sách CSR tạo sức bật để DN tham gia vào tiến trình hội nhập thế giới một cách hiệu quả nhất, DN cần:

* Cập nhật và tuân thủ pháp luật. Đó là các vấn đề về thuế và nghĩa vụ đóng thuế. Làm tốt các nghĩa vụ thuế, không trốn thuế, gia hạn thuế, mua bán hóa đơn, chứng từ chính là một trong những cách thực hiện CSR thiết thực của DN.

DN phải có ý thức thượng tôn pháp luật trước hết, bởi vì đó là điều kiện cần cho mọi giá trị tốt đẹp khác phát triển. Không có ngoại lệ khi chúng ta tồn tại trong điều kiện xã hội phát triển nhanh, nghiêm khắc với chính các quy định của mình thì mới mong theo kịp thế giới. Làm triệt để, luật cũng phải triệt để để ngăn chặn sự tái phạm, chứ không chỉ mang tính răn đe.

* Xây dựng thể chế quản trị mới, nâng cao chất lượng lao động. Khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, để việc thực thi CSR trong sử dụng lao động hiệu quả, DN cần kiến tạo một thể chế quản trị hiện đại.

Quản trị nội bộ hiện đại là các quy định mới trong công ty, bao gồm chính sách nội bộ của công ty và nguồn lực để thực hiện; quan hệ với khách hàng trong xử lý rủi ro, với cơ quan quản lý trong việc chấp hành các quy định pháp luật: đóng thuế, xây dựng chế độ, chính sách cho nhân viên; quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động bao gồm quy tắc ứng xử, quy định tăng ca bao nhiêu giờ trong tuần, tháng hay năm. Nếu thực hiện tốt CSR, DN sẽ:

– Tạo ra sức lan tỏa, thương hiệu phát triển mạnh mẽ, người tiêu dùng dễ dàng chấp nhận sản phẩm hơn. Tăng lượng khách hàng tiềm năng, tạo ra hệ giá trị cùng loại với người tiêu dùng.

– Tham gia và phát triển được trong chuỗi cung ứng của thế giới khi xây dựng được danh sách khách hàng bền vững, mối quan hệ bền vững và hiệu quả với các nhà cung ứng, giải quyết tốt khâu nguyên liệu đầu vào, đầu ra theo tiêu chuẩn.

– Gia tăng các chỉ số tài chính như: sự hài lòng của người tiêu dùng, năng suất lao động và uy tín của thương hiệu, DN, niềm tin của người tiêu dùng. Giảm xuống mức thấp nhất hoặc không còn ý kiến khiếu nại, giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng và khối lượng rác thải. Đây chính các bước xây dựng tên tuổi thương hiệu, tạo lập tài sản vô hình, một trong những giá trị quan trọng trong định giá mức độ và quy mô phát triển cũng như vị thế của DN.

NGUYỄN HOÀNG DŨNG – Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM/PHẠM THỦY ghi

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close