Công nghệThời đại số
Donald Trump và 7 phát ngôn gây sốc khiến giới công nghệ Mỹ phải run sợ
Trên hành trình đến với Nhà Trắng và trước đó, ông Trump có rất nhiều phát ngôn có thể khiến các hãng công nghệ Mỹ đứng ngồi không yên.
1. Về Apple
Khi đề cập đến Apple nói riêng và các tập đoàn, công ty đa quốc gia của Mỹ nói chung, ông Donald Trump một mực muốn họ mang toàn bộ quy trình sản xuất và cả núi tiền từ nước ngoài về đất Mỹ.
Ông từng hứa sẽ lập ra các hàng rào thuế quan để các công ty Mỹ cảm thấy việc sản xuất ngay trong nước mang lại nhiều lợi ích hơn là tìm đến các nguồn nhân công rẻ ở các nước khác. Apple được Donal Trump nhắc tận tên là nên “sản xuất những chiếc máy tính chết tiệt và cả những thức khác ngay tại Mỹ”.
Khi CEO Tim Cook từ chối giúp FBI mở khóa chiếc điện thoại liên quan đến vụ khủng bố ở San Bernardino, California, Donald Trump cũng tỏ ra rất phật ý và bực bội.
“Họ nghĩ họ là ai cơ chứ? FBI cần mở chiếc điện thoại đó”. Chia sẻ trên Twitter cá nhân, ông Trump cho biết mình có dùng cả iPhone và điện thoại Samsung. Tuy nhiên nếu Apple không chịu cung cấp thông tin khủng bố cho giới chức, ông “sẽ chỉ dùng Samsung cho tới khi họ chịu làm vậy”.
Năm 2014, Donald Trump cũng từng lên Twitter cá nhân để chỉ trích các quyết định kinh doanh của Táo Khuyết. Ông thậm chí còn bán cổ phiếu của Apple để phản đối chiến lược của Apple và nhận định: “Tôi dự đoán cổ phiếu Apple sẽ xuống giá không phanh vì quyết định ngu ngốc từ chối cho ra iPhone màn hình lớn như Samsung”.
2. Twitter
Cuối tháng 2 năm 2013, tài khoản Twitter của ông Donald Trump đã bị tấn công. Vụ việc không để lại hậu quả nghiêm trọng khi kẻ tấn công tài khoản chỉ… đăng lời một bài nhạc của rapper Lil’ Wayne.
Tuy nhiên, nó cũng đủ để khiến ông Trump (thời điểm đó đã có 2 triệu người theo dõi trên Twitter) nổi giận và khẳng định nếu tài khoản người dùng vẫn bị hack dễ dàng như thế này, Twitter sẽ sớm trở nên “vô dụng”.
Mặc dù là một người khá “tích cực” xuất hiện trên Twitter, hầu hết các dòng tweet đều không do ông Trump đăng tải. Thay vào đó, ông truyền tải những gì mình muốn nói tới đội ngũ truyền thông của mình và họ sẽ là người thực hiện trực tiếp đăng lên Twitter.
3. Về email
Năm 2007, trong một bài chia sẻ với The Washington Post, ông Donald Trump khẳng định mình không sử dụng email. Dù vậy, 6 năm sau đó, ông hé lộ thực ra mình có sử dụng phương thức giao tiếp này, nhưng cực kì hạn chế.
4. Về máy tính và Internet
Donald Trump được cho là một người không hoặc rất ít sử dụng máy tính. Năm 2014, sau vụ hack đình đám mà Sony là nạn nhân, ông đã so sánh Internet và kỉ nguyên máy tính như thể một chiếc túi hỗn độn. “Nó giúp cuộc sống dễ dàng hơn ở một vài khía cạnh nào đó nhưng phần lớn là khiến nó rối rắm hơn”, ông Trump chia sẻ.
5. Về Amazon
Quyết định mua lại The Washington Post của CEO Amazon không được ông Donald Trump đánh giá cao, bởi ông cho rằng Jeff Bezos làm điều này là có động cơ chính trị, giúp Amazon không phải đóng thuế nhiều.
“Tôi tôn trọng Jeff Bezos nhưng cậu ta mua The Washington Post để có những ảnh hưởng về chính trị”, ông Trump cho biết. “Tin tôi đi, nếu tôi trở thành Tổng thống, họ sẽ gặp vấn đề đấy”. Theo ông Trump, Jeff Bezos sẽ dùng The Washington Post như một cách để tránh bị đánh thuế theo mức mà Amazon đáng ra phải chịu.
6. Về chiến tranh số
Trump ủng hộ cách “đóng cửa Internet ở một khía cạnh nào đó” ở một số vùng nhất định để giải quyết các vấn đề liên quan đến “chiến tranh số”. Ông cho rằng điều này còn quan trọng hơn cả quyền tự do ngôn luận và ông muốn Bill Gates giúp mình thực hiện kế hoạch này.
7. Về visa H1-B
Trên hành trình đến với Nhà Trắng, Donald Trump cũng nhiều lần nhắc đến visa H1-B, loại visa mà các công ty công nghệ Mỹ có sử dụng để chiêu mộ nhân sự nước ngoài.
Ban đầu, ông cho biết loại visa này giúp các tài năng từ nước ngoài chảy vào Mỹ, thúc đẩy sự phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, sau đó Trump lại thay đổi quan điểm và muốn dẹp bỏ loại visa này. Ông nêu lý do là bởi H1-B đang khiến nhân lực Mỹ có kĩ năng khó tiếp cận được với Thung lũng Silicon.
Theo Trí Thức Trẻ