Câu chuyệnKinh doanh

Hoạch định nguồn lực cho doanh nghiệp thép

Nhiều doanh nghiệp (DN) thép gần đây đã đầu tư cho các giải pháp hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) để quản trị tổng thể các hoạt động sản xuất, kinh doanh kịp thời và hiệu quả hơn.

 

Hoạch định nguồn lực cho doanh nghiệp thép

Đội ngũ CITEK và Hòa Phát Dung Quất trong dự án triển khai ERP. Ảnh: Tuyết Ân

Điều này được xem là áp lực trong xu hướng ứng dụng hiệu quả công nghệ mới để đề kháng với những thách thức cạnh tranh trong các mô hình sản xuất của Việt Nam.

Cuối tuần rồi, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất – thành viên của Tập đoàn Hòa Phát công bố chính thức ký hợp đồng và khởi động dự án quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp SAP S/4HANA. Theo đó, Công ty CP Công nghệ CITEK là đối tác triển khai giải pháp ERP thế hệ mới của Hãng SAP (Đức).

Hòa Phát Dung Quất là một trong số những DN Việt Nam gần đây triển khai và vận hành thành công giải pháp ERP để hoạch định nguồn lực DN. Trước đó, các DN thép như Gang thép Nghi Sơn, thép Việt Mỹ, An Hưng Tường, Thép Đà Nẵng, Tuệ Minh, SMC… đã đưa vào vận hành thành công giải pháp ERP do CITEK tư vấn triển khai.

Theo ông Nguyễn Công Tẩn – Tổng giám đốc CITEK, dự án SAP S/4HANA cho Hòa Phát Dung Quất là một trong những dự án có quy mô lớn của CITEK. “Điều này là động lực giúp chúng tôi khẳng định thêm vị thế dẫn đầu về triển khai các giải pháp SAP chuyên ngành thép tại Việt Nam”, ông Tẩn nói.

Tham vọng top 50

Giải pháp S/4HANA nhằm giúp Hòa Phát Dung Quất vận hành và truy xuất dữ liệu theo thời gian thực, hỗ trợ hoạch định và quản trị sản xuất, kinh doanh.

Dự kiến các phần hành về quản trị mua hàng, quản trị kho và barcode, quản trị bán hàng, sản xuất, quản trị chất lượng, bảo trì, bảo dưỡng, kế toán tài chính, kế toán quản trị, tích hợp cân điện tử và thiết bị sản xuất sẽ hoàn tất trong 10 tháng. Theo đó, Công ty sẽ sở hữu hệ thống quản trị theo chuẩn quốc tế, sẵn sàng các chỉ số đo về hiệu quả kinh doanh để đưa ra các quyết sách kịp thời nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Nhà máy Hòa Phát Dung Quất có công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm, ứng dụng công nghệ lò cao khép kín tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường. Khu liên hợp này cũng bao gồm hệ thống cảng biển nước sâu cho phép tàu trên 100.000 tấn cập bến, dễ dàng vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm đến và đi các thị trường trong và ngoài nước.

Đặc biệt đây là dự án chiến lược của Tập đoàn Hòa Phát, khi đi vào hoạt động sẽ đảm bảo vị thế nhà sản xuất thép hàng đầu Đông Nam Á và đưa Tập đoàn Hòa Phát vào top 50 DN thép lớn nhất thế giới.

Quy mô và công nghệ cho khu liên hợp này là một thách thức lớn cho nhà triển khai ERP, sau khi triển khai thành công sẽ mở rộng cho các công ty khác trong tập đoàn đa ngành như Hòa Phát. Theo ông Mai Văn Hà – Tổng giám đốc Thép Hòa Phát Dung Quất, cách nay 6 năm họ đã bắt đầu tìm hiểu ERP, từ 2017 bắt đầu làm việc với nhiều đối tác và nhà cung cấp giải pháp. Lựa chọn SAP S/4HANA và khởi đầu triển khai cho Hòa Phát Dung Quất bởi đây là dự án lớn nhất khu vực, khi triển khai thành công sẽ dễ dàng mở rộng trong toàn Tập đoàn.

Cũng theo ông Hà, ERP là giai đoạn đầu chuyển đổi số trên nền tảng SAP S/4HANA phục vụ cho quản trị, tham vọng lớn hơn là sau khi thành công sẽ triển khai những phần hành nâng cao của SAP và các giải pháp tích hợp với hệ thống điều hành sản xuất – MES.

“Chúng tôi chọn CITEK làm đối tác bởi họ là DN có năng lực và kinh nghiệm triển khai giải pháp SAP thành công cho nhiều DN ngành thép. Đội ngũ chuyên nghiệp của CITEK đã đưa ra giải pháp thuyết phục đáp ứng được yêu cầu của các bộ phận, phòng ban của Công ty”, ông Hà cho biết.

Giải quyết thách thức ngành công nghiệp

Ông Tẩn chia sẻ thêm, về công nghệ, SAP S/4HANA được thiết kế để khai thác tối đa các ứng dụng và giao diện sẵn có cung cấp các trải nghiệm tương tác tốt với người dùng trong tương lai. Công nghệ mới và ứng dụng ERP mới trên nền tảng HANA sẽ hỗ trợ người dùng thực hiện những tính năng giao dịch thiết yếu trên bất kỳ thiết bị di động nào cũng như các ứng dụng sẵn có của SAP để theo dõi và phân tích báo cáo theo thời gian thực.

SAP cũng tích hợp sẵn bộ giải pháp chuyên ngành SAP Mill Industry với nhiều kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới cho từng lĩnh vực như thép, vật liệu xây dựng, nội thất… để đáp ứng toàn bộ nhu cầu của các DN ngành thép như Hòa Phát Dung Quất ở hiện tại và mở rộng trong tương lai.

Có thể thấy nhiều lợi ích khi ứng dụng giải pháp SAP cho ngành thép như dễ dàng kiểm soát các sản phẩm phức tạp và từng đơn vị nguyên vật liệu theo các đặc tính kỹ thuật, theo quy trình và theo chất lượng trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Theo dõi và quản lý chất lượng sản phẩm, chứng nhận chất lượng cho bán thành phẩm, thành phẩm các cấp, tối ưu nguồn lực và hiệu suất sử dụng nguyên liệu đầu vào, kiểm soát tồn kho… Hệ thống cũng giúp DN ứng phó với các tình huống, sự cố ngoài kế hoạch, sử dụng hiệu quả công cụ sản xuất để giảm giá thành và tăng năng lực cạnh tranh.

Thách thức với các DN thép là đối mặt với sự biến động nhu cầu thép trong ngành bất động sản (chiếm 38% tổng nhu cầu), xây dựng hạ tầng, chế tạo máy móc, xe cộ, thiết bị vận chuyển…

Cùng với đó là những biến động từ thị trường, đòi hỏi chính sách giá bán linh hoạt, phức tạp hoặc dựa vào cấu hình sản phẩm, vì vậy các áp lực tích hợp quy trình, cải tiến theo hướng phối hợp đa nhà máy, đa dây chuyền, đa vị trí – quốc gia là một xu thế, song song đó là tiết giảm carbon và tiết kiệm năng lượng để bảo vệ môi trường, đồng thời giảm chi phí.

“Tiêu chuẩn hóa toàn DN và tích hợp liền mạch các quy trình cốt lõi theo dữ liệu thời gian thực, minh bạch; hạn chế hàng tồn kho và sản xuất, giảm chi phí và rút ngắn thời gian ra thị trường, đồng thời cải thiện quản lý chuỗi cung ứng và kênh phân phối là những yếu tố quan trọng các DN thép hướng đến trong triển khai ERP”, ông Tẩn chia sẻ thêm.
Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn (NSIP) cách nay vài tháng cũng đã vận hành thành công giải pháp ERP – SAP S/4HANA để quản trị hệ thống với 9 bến cảng, có khả năng tiếp nhận cỡ tàu 30.000 – 100.000 tấn.

Theo ông Đinh Xuân Đức – Phó tổng giám đốc Công ty CP Gang Thép Nghi Sơn (NIS), đơn vị quản lý cảng này, thách thức lớn nhất của DN là quản lý và điều phối tối ưu các nguồn lực để khai thác tối đa công suất, đảm bảo chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh. Việc ứng dụng ERP nhằm tối ưu hóa các nguồn lực mở rộng, nâng cao tính chuyên nghiệp và thỏa mãn các yêu cầu của đối tác, nhà cung cấp và khách hàng.

Ông Đức cho biết hệ thống SAP ERP giúp NSIP vận hành toàn bộ DN bằng quy trình nghiệp vụ theo chuẩn quốc tế đã được đúc kết từ việc áp dụng thành công của rất nhiều DN lớn trên thế giới. “Đó là lý do ngay từ đầu chúng tôi đã xem xét lựa chọn ERP với gói giải pháp Mill Product phiên bản tiên tiến nhất hiện nay trong nỗ lực đưa NSIP lên một tầm cao mới về điều hành và quản trị DN”.

TUYẾT ÂN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close