Kinh tế vĩ môThời sự

“Cuộc chiến” giấy phép con: Một chữ có thể khiến doanh nghiệp mất cả tỷ đồng

“Một chữ chúng ta viết ra có thể gây chi phí cả tỷ đồng cho doanh nghiệp, cho xã hội. Vì vậy, cái quan trọng nhất là chúng ta đưa ra quy định gì, viết ra cái gì, vừa phải đảm bảo đòi hỏi ngày càng cao của xã hội vừa phải thực sự giảm được chi phí cho doanh nghiệp”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu nói khi đề cập tới bất cập từ điều kiện kinh doanh hay còn gọi là giấy phép con.

“Cuộc chiến” giấy phép con: Một chữ có thể khiến doanh nghiệp mất cả tỷ đồngẢnh minh họa.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu đã nói như vậy tại toạ đàm “Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp” do báo Lao Động tổ chức ngày 18/10.

Ông Hiếu cho rằng, quản lý là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nhưng làm sao để có được phương pháp quản lý rẻ nhất, ít tác động lên chi phí và tiết kiệm thời gian nhất cho doanh nghiệp.

“Các bộ, ngành có thể hiểu, mỗi khi các vị yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm một giấy tờ nào đó, họ có thể phải chạy đôn chạy đáo. Điều này góp phần tạo ra thất bại cho doanh nghiệp một cách đau đớn, vì không phải do thị trường, không phải từ cạnh tranh hay họ kém thông minh, đơn giản chỉ vì thủ tục của chúng ta, hoặc việc giải quyết thủ tục không đúng thời gian”, ông Hiếu nói.

Do vậy, theo ông Hiếu, một chữ được viết ra có thể gây chi phí cả tỷ đồng cho doanh nghiệp, cho xã hội. Vì vậy, cái quan trọng nhất là chúng ta đưa ra quy định gì, viết ra cái gì, vừa phải đảm bảo đòi hỏi ngày càng cao của xã hội vừa phải thực sự giảm được chi phí cho doanh nghiệp.

Cũng theo vị này, khi chúng ta chưa sửa luật, chưa gạch bỏ được những điều kiện kinh doanh ở trong luật, thì cần có tư duy làm thế nào để thủ tục hành chính nhanh hơn, thuận lợi hơn, ít gây tác động, làm mất đi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Biện pháp pháp lý an toàn nhất là phải tiến tới những động thái cụ thể.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ hiện nay đang thể hiện một quyết tâm rất lớn.

“Chúng ta cũng đang dần dần chuyển từ tư duy, rồi đến cách thức quản lý theo hướng tích cực. Với tinh thần và chủ trương hiện này, chúng tôi nghĩ các bộ, ngành, cơ quan không chỉ ở trung ương mà ở cả địa phương sẽ quán triệt và thực hiện”, ông Tân nhấn mạnh.

Theo vị này, quan trọng là cần chỉ rõ ra những quy định nào đang cản trở doanh nghiệp. Muốn chỉ ra được thì cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia cùng ngồi để bàn, để hiện thực hóa nó.

“Chúng tôi sẵn sàng ghi nhận và lắng nghe. Đây là cả một quá trình thường xuyên và liên tục chúng ta cùng làm, miễn là tạo nên một môi trường kinh doanh vừa có tính cạnh tranh, an toàn cho tất cả mọi người”, ông Tân cho hay.

Lo ngại gộp điều kiện kinh doanh khi cắt bỏ

Mới đây, Bộ Công thương đã chủ động đề xuất cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, sau động thái này vẫn có nhiều doanh nghiệp lo ngại việc xóa bỏ điều kiện rồi chuyển sang thành quy chuẩn.

Như vậy sẽ không phải là bãi bỏ, mà chuyển từ hình thức này sang hình thức khác. Thậm chí, quy chuẩn kỹ thuật có thể còn khắt khe hơn và tác động mạnh hơn, làm hạn chế doanh nghiệp tham gia thị trường. Liệu Lo ngại này của cộng đồng doanh nghiệp có cơ sở?

Làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương cho biết điều kiện kinh doanh thường mang tính chất áp dụng lúc đầu (điều kiện đầu vào), kể cả điều kiện liên quan tới các chủ thể, vốn đầu tư… Sau đó mới đưa ra áp dụng cho quá trình sản xuất để đảm bảo sản phẩm đúng tiêu chuẩn, chất lượng đề ra.

“Tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm để tạo nền tảng cho cơ sở đó hoạt động đúng pháp luật. Cái nào mang tính định lượng như khoảng cách an toàn, độ cao của nhà xưởng… nó có sự khác nhau. Bộ Công Thương hiện đang rà soát để sắp xếp lại, trả lại cho đúng bản chất các loại điều kiện kinh doanh và cái nào là tiêu chuẩn, quy chuẩn. Không có chuyện cắt bỏ các điều kiện kinh doanh rồi lại “đẻ” thêm các tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định khác”, ông Tân nói.

Ông Tân cũng khẳng định chủ trương của Bộ Công thương trong bãi bỏ điều kiện kinh doanh là thay đổi tư duy quản lý nhà nước, bãi bỏ tư duy quản lý trực tiếp can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh sang thúc đẩy kinh cạnh tranh, sáng tạo. Đó là thông điệp chính của cuộc cải cách lần này.

Trong 675 điều kiện kinh doanh được hứa xoá bỏ của Bộ Công thương, cũng có lo ngại một số điều kiện sẽ bị “gộp lại làm một”. Về vấn đề này, ông Nhật Tân khẳng định, đây là lỗi trùng lặp trong rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh.

“Bộ Công thương đã rà soát và phát hiện có 18 điều kiện kinh doanh cụ thể liên quan, thuộc phụ lục quyết định cắt giảm ở lĩnh vực kinh doanh thực phẩm bị trùng lặp”, ông Tân cho biết.

Cụ thể, có một số điều kiện đã bị gạch bỏ vẫn tồn tại ở các dòng ngay trước hoặc sau dòng đã gạch bỏ. Bộ đã đề xuất và các điều kiện này sẽ được bỏ tại văn bản quy phạm pháp luật đang được trình Chính phủ thông qua.

Ông Tân khẳng định, Việc tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh là bước đầu tiên và tới đây cơ quan này sẽ tiếp tục rà soát để đạt được những kết quả phù hợp, đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp. Việc quản lý tiền kiểm sẽ được chuyển sang hậu kiểm.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát trong 27 ngành nghề, lĩnh vực chịu sự quản lý của Bộ Công thương. Những điều kiện được giữ lại sẽ không ảnh hưởng tới việc gia nhập thị trường và hoạt động bình thường của doanh nghiệp”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định.

N.MẠNH

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close