Câu chuyệnKinh doanh

Giám đốc điều hành Saigonchildren: Trao cơ hội giáo dục cho trẻ em nghèo

Trong buổi trò chuyện với ông Tim Mullett – Giám đốc điều hành Saigon Children Charity (Saigonchildren), chúng tôi đã bắt gặp nhiều điều thú vị về hoạt động của tổ chức này.

“Năm 2002, tôi phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Thật may, tôi được học tiếp một lớp bổ túc văn hóa vào buổi sáng cùng khóa tiếng Anh, vi tính và nhiếp ảnh miễn phí tại Trường Thăng Long do tổ chức Saigonchildren tài trợ. Trường còn hỗ trợ 50.000 đồng mỗi tháng để tôi trang trải cuộc sống. Đến năm tôi học lớp 12, mẹ tôi bị tai nạn giao thông, tôi buộc phải nghỉ học. Qua sự giới thiệu của Saigonchildren, tôi bắt đầu làm việc như một thực tập sinh mảng quản trị nội bộ ở Ngân hàng HSBC. Sau một năm nhiều cố gắng, tôi được thăng tiến và được tham gia đào tạo nghiệp vụ tại chức ở Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và nhận học bổng nâng cao tiếng Anh của Trung tâm British Council. 3 năm sau, tôi được làm giao dịch viên ngân hàng cấp cao rồi được thăng chức lên vị trí quản lý tại HSBC. Trong 10 năm vừa học vừa làm, tôi đã kiếm được tiền giúp gia đình qua được giai đoạn khó khăn cùng cực, quan trọng hơn là tôi đã tin tưởng vào cuộc sống và luôn cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày…”.

Trên đây là chia sẻ của Trúc Ly trước khi cô chuẩn bị sang Malaysia để nhận công việc mới tại Facebook. Trúc Ly là một trong rất nhiều em nhỏ đã có cơ hội thay đổi cuộc đời nhờ sự giúp đỡ của Saigonchildren – một tổ chức phi lợi nhuận của Anh được thành lập ở Việt Nam từ năm 1992.

* Có lẽ nhiều người muốn biết điều gì đã đưa ông đến Việt Nam?

– Bố vợ tôi là người Việt Nam. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Anh nhưng trong vợ tôi vẫn có một phần dòng máu Việt. Trước khi sang định cư ở đất nước các bạn, vợ chồng tôi đã có ấn tượng đẹp về đất nước, con người ở đây từ một chuyến về thăm lại bà con bên vợ.

Tôi thấy trong gia đình người Việt, mọi người gắn bó thân thiết với nhau, ngay cả khi đã trưởng thành, điều này khó thấy được ở các gia đình châu Âu. Nơi công sở, mọi người làm việc chăm chỉ và kết nối với nhau như các thành viên trong gia đình. Ở Saigonchildren cũng vậy, tôi rất vui khi cùng làm việc với các bạn trẻ nhiệt huyết và giàu lòng yêu thương trong tổ chức này.

Cuộc đời đưa vợ chồng tôi đến định cư ở Việt Nam vào năm 2002, khi tôi đảm nhiệm vị trí Giám đốc hỗ trợ dịch vụ cho Bệnh viện FV và sau đó làm Tổng giám đốc cho Trung tâm giáo dục và huấn luyện Apollo. Đến năm 2014, tôi trở thành Giám đốc Học viện Quản trị Quốc tế Việt Nam (IMIV) – một dự án doanh nghiệp cộng đồng Clinton Global Initiative thuộc Quỹ tài trợ VinaCapital để giúp xây dựng khả năng quản lý và lãnh đạo.

Còn vợ tôi thì say mê với những hoạt động từ thiện ở Kontum, Tây Nguyên. Bà ấy tham gia quyên góp giúp đỡ dân tộc thiểu số Bana bằng cách thực hiện những dự án nhỏ như xây hồ chứa nước, xây sân chơi trong trường học và khuyến khích trẻ em đến trường.

Ngoài ra, bà ấy còn khá tích cực hỗ trợ các chương trình dạy ngoại ngữ cho trẻ mồ côi tại các khu vực này.

* Có lẽ ông cũng có đôi lần tham gia những chuyến đi lên Tây Nguyên cùng vợ phải không?

– Có chứ. Tôi hay cùng đi để tìm hiểu cuộc sống người dân vùng Tây Nguyên. Quả thật, có đi đến tận nơi mới thấy, trên một đất nước đang phát triển nhanh về kinh tế, vẫn có những vùng quê nghèo và lạc hậu – nơi những đứa trẻ phải nghỉ học sớm để tìm cách mưu sinh và nhiều phụ nữ mang thai cũng không hiểu biết về cách sinh con an toàn.

Trước khi trở thành giám đốc, tôi cũng hay tham gia các hoạt động tình nguyện và đóng góp tài chính cho Saigonchildren.

* Hẳn là có một lý do nào đó khiến ông quyết định tham gia tổ chức này với vai trò giám đốc?

– Vì tôi thật sự ấn tượng với những gì mà tổ chức này làm được cho trẻ em nghèo. Tôi đã đến nhiều vùng nông thôn nghèo, gặp những người sống chật vật dựa vào mảnh ruộng, cái cày. Nếu để trẻ em nghèo phát triển một cách tự nhiên, thì các em sẽ lớn lên như cành cây ngọn cỏ, tiếp nối công việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” của cha mẹ, hoàn toàn xa lạ với con chữ và các kiến thức cần thiết cho cuộc sống.

Trong khi đó, chỉ cần chúng ta cùng mở rộng vòng tay thì các em sẽ có một tương lai tươi đẹp hơn. Quan sát từ các lớp học mà Saigonchildren tổ chức, tôi nhận thấy các em rất chăm chỉ và rất ham học hỏi. Được tạo điều kiện tiếp cận với giáo dục, các em đã có sự tự tin và hạnh phúc thật sự.

* Vì sao Saigonchildren lại chọn cách làm thay đổi cuộc sống trẻ em nghèo thông qua giáo dục chứ không bằng cách khác?

– Người sáng lập Saigonchildren là một giáo viên, nên ông thấu hiểu được sức mạnh của giáo dục trong việc tạo dựng tương lai của mỗi đứa trẻ. Theo tôi, giúp đỡ tiền bạc cũng chỉ giải quyết được nhu cầu cấp bách trước mắt. Chúng tôi muốn cho những đứa trẻ những cơ hội để trẻ em có thể nuôi dưỡng những ước mơ lớn hơn cho cuộc đời mình bằng kiến thức, kỹ năng.

Chúng tôi sẽ cố gắng giúp nông dân có tầm nhìn xa hơn và giúp họ hiểu vai trò của giáo dục để họ có một cuộc sống tốt hơn trong tương lai. Giáo dục cho các em hy vọng và những cơ hội để thoát nghèo.

Saigonchildren đưa ra những bước đi cụ thể, đơn giản và thực tế nhằm bảo đảm cho các em có sự giáo dục cần thiết, bao gồm: xây dựng môi trường học đường và trường học, chương trình học bổng và chương trình các dự án phát triển.

Khi có kiến thức, kỹ năng sống và nghề nghiệp trong tay, trẻ em sẽ có cơ hội lớn hơn, đó là dùng “cần câu” để “bắt cá” cho bản thân và gia đình.

* Những cơ hội nghề nghiệp mà các em có thể tìm thấy ở Saigonchildren là gì, thưa ông?

– Nghề nghiệp cho các em rất phong phú, từ cắt tóc, làm đẹp, đến nghiệp vụ nhà hàng khách sạn, công nghệ thông tin, nhiếp ảnh, hội họa… Các em sẽ được học tại Trường Thăng Long (quận 4, TP.HCM) theo chương trình Phát triển và Hội nhập do tổ chức tài trợ.

Bên cạnh việc cung cấp cho các em những yếu tố thiết yếu để phát triển nghề nghiệp và vào đời thuận lợi, chương trình còn khuyến khích các em phát triển sự sáng tạo cũng như có được sự tự tin cùng niềm hy vọng vào tương lai. Mục tiêu cuối cùng của chương trình là giúp thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn có được kỹ năng nghề và có việc làm ổn định với thu nhập hợp lý.

Tôi rất tự hào khi “khoe” về những em đã trở thành quản lý ở các nhà hàng, khách sạn, quán bar lớn sau khi tốt nghiệp tại Trường Thăng Long. Nhiều em đã mở các tiệm sửa xe, tiệm làm đẹp và nhận học viên tốt nghiệp khóa sau của trường vào làm việc.

Như vậy, không chỉ mang đến kiến thức, chúng tôi còn tạo ra một mạng lưới những người hỗ trợ nhau cùng phát triển. Chúng tôi tin rằng thành công của các em sau khi hoàn thành khóa đào tạo sẽ góp phần phát triển gia đình và phát triển xã hội.

* Hầu hết các tổ chức phi chính phủ đều gặp khó khăn trong các hoạt động gây quỹ, nhất là những tổ chức lâu năm vì các doanh nghiệp hảo tâm không phải lúc nào cũng kinh doanh thuận lợi. Saigonchildren có gặp thử thách này không?

– Chúng tôi cũng đối mặt với thử thách lớn này. Nhưng may mắn là chúng tôi có uy tín lâu năm trong và ngoài nước cùng một đội ngũ làm việc tận tâm. Đối với một số doanh nghiệp hỗ trợ thường niên, chúng tôi luôn biết ơn và trân trọng.

Năm ngoái, Saigonchildren đã gây quỹ được 1,5 triệu USD để giúp đỡ các em học sinh. Khoản tiền quỹ này không chỉ là một thành quả, mà còn là một thách thức. Chúng tôi cần đảm bảo thực hiện các chương trình một cách hiệu quả nhất đối với các đối tượng trẻ em được lựa chọn cẩn thận. Hiệu quả công việc của tổ chức chúng tôi được xác định bằng số lượng trẻ em được cấp sách đến trường, những em tốt nghiệp trung học, theo học đại học và các em có việc làm ổn định, đặc biệt là các em khuyết tật. Dường như giáo dục những trẻ em này ở Việt Nam còn chưa hiệu quả.

Hiện nay dưới 10% trẻ em khuyết tật được đến trường, 90% các em thường ở nhà và lãng phí cuộc sống của mình vì có quá ít sự hỗ trợ, nhất là trẻ mắc bệnh tự kỷ và khiếm thính.

Chúng tôi cùng các tổ chức khác như Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (Disability Resource and Development – DRD) luôn tìm cách để “phá vỡ” những rào cản đã ngăn không cho hơn 90% trẻ em khuyết tật được đến trường.

* Còn các em nhỏ lang thang trên đường phố, kiếm sống bằng nghề bán vé số hay đánh giày, có phải là đối tượng của tổ chức của ông không?

– Những đối tượng này ở tổ chức chúng tôi rất hạn chế. Đối tượng chủ yếu tại Saigonchildren là trẻ em có cha mẹ hoặc người bảo hộ nhưng do hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật mà không thể đến trường.

Chúng tôi có một mạng lưới cộng đồng hỗ trợ phát triển trẻ em, liên kết chặt chẽ với giáo viên, đại diện địa phương để đánh giá nhu cầu của từng em nhỏ, theo dõi sự tiến bộ của các em cũng như cung cấp cho các em những hỗ trợ liên quan để tiếp cận giáo dục như khuyến khích và tư vấn, cho tài trợ, chăm sóc sức khỏe, tặng xe đạp, mắt kính…

Các em được lựa chọn để dạy nghề tại Trường Thăng Long thì phải có sự đồng ý của gia đình hay người bảo hộ.

Quay trở lại câu chuyện về những thử thách mà tổ chức chúng tôi gặp phải, có một thử thách lớn hơn cả việc gây quỹ, đó là làm sao thuyết phục cha mẹ cho các em đến trường, đồng thời phải giữ chân những trẻ ấy ở lại trường.

Thông thường, khi gia đình khó khăn, cha mẹ sẽ muốn các em ở nhà để góp một tay cho việc đồng áng. Vì vậy, chúng tôi đã dành cho gia đình các em những gói hỗ trợ, ngoài ra còn hướng dẫn để họ có thu nhập ổn định và hiểu được giá trị của giáo dục.

Bên cạnh đó, Saigonchildren còn hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương xây trường và xác nhận các em học sinh có nguy cơ bỏ học. Mặt khác, chương trình học bổng của chúng tôi đã gặt hái được những kết quả đáng kể.

Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của các nhà tài trợ, mỗi năm chương trình Phát triển trẻ em của Saigonchildren đã trao khoảng 2.000 học bổng, giúp các em có thể tiếp tục việc học và phát triển tiềm năng.

Ở những nơi chúng tôi trao học bổng, tỷ lệ học sinh bỏ học từ 7 – 8% giảm xuống còn 2%. Về hiệu quả lâu dài, chúng tôi cố gắng trao nhiều học bổng hơn để giúp các em có nhiều lựa chọn hơn trong cuộc sống để kiếm được việc làm với thu nhập ổn định.

* Các tổ chức phi chính phủ khác còn gặp khó khăn về tình nguyện viên, vì sự háo hức của tình nguyện viên thường giảm đi theo thời gian, đối với Saigonchildren thì sao?

– Chúng tôi cũng gặp nhiều thuận lợi về tình nguyện viên. Tình nguyện viên khi tham gia vào tổ chức không chỉ dạy tiếng Anh mà còn dùng cho việc truyền thông, gây quỹ, tổ chức sự kiện…

Khá nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam học tập, nghiên cứu hoặc đi du lịch đều trở thành những tình nguyện viên nhiệt tâm của tổ chức chúng tôi. Một tình nguyện viên khá tích cực tại tổ chức là ông Paul Higham, từng làm việc ở Lãnh sự quán Anh tại TP.HCM nhiều năm trước. Ông đã sống và làm việc tại Việt Nam 15, 16 năm nay. Khi về hưu, ông vẫn gắn bó với Việt Nam và muốn góp sức với chúng tôi để mang đến một tương lai tươi sáng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bằng cách giúp chúng tôi rất nhiều trong việc tổ chức sự kiện, gây quỹ từ thiện.

Ngoài ra, chúng tôi cùng làm việc với các mạnh thường quân, chính quyền địa phương và các chuyên gia để xây dựng các trường mẫu giáo, tiểu học và trường đào tạo đặc biệt, nhằm đem đến một môi trường học tập an toàn, hiệu quả cho trẻ em và các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, còn nhiều thiếu thốn.

* Xây dựng trường học là việc mà rất nhiều doanh nghiệp nghĩ đến khi thực hiện trách nhiệm xã hội, nhưng làm sao để đưa các em đi học e là việc khó hơn…

– Có thể thấy rằng việc xây một ngôi trường không khó, rất nhiều doanh nghiệp tham gia xây dựng trường học cho trẻ em. Nhưng để xây đúng trường đúng nơi, đúng lúc thì lại không dễ chút nào. Điều khó hơn nữa là phải đảm bảo được công suất và hiệu quả sử dụng của ngôi trường.

Chúng tôi thường phải nghiên cứu, khảo sát rất kỹ từng địa bàn cũng như nhu cầu của dân cư của từng khu vực trước khi quyết định xây trường. Ngoài ra, chúng tôi không chỉ xây dựng trường học đơn thuần mà còn thiết lập các hạng mục khác như khu vực sân chơi, hàng rào, nhà kho, các cơ sở vệ sinh, đồ nội thất và đồ chơi ngoài trời để lớp học trở nên hấp dẫn hơn nhằm khuyến khích các em đến trường.

Năm nay là kỷ niệm 25 năm của Saigonchildren, chúng tôi sẽ xây dựng một chiến lược mới cho 5 năm tiếp theo. Chúng tôi đã xây dựng được danh tiếng riêng, nay cần tập trung vào những gì mình đang làm theo hướng lâu dài hơn.

Cùng với việc làm mới thương hiệu của mình, chúng tôi dự định sẽ kết nối với nhiều quỹ hơn và làm thêm nhiều công tác khác nữa trong bước tiếp theo. Nếu có nhiều đứa trẻ hơn được tiếp thêm động lực đến trường, chúng có thể tạo ra một sự khác biệt to lớn. Khi các em đi học, các em sẽ có những ước mơ lớn hơn. Saigonchildren chỉ tạo ra một bước đệm cần thiết để chính các em sẽ là những người tự xây dựng tương lai cho mình.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ trên. Chúc Saigonchildren tiếp tục hoạt động hiệu quả để ngày càng nhiều trẻ em nghèo có một tương lai tươi đẹp hơn.

XUÂN LỘC thực hiện – Tranh: HOÀNG TƯỜNG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close