Cách sốngSống

Đề ra kế hoạch, quyết tâm lên cao, nhưng bắt tay làm vẫn cứ hỏng việc? Bạn có thể đang mắc chứng bệnh ‘tự hủy hoại mình’

Các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng của hội chứng tự phá hủy mình (self – sabotage). Đây chính là tác nhân làm những mục tiêu, ước mơ mà bạn đã đặt ra, rất kỳ công, nhưng chẳng thể thành hiện thực

Đề ra kế hoạch, quyết tâm lên cao, nhưng bắt tay làm vẫn cứ hỏng việc? Bạn có thể đang mắc chứng bệnh 'tự hủy hoại mình'

Có biết bao ước mơ, mục tiêu, từ nhỏ đến lớn như học IELTS, làm bài tập, trở thành nhân viên giỏi nhất phòng, mà bạn đã đặt ra và rồi nó chẳng thể thành hiện thực ?

Và rồi có biết bao nhiêu lần trong lúc thực hiện chúng bạn đã nghe thấy những câu nói này văng vẳng trong đầu: “Mình không làm được đâu!”, “Cái đó quá khó để thực hiện!” hay “cái này không hợp với mình đâu!”

Nghe thì có vẻ những lời này đến từ một kẻ xấu tính nào đó luôn muốn vùi dập bạn. Thế nhưng thật không may, đây lại chính là những lời chẳng hay ho do chính bạn tự vẽ ra trong đầu mình.

Chính xác, chúng ta đều đôi lúc tự nói với mình nhiều lời tiêu cực. Khi điều này xảy ra thường xuyên, nó sẽ dẫn đến hội chứng mang tên self-sabotage – hội chứng tự phá hủy mình. Hội chứng này chính là tác nhân đã ngăn cản chúng ta hướng tới mục tiêu và ước mơ của mình. Người ta ước tính trên thế giới có đến 1/10 dân số có những biểu hiện của self-sabotage (hay self-destructive behaviours).

Điều tồi tệ mà hội chứng này gây ra cho bạn là làm bạn chẳng thể nhận ra điều gì đang xảy ra khi mình cứ tiếp tục nghĩ tiêu cực về bản thân như thế. Bạn sẽ cứ lại nuôi dưỡng, củng cố tiếp những thông điệp tiêu cực. Và rồi khi nhận ra mình đã “xỉ nhục” bản thân quá nhiều, bạn sẽ rất khó thoát ra khỏi hội chứng này.

Những dấu hiệu cho thấy bạn đang tự phá hủy chính mình là khi bạn ngừng cố gắng để đạt được mục tiêu mà chẳng có lý do hợp lý nào cả. Dưới đây là một số những biểu hiện phổ biến của hội chứng tự phá hủy mình:

Biểu hiện khoa học

về mặt khoa học, hội chứng này còn được thể hiện thông qua những hành vi mà có thể bạn nghe qua vừa thấy quen thuộc những cũng vừa thấy rùng mình.

Đó là trì hoãn (procrastination), tự chữa (self-medication, tự ý dùng thuốc không theo toa của bác sĩ) bằng cách sử dụng các chất kích thích hoặc rượu, “ăn theo cảm xúc” (comfort eating – chỉ những người ăn uống để khiến cho mình cảm thấy hạnh phúc hơn là để thỏa mãn cơn đói và các dạng của việc tự làm mình bị thương (self-injury) như cứa dao vào tay hoặc dùng thuốc nguy hiểm…

Mặc dù các hành vi này có thể giúp một người cảm thấy tốt hơn ở một thời điểm nào đó nhưng sau cùng, chúng sẽ hủy hoại chính họ, đặc biệt là nếu liên tục lặp đi lặp lại. Chúng ta hãy đi vào cụ thể từng triệu chứng

1. Trì hoãn

– Biết rằng mình nên làm nhưng lại liên tục trì hoãn hết lần này đến lần khác

– Bắt đầu các kế hoạch nhưng chẳng bao giờ hoàn thành

– Cảm thấy mất động lực hoặc không thể tiếp tục ngay cả khi có nhiều cơ hội tuyệt vời đến với bạn.

– Mơ ước mình sẽ đạt được điều gì đó, nhưng lại chẳng bắt tay vào thực hiện

2. Lo lắng

– Lo lắng về những điều không thực sự quan trọng

– Sợ rằng sẽ bị mọi người cười chê khi bạn thất bại.

– Sợ sẽ mất bạn bè khi thất bại

– Hoài nghi về khả năng của bạn thân mặc dù biết mình có năng lực

– Cảm thấy căng thẳng, lo lắng dù chẳng biết lý do tại sao khi cố gắng làm điều gì đó quan trọng.

3. Giận dữ

– Lời nói và hành động thể hiện sự công kích chứ không phải quyết đoán, và cố tình không thay đổi điều này.

– Phá hoại mối quan hệ với gia đình, bạn bè đồng nghiệp với sự giận dữ và ghen tị.

4. Cảm thấy mình vô dụng

– Phóng đại, cường điệu hóa các thành tích của người khác nhưng lại hạ thấp giá trị bản thân.

– Bị ám ảnh bởi những chỉ trích sai lầm

– Để cho người khác vùi dập bạn.

Bất kể biểu hiện tự phá hủy mình là gì thì bạn vẫn cần phải vượt qua chúng. Cứ để lý trí lấn át và luôn nói với mình những ý nghĩ tiêu cực thì bạn sẽ đang hủy hoại sự tự tin và lòng tự trọng của chính mình. Dân dần, bạn sẽ cảm thấy mình thật vô dụng, trở nên thất vọng, chán nản và giận dữ với bản thân.

Và vì thế, dưới đây là một số cách có thể giúp bạn đập tan được hội chứng này:

1. Nhận ra hành vi “tự phá mình”

Hãy tự hỏi bản thân:

– Có mục tiêu nào bạn tự đặt ra rất lâu rồi nhưng không thể thực hiện được?

– Bạn liên tục thất bại mà chẳng rõ nguyên nhân là gì?

– Có điều gì mà bạn thấy mình thường xuyên trì hoãn và không thể ra quyết định?

– Bạn có thường xuyên mất động lực khi làm điều mình muốn?

– Bạn có thấy mình hay giận dữ hay nổi cơn thịnh nộ vô cớ không, điều đó có ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn không?

– Có điều gì khiến bạn luôn nghĩ rằng mình có thể làm tốt hơn không?

2. Kiểm soát suy nghĩ tiêu cực

Nghĩ về những điều bạn tự nói với chính mình. Viết ra tất cả những suy nghĩ tiêu cực của bạn dù cho chúng ngu ngốc và điên rồ đến thế nào.

3. Thách thức suy nghĩ “tự phá hủy mình”

Khi đã hiểu rõ những suy nghĩ tiêu cực trong đầu hoặc thì hãy tự hỏi chính mình;

– Nguyên nhân sâu xa hơn đằng sau những suy nghĩ tự phá là gì?

– Những suy nghĩ này có dựa trên lý trí hay sự kiện thực tế nào không?

– Những thất bại trong quá khứ có vô cớ ngăn cản bạn thay đổi tích cực không?

4. Phát triển lại sự tự tin bản thân

Sau khi đã nhận diện và gạt bỏ lý trí sai lầm về các hành vi tự phá hủy mình, giờ bạn cần thoải mấy xây dựng lại sự tự tin của bản thân. Hãy hỏi mình những câu sau:

– Bạn có thể tự nói điều gì tích cực và tạo động lực cho bản thân?

– Bạn có những ý kiến nào? Có những cách nào có thể giúp bạn đạt được mục tiêu?

– Với những điều bạn chưa đạt được trong quá khứ, bạn có thể xây dựng sự tự tin bằng cách thiết lập và đặt ra những mục tiêu nhỏ hơn không?

Bạn hãy luôn trả lời với niềm tự tin tích cực nhất. Khi kỹ năng, niềm tin và hành động kết nối với nhau thì bạn sẽ xây dựng được một hệ thống cho riêng mình mà ở đó, các trạng thái thể chất, cảm xúc và tâm lý của bạn đều đi đúng hướng để làm cho tư duy bạn luôn tích cực.

Phan Vũ

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close