Kinh tế vĩ môThời sự
Để thu hút đầu tư từ Nhật Bản
Thời gian dài đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn cho thấy họ nghiêm túc, cẩn trọng, nghiên cứu kỹ và khi đã quyết định đầu tư thì mọi việc diễn ra đúng kế hoạch và rất hiệu quả.
Ông Koji Takimoto – Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM phân tích, thật ra số dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam không giảm, chỉ về quy mô dự án có nhỏ đi vì đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đang tăng lên. Trước đây doanh nghiệp Nhật tập trung đầu tư vào các loại hình chế xuất (sản xuất để xuất khẩu), hiện nay tập trung nhiều hơn vào dịch vụ và thương mại, sản xuất hàng tiêu dùng.
Nhà đầu tư Nhật Bản luôn có cái nhìn dài hạn, đóng góp nhiều ý kiến hữu ích cho Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, luôn gắn bó với doanh nghiệp Việt Nam. Từ những góp ý, khuyến nghị của DN Nhật Bản mà nhiều chính sách kinh tế của Việt Nam đã được sửa đổi, hoàn thiện, làm môi trường đầu tư tốt hơn.
Phía Nhật Bản hiện có 3 mong muốn khi đầu tư vào Việt Nam: tìm kiếm dự án quy mô lớn, thấy sự thay đổi trong tỷ lệ cung ứng sản phẩm từ công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản.
Ông Koji Takimoto nói rõ thêm, tùy theo khu vực và sức hấp dẫn của môi trường đầu tư do các địa phương tạo ra mà doanh nghiệp Nhật Bản có tập trung đầu tư hay không. Vì vậy, các tỉnh, thành phố hãy cho biết địa phương mình đang hướng đến thúc đẩy lĩnh vực nào để từ đó có phương án thu hút đầu tư trọng tâm.
Theo ông Koji Takimoto, Bình Dương, Đồng Nai do có nền đất cứng nên có thể thu hút các ngành sản xuất liên quan đến máy móc, thiết bị nặng. Những vùng khác nền đất yếu, khó xây dựng nhà máy, nên các tỉnh hãy cố gắng tìm ra thế mạnh riêng để thu hút đầu tư. Mặt khác, các địa phương định hướng xem muốn thu hút loại hình doanh nghiệp nào.
JETRO và JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) sẵn sàng giúp các tỉnh phát hiện thế mạnh của địa phương, tìm cách quảng bá những thế mạnh đó đến các nhà đầu tư Nhật Bản.
Ông Nakajima Satoshi khẳng định, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn không ngừng quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Ông hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ giữa các tỉnh, thành Việt Nam với Jetro và các địa phương Nhật Bản trong việc tổ chức hội thảo thu hút đầu tư tại các vùng ở Nhật Bản, có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tham gia. Tuy nhiên ông góp ý, để đạt được kết quả cụ thể, việc cung cấp thông tin một cách chi tiết và dễ hiểu, nên bằng tiếng Nhật, là rất quan trọng.
Mười năm qua, các doanh nghiệp Nhật Bản kiên trì đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng chính sách cho ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam để phục vụ cho công nghiệp chế tạo. Nhật Bản đã tổ chức nhiều triển lãm công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng cho các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư.
Thế nhưng đến năm 2015, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam mới chỉ đạt 32,1%, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (65%), Thái Lan (56%), Indonesia (41%). Có nghĩa là muốn sản xuất ra thành phẩm thì nhà đầu tư vẫn phải nhập nguyên phụ liệu, linh kiện từ nước ngoài, làm chi phí sản xuất cao lên. Nguồn linh kiện, nguyên vật liệu mà doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài thấp, lại còn giảm.
Năm 2014, có 14,4% doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng nguyên phụ liệu, linh kiện, sang năm 2015 tỷ lệ này chỉ còn 13,2%. Hiện nay, tỷ lệ cung ứng linh kiện, nguyên vật liệu nội địa tại Việt Nam nhiều nhất là từ các doanh nghiệp Đài Loan (năm 2015 là 53,1%), Hàn Quốc (18,6%), một số nước ASEAN (16,5%).
Ông Abe Ichiro – chuyên gia cố vấn JICA cho biết, hiện nay, Việt Nam là nơi được các doanh nghiệp Nhật chọn nhiều nhất để thành lập cơ sở sản xuất theo chiến lược Thái + 1, China + 1. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn nhìn dài hạn.
Quan điểm của doanh nghiệp Nhật là Việt Nam không nhanh chóng phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ làm cho môi trường đầu tư kém hấp dẫn, doanh nghiệp Việt Nam khó có mặt trong chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, linh kiện.
Đến năm 2018, nhiều dòng thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN giảm xuống 0%, có khả năng nhiều ngành công nghiệp không sản xuất ở Việt Nam nữa, nhà đầu tư Nhật Bản sẽ sản xuất ở Thái Lan rồi nhập khẩu vào Việt Nam.
Không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, mà trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng mong cùng các địa phương Việt Nam định hướng dài hạn.
Theo bà Niimura Michi – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Good Life, người Nhật tham gia sản xuất nông nghiệp đang giảm mạnh, nguyên nhân là do tỷ lệ dân số lớn tuổi tăng và những công ty lớn không thể trực tiếp tham dự vào nông nghiệp theo Luật Nông nghiệp Nhật Bản.
Vì thế, nhiều công ty lớn hướng ra nước ngoài đầu tư để trồng và xuất ngược nông sản về Nhật Bản. Việt Nam là cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp nông nghiệp Nhật Bản là vì vậy.
Từ năm 2009, Công ty Good Life tham gia trong ngành nông nghiệp với mong muốn cho thế giới biết trái cây Việt Nam rất ngon. Đến nay, Good Life đã xuất thanh long, xoài, dừa, sầu riêng sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Myanmar, Trung Quốc, Dubai, Thụy Sĩ, Mỹ, Ấn Độ, Hong Kong, Đài Loan.
Theo bà Niimura Michi, phía Nam Việt Nam là thiên đường trái cây nhiệt đới, mỗi tỉnh đều có trái cây đặc trưng. Song, cho dù Good Life có quảng cáo hay đến mức nào mà chất lượng trái cây không tốt thì Công ty cũng không thể nào tiếp tục hợp tác với các nhà vườn. Đã đến lúc Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam vào cuộc để thu hút doanh nghiệp Nhật Bản cùng phát triển ngành nông nghiệp bền vững.
NGUYỆT HỒNG/DNSG