Cải tiến cũng thường mang đến những tác dụng phụ không lường trước.
Đối với những ai tin rằng tiến bộ nhân loại là điều hoàn toàn tuyệt vời thì dữ liệu về tai nạn đường bộ gần đây khiến cho họ phải nghĩ lại. Trong nửa đầu năm nay, gần 18.000 ca tử vong trên các con đường ở Mỹ, tăng 10% so với năm ngoái. Số ca tử vong cứ mỗi 100 triệu dặm lái xe đã tăng lên mức cao trong vòng 7 năm. Nếu tính cả thế giới, con số sẽ khiến nhiều người choáng váng.
Vẫn còn quá sớm để biết chính xác những nhân tố nào đã dẫn đến sự gia tăng đột biến này, nhưng các chuyên gia về giao thông chắc chắn ít nhất một nguyên nhân: điện thoại di động và các thiết bị cầm tay khác khiến cho người lái lo mải nhìn màn hình, chơi game hay nói chuyện điện thoại… mà không còn chú ý con đường trước mặt.
Sao nhãng khi lái xe nhắc nhở rằng có một thực trạng vẫn thường bị bỏ qua trong các cuộc tranh cãi về cải tiến và năng suất. Những người lạc quan nói rằng nhiều lợi ích của cải tiến không đo bằng các số liệu thống kê về GDP và năng suất. Nhưng họ lại quên rằng phần lớn tổn thất do cải tiến gây ra cũng không.
Cải tiến từ lâu được xem là đòn bẩy đưa cuộc sống con người trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, cải tiến cũng thường mang đến những tác dụng phụ không lường trước. “Không thể tưởng tượng được có cải tiến nào lại không có tác dụng phụ”, Joel Mokyr, nhà sử gia về công nghệ và chuyên gia kinh tế tại Đại học Northwestern, nhận xét.
Trồng cây củ cải đường vào thế kỷ XIX đẩy tăng lượng tiêu thụ đường, nhưng “tình trạng sâu răng cũng tăng rất cao”, ông Mokyr chỉ ra. Khi chì lần đầu tiên được cho thêm vào xăng để cải thiện công suất động cơ vào năm 1921, không ai ngờ rằng xăng pha chì lại gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Đến năm 1986, Mỹ đã cấm hoàn toàn việc sử dụng xăng pha chì, châu Âu cũng cấm vào những năm 1990…
“Sự trả miếng” của cải tiến, như cách gọi của ông Mokyr, có thể giúp giải thích vì sao những tiến bộ ngày nay trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng và dược phẩm dường như không góp phần vào việc nâng cao mức sống của người dân. Chẳng hạn, mỗi năm các thiết bị và phương pháp điều trị mới đều giúp cải thiện sức khỏe và kéo dài sự sống. Tuy nhiên, những tay buôn lậu đã đảo ngược lại sự tiến bộ đó bằng cách nhập, sản xuất lậu fentanyl, một loại thuốc giảm đau mạnh gấp 50 lần heroin, với giá chỉ bằng một phần nhỏ giá heroin. Tờ Wall Street Journal ước tính gần 4.000 người chết vì quá liều fentanyl tại 10 bang bị tác động mạnh ở Mỹ vào năm ngoái, gấp đôi con số của năm 2014.
Trái đất nóng lên là một trong những “tác dụng phụ” của cải tiến. Ảnh: http://nyu-divest.squarespace.com/ |
Bùng nổ trong lĩnh vực truyền thông xã hội và tính kết nối cao nhờ internet và điện thoại thông minh cũng đã mang đến virus, vấn nạn tin tặc, ăn cắp nhân dạng… Doanh nghiệp bị giảm năng suất do người lao động “chăm chỉ” lướt web. Các trò chơi video game ngày nay rất phức tạp và có thể khiến người ta mải mê quên giờ giấc hơn video game ra đời cách đây 20 năm.
Ông Erik Hurst, chuyên gia kinh tế tại Đại học Chicago, đã dẫn chứng bằng các tài liệu cho thấy những người đàn ông trẻ tuổi không có bằng đại học bỏ ra 3,8 giờ mỗi tuần vào các trò video game trong những năm gần đây, tăng 1,5 giờ so với giai đoạn 2004-2007. Đối với những người không đi làm, mức tăng là 2,7 giờ, lên tổng cộng 6,3 giờ. Theo ông Hurst, điều này có thể giải thích vì sao những người trong độ tuổi đó làm việc ít hơn trung bình 2,5 giờ mỗi tuần so với cách đây 10 năm.
Tuy nhiên, cũng không thể khẳng định các trò video game phức tạp hơn là lý do khiến những người này làm việc ít hơn. Một số chuyên gia kinh tế cũng không thấy thuyết phục, khi chỉ ra người ta còn bỏ ra thời gian nhiều hơn vào việc xem truyền hình. Cũng theo ghi nhận của ông Hurst, những người này có mức độ hạnh phúc cao hơn nhóm người được khảo sát cách đây 10 năm. Điều đó có thể hiểu là vài người trong số họ không làm việc vì họ dùng thời gian vào các việc khác thú vị hơn. Nhưng ông nói việc hy sinh trải nghiệm làm việc khi còn trẻ có thể làm lu mờ triển vọng nghề nghiệp của người đó về sau. Ở góc độ này, video game cũng giống như đường có thể khiến người ta hạnh phúc hơn trong ngắn hạn nhưng có ảnh hưởng xấu trong dài hạn.
“Sự trả miếng của cải tiến” tác động tiêu cực đến tăng trưởng ở 2 phương diện. Thứ nhất, nó làm cho những cải tiến trước đó trở nên ít hữu dụng hơn. Lấy ví dụ, tình trạng kháng thuốc khiến cho các loại kháng sinh trở nên vô hiệu.
Thứ hai, việc giải quyết tác dụng phụ của cải tiến làm tiêu hao các nguồn lực vốn dĩ khan hiếm. Theo hãng nghiên cứu Gartner, năm ngoái, các doanh nghiệp trên toàn thế giới đã bỏ ra tới 78 tỉ USD vào công tác tăng cường an ninh mạng. Con số này đang tăng 8% mỗi năm, trong khi chi tiêu vào công nghệ nói chung chỉ tăng 1%. Cũng giống như những chiếc ổ khóa và nhân viên an ninh, chi tiêu vào an ninh mạng cũng góp phần vào tăng trưởng GDP, nhưng nó không cải thiện mức sống con người.
Ông Mokor nói rằng các nhà cải tiến đều bị “hút” về những nhu cầu lớn nhất của xã hội. Trong các thời đại trước, đó là phương tiện giao thông nhanh và rẻ, năng lượng đáng tin cậy và chăm sóc y tế cơ bản. Ngày nay, 7 trong top 10 vấn đề mà ông cho rằng rất cần những giải pháp mang tính cải tiến lại là hệ quả từ những tác dụng phụ của cải tiến. Đó là trái đất nóng lên, tình trạng kháng thuốc, béo phì, quá tải thông tin… Giải quyết những vấn đề này có thể đè nặng lên tăng trưởng.
Dù sao, ông Mokyr cũng là người có cái nhìn lạc quan. Đối với mỗi tác dụng phụ không lường được mà một cải tiến gây ra, sẽ có một cải tiến khác tìm ra câu trả lời, như việc các kỹ sư đã tìm được nhiên liệu thay thế cho xăng pha chì. Hãy hy vọng rằng các vấn đề như tấn công mạng (xảy ra nhiều hơn trong thời gian gần đây) và trái đất nóng lên… cũng sẽ sớm tìm được câu trả lời!
Thế Sơn