Với triết lý “kinh doanh phải tạo ra giá trị và làm điều có ích”, doanh nhân Lâm Thành Kim – CEO Công ty TNHH M.O.I Cosmetic Việt Nam – đang cùng cộng sự tiếp tục hành trình mới với khát vọng xây dựng thương hiệu mỹ phẩm trang điểm chuyên nghiệp M.O.I.
Dáng vẻ thư sinh, phong cách nghệ sĩ, ít ai biết Lâm Thành Kim – CEO Công ty TNHH M.O.I Cosmetic Việt Nam – là người mê kinh doanh, từng sáng lập 2 thương hiệu tạo được dấu ấn trong giới trẻ và showbiz, đó là Kim Production – sản xuất các chương trình giải trí và thương hiệu kem que Eat Me từng gây sốt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM.
* Nếu chỉ nói về khát vọng, nhiều người sẽ cho rằng “khát vọng thì dễ nhưng làm được mới khó”. Ông tin vào điều gì để nuôi dưỡng khát vọng?
– Kinh doanh luôn bắt đầu từ ý tưởng. Ý tưởng tốt sẽ tạo ra sự khác biệt và chiến lược đúng sẽ xây dựng được thương hiệu trên thị trường cạnh tranh. Từng trải qua kinh doanh, chắt góp nhiều kinh nghiệm thành công cũng như thất bại từ chính bản thân và các doanh nhân đi trước, tôi thấy mình cứng cáp, mạnh mẽ dần lên trong suy nghĩ, cách làm và chiến lược kinh doanh, đặc biệt chín chắn và cẩn trọng hơn khi quyết định kế hoạch kinh doanh mới.
CEO Công ty TNHH M.O.I Cosmetic Việt Nam – doanh nhân trẻ Lâm Thành Kim. |
Tôi đến với M.O.I xuất phát từ một lần du lịch tại Singapore. Khi vào cửa hàng Sephora – chuỗi hệ thống mỹ phẩm lớn nhất thế giới hiện nay, tôi vô tình nghe được một nhóm bạn trẻ Việt Nam nói với nhau: “Ước gì Việt Nam có thương hiệu mỹ phẩm trang điểm đủ tin tưởng để không phải ra nước ngoài mua”.
Tôi ngẫm lại, thấy Việt Nam có nhiều công ty sản xuất mỹ phẩm (nước hoa, phấn, kem, son môi, dầu gội, xà phòng tắm…), đặc biệt là mỹ phẩm chăm sóc da, nhưng mỹ phẩm chuyên về make up (trang điểm) thì rất ít và hầu như chưa có thương hiệu nào tạo được uy tín ở phân khúc này. Đây chính là niềm tin, động lực để tôi bước vào thị trường mỹ phẩm, cố gắng tạo thương hiệu và chỗ đứng cho mỹ phẩm Việt Nam mà 95% thị phần đang nằm trong tay các thương hiệu nước ngoài.
* Một vài doanh nghiệp Việt Nam không thiếu khát vọng và đã đầu tư không ít để sản xuất mỹ phẩm nhưng vẫn “lép vế” trước mỹ phẩm ngoại. Ông nhìn nhận khó khăn này như thế nào?
– Trước khi chọn kinh doanh mỹ phẩm, tôi đã mất một năm để khảo sát, thăm dò thị trường, nhu cầu cũng như tâm lý người dùng. Thách thức của thị trường và điểm yếu của mỹ phẩm Việt Nam là chưa vượt qua được “định kiến” cũng như tâm lý tin dùng và chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng trong nước. Chính vì đầu ra hạn chế nên một số doanh nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn, ngại bỏ chi phí đầu tư bao bì, xây dựng hình ảnh thương hiệu, tiếp thị, marketing. Hoặc nếu có làm thì cũng làm chưa đúng tầm, chưa đủ lực để đi đường dài, nhất là chưa tạo được thông điệp giá trị cho sản phẩm nên chưa tạo được dấu ấn cho thương hiệu.
Nhìn thấy điểm yếu và thách thức của một số thương hiệu đi trước, tôi ngẫm lại bản thân, mình là “tân binh” nên phải chọn kinh doanh theo cách riêng, đó là tìm cộng sự, đối tác. Phương châm của tôi là kinh doanh bền vững, từng bước, không vội vã, nỗ lực tìm tòi để ngày hôm nay phải hoàn thiện hơn hôm qua. Thành công đầu tiên của tôi là tìm được người cộng sự Hồ Ngọc Hà. Chúng tôi trở thành đồng sáng lập và ngay sau đó, M.O.I được đăng ký thương hiệu mỹ phẩm trang điểm tại Việt Nam.
* Khát vọng xây dựng M.O.I trở thành thương hiệu mỹ phẩm cho người Việt với giá phù hợp nhưng sao ông không chọn sản xuất trong nước mà lại đặt hàng gia công từ nước ngoài?
– Đặt mục tiêu cho M.O.I là sản phẩm Việt dành cho người Việt nhưng chất lượng quốc tế, giá cả phù hợp túi tiền người Việt. Kế hoạch ban đầu của chúng tôi là đặt các doanh nghiệp trong nước sản xuất để hạ chi phí, giá thành, nhưng sau khi đặt hàng và nhận mẫu thử thì không đạt yêu cầu, do nguồn nguyên liệu cũng như công nghệ pha chế màu chưa tạo được màu sắc, độ bền như mong muốn.
Sau đó, tôi tìm đến đối tác tại Indonesia, Malaysia nhưng kết quả cũng không đạt. Tìm hiểu các công ty Nhật thì thế mạnh của họ là mỹ phẩm chăm sóc da, cuối cùng tôi chọn Hàn Quốc – nơi có nền sản xuất mỹ phẩm trang điểm uy tín và cập nhật xu hướng cũng rất nhanh. Song, để tìm được đối tác sản xuất cũng không dễ. Nhà máy nhỏ thì không đạt chất lượng yêu cầu, nhà sản xuất lớn thì không nhận đơn hàng nhỏ. Hơn 50 e-mail tôi gửi đến các đối tác đề nghị hợp tác đặt hàng nhưng không nhận được một dòng hồi đáp, bởi lúc đó, M.O.I không phải là khách hàng tiềm năng của họ.
Quyết định gửi e-mail và đặt sản xuất 100.000 cây son là một quyết định táo bạo. Ngay sau đó, tôi đã nhận được sự hồi đáp của nhà sản xuất, bởi 100.000 cây son tuy không phải là quá lớn nhưng đủ hấp dẫn nhà sản xuất vì họ cho rằng, với một doanh nghiệp mới, mà dám đặt số lượng hàng ban đầu như vậy, hẳn có tiềm năng.
* Cũng có một số doanh nghiệp làm theo “cách riêng ” của ông là đặt hàng sản xuất từ nước ngoài nhưng vẫn không tạo được dấu ấn…
– Muốn xây dựng một thương hiệu có uy tín và có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, đặc biệt là thay đổi thói quen tiêu dùng, thì trước hết phải có sản phẩm chất lượng cao. Và sau đó là cả một chiến lược kinh doanh tổng hòa sản phẩm mới với các công việc: marketing, tiếp thị, bán hàng, xây dựng hình ảnh thương hiệu… Đặc biệt là cách làm thương hiệu, tiếp thị sản phẩm phải khác biệt, phải đầu tư liên tục và dài hơi. Vậy nên ngay năm đầu tiên, chúng tôi đã dành từ 50- 70% doanh thu để quảng bá thương hiệu và đặc biệt là tiếp cận người tiêu dùng. Với hướng đi bền vững và đặt giá trị thương hiệu lên hàng đầu, thay vì nóng lòng kiếm lợi nhuận và đặt sản xuất hàng loạt với số lượng lớn thì chúng tôi chỉ sản xuất số lượng có hạn.
* Ông có thể tiết lộ cách marketing được xem là khác biệt và mang lại dấu ấn cho M.O.I?
– Bên cạnh việc bán hàng, cách xây dựng hình ảnh thương hiệu của M.O.I là cần thiết và mang lại giá trị cho cộng đồng. Với chị em, M.O.I thông qua các chiến dịch như tạo cơ hội tăng thu nhập, hướng dẫn, khuyến khích chị em làm đẹp để họ biết chăm sóc bản thân, tự tin với vẻ ngoài để có nhiều cơ hội trong cuộc sống.
Chúng tôi còn tổ chức các “chuyến xe sắc đẹp” đi đến các vùng xa thành phố. Mục tiêu của M.O.I không chỉ bán sản phẩm mà còn tạo cho chị em sự hãnh diện và niềm tin vào bản thân, cuộc sống, gia đình. Ở những khu vực, những vùng miền mà chương trình đi qua, nhiều chị em đã chia sẻ sự thay đổi của chính mình trên trang facebook cá nhân.
Điều quan trọng với người sử dụng mỹ phẩm là sản phẩm phải phù hợp với từng loại da. Đây cũng là lý do khiến nhiều thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới phải “chia tay” người tiêu dùng Việt Nam vì sản phẩm của họ không hợp khí hậu Việt Nam. M.O.I đã khắc phục được điểm yếu này và có đội ngũ chuyên tư vấn, trả lời thắc mắc và hướng dẫn chị em sử dụng mỹ phẩm theo tình trạng da. Bên cạnh đó, với lợi thế của công nghệ, M.O.I còn mở rộng việc bán hàng qua các kênh thươntg mại điện tử, website, fan page với đội ngũ bán hàng online là học sinh, sinh viên, các nhà phân phối độ tuổi 20 – 40.
* Có người cho rằng, 30.000 cây son M.O.I bán hết sau một ngày ra mắt là nhờ hình ảnh ca sĩ Hồ Ngọc Hà. Ông nghĩ thế nào khi hiện nay, nhiều thương hiệu thường dùng nghệ sĩ để quảng bá?
– Hồ Ngọc Hà là một trong những người tạo ra xu hướng thời trang, nên hình ảnh cô đi cùng với M.O.I cũng là lợi thế. Không chỉ đại diện cho bộ sưu tập, đặt tên các màu theo bài hát, Hồ Ngọc Hà còn là người góp rất nhiều công sức để qua lại Hàn Quốc, chọn chất liệu, màu sắc thiết kế cho sản phẩm theo định hướng thương hiệu. Tuy nhiên, hình ảnh bất cứ người nổi tiếng nào khi làm đại sứ quảng bá thương hiệu cũng chỉ là lợi thế và hiệu ứng marketing ban đầu.
Muốn đi xa và bền thì chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu để giữ được niềm tin người tiêu dùng. Để không bị khách hàng lãng quên và luôn tạo được sự háo hức chờ đón sản phẩm của người tiêu dùng, kế hoạch của M.O.I là cứ sau ba tháng phải có một sản phẩm mới. Sản phẩm phải luôn đa dạng, đáp ứng nhu cầu trang điểm của các phân khúc người dùng. Hiện tại, đã có một số đối tác ở Mỹ, Australia đề nghị phân phối sản phẩm M.O.I.
* Để một thương hiệu thành công, ngoài chất lượng sản phẩm và chiến lược marketing, theo ông điều gì cần thiết với một người lãnh đạo doanh nghiệp?
– Tôi luôn tự động viên mình mỗi lúc gặp khó khăn là “Có nhiều lý do để thất bại nhưng chỉ có một lý do để thành công, đó là phải thành công”. Song, con đường thành công chỉ có được khi có đội ngũ cộng sự giỏi và đó cũng là lợi thế của M.O.I.
* Từng thành công với thương hiệu kem que Eat Me nhưng lại mất cơ hội phát triển, anh rút ra kinh nghiệm gì để các doanh nghiệp tránh được “vết xe đổ” này?
– Năm 2015, khi phố đi bộ Nguyễn Huệ mở ra, tôi thấy lượng khách rất đông, trung bình từ 5.000 – 10.000 người/ngày, nhưng ở đây lại không có sản phẩm gì phục vụ họ. Nhận ra một trong những nhu cầu khi người ta đến đây dạo phố là ăn uống, tôi cùng một người bạn tạo ra thương hiệu kem Eat Me bán theo mô hình ẩm thực đường phố. Thay vì phải thuê mặt bằng gần 10.000 USD tại trung tâm Nguyễn Huệ, tôi đặt 4 gian hàng nhỏ tại bốn điểm trung tâm của phố đi bộ.
Với mẫu mã bắt mắt, mùi vị kem ngon, tôi đã tạo ra thói quen ăn kem Eat Me và selfie cho giới trẻ khi họ đến đây. Lúc đó, tôi rất tự hào vì các bạn cầm kem chụp hình vô cùng thích thú. Tuy nhiên, do kem làm bằng phương pháp thủ công nên khi số lượng bán quá tải, tôi phải dừng một thời gian để nâng cấp xưởng.
Sau nhiều lần gián đoạn, việc kinh doanh không tốt như ban đầu và địa điểm phố đi bộ cũng đã đến lúc không thuận tiện để kinh doanh ẩm thực đường phố, tôi đành phải thuê mặt bằng với giá rất cao. Trước lựa chọn mang tính rủi ro này, tôi đã nhượng lại công thức và máy móc làm kem Eat Me cho một doanh nghiệp khác.
Sau Eat Me, bài học rút ra là kinh doanh phải thực tế, phải có kế hoạch và dự trù rủi ro, bởi nếu cứ loay hoay giải quyết các tình huống phát sinh thì sẽ không có thời gian chuyên tâm phát triển và làm mất cơ hội kinh doanh. Điều quan trọng trong kinh doanh với tôi là phải linh hoạt để thích nghi với thị trường.
* Cảm ơn ông vì những chia sẻ!
LỮ Ý NHI