Thế giớiThời sự

Số phận Silicon Valley dưới triều đại Donald Trump

Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, gần như tất cả lãnh đạo Silicon Valley đều quay lưng với ông Donald Trump. Giờ là lúc họ phải đối mặt với thực tế mới.

Dưới triều đại Obama, Washington luôn tỏ ra thân thiện với Silicon Valley. Cả hai đều hài lòng với mối quan hệ bền chặt và gần như không có bất đồng lớn nào.

Các công ty công nghệ Mỹ từng chi hàng triệu USD để vận động hành lang quốc hội, trong khi các cựu chiến lược gia chính trị thường tới Silicon Valley làm việc sau khi rời Nhà Trắng.

Ngay cả Obama khi rời Nhà Trắng vẫn sẽ liên quan tới giới công nghệ bởi phần lớn quỹ từ thiện khi ông còn làm tổng thống đều gắn kết với tiến trình đổi mới tại Silicon Valley.

Tuy nhiên, dưới thời Donald Trump, mọi thứ có thể sẽ rất khác.

Cho tới nay, tổng thống mới đắc cử của Mỹ chưa đưa ra bất cứ cam kết hỗ trợ nào cho Silicon Valley. Tất cả kế hoạch và chính sách hỗ trợ, nếu có, vẫn chưa rõ ràng.

Trong cuộc vận động tranh cử vừa qua, ông Trump không thể giải đáp các vấn đề liên quan tới số phận ngành công nghiệp công nghệ nước này. Các chính sách của ông được cho sẽ khiến Silicon Valley gặp nhiều khó khăn.

Trừng phạt các công ty thuê ngoài

Hồi đầu năm vừa rồi khi phát biểu tại Đại học Liberty, ông Trump từng nói rằng sẽ bắt Apple chế tạo máy tính và các sản phẩm của hãng này ngay tại Mỹ thay vì thuê ngoài ở các quốc gia khác.

Điều đó có nghĩa, dưới thời ông Trump, nếu các công ty công nghệ Mỹ vẫn tiếp tục thuê ngoài như trước đây, họ sẽ bị đánh thuế rất nặng bằng các hàng rào thuế quan khi nhập khẩu ngược về Mỹ.

So phan Silicon Valley duoi trieu dai Donald Trump - Anh 1
Ông Trump từng kêu gọi tẩy chay Apple.

Vấn đề ở chỗ, Apple chỉ là trường hợp cá biệt. Nếu chính sách này áp dụng rộng ra, hay nói cách khác trở thành luật, khả năng cạnh tranh của các công ty công nghệ Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Lấy ví dụ trường hợp Apple, nếu iPhone hoặc máy Mac sản xuất tại Mỹ, giá thành sẽ bị đẩy lên rất cao nên rất khó cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài như Samsung.

Với biên lợi nhuận ngày càng thu hẹp, Apple sẽ phải nhìn vào những chỗ khác để cắt giảm chi phí – chẳng hạn thu hẹp hoạt động mảng doanh nghiệp, hoặc đóng bớt các cửa hàng bán lẻ.

Những mảng việc trên hiện đang giao cho hàng nghìn nhân viên người Mỹ. Đóng cửa các bộ phận này đồng nghĩa với số nhân viên này sẽ thất nghiệp. Như vậy, mục đích kiếm công ăn việc làm cho người dân Mỹ của ông Trump sẽ phản tác dụng.

Hạn chế nhập cư

Rất nhiều vị trí công việc tại Silicon Valley đang do lao động nhập cư phụ trách. Theo Tổ chức Quốc gia Chính sách Mỹ (NFAP), hơn một nửa các startup công nghệ của Mỹ có giá trị 1 tỷ USD hoặc hơn đều có ít nhất một sáng lập là dân nhập cư.

So phan Silicon Valley duoi trieu dai Donald Trump - Anh 2
Ngay cả CEO của Google, Sundar Pichai, cũng là dân nhập cư.

Ngay cả các công ty công nghệ lâu đời như Microsoft cũng không phải ngoại lệ. CEO Microsoft, Satya Nadella và CEO Google, Sundar Pichai, đều là người nhập cư.

Trong khi đó, khi vận động tranh cử, ông Trump từng tuyên bố sẽ siết chặt vấn đề nhập cư. Hạn chế này có thể áp dụng cho cả chương trình visa H-1B, vốn dành cho công nhân nước ngoài tay nghề cao mà ngành công nghiệp công nghệ Mỹ đang phải phụ thuộc.

Trong ngắn hạn, có thể Silicon Valley không thấy thiếu hụt nhân lực ngay bởi lượng cung-cầu không quá chênh lệch. Tuy nhiên, ông Trump đã nhiều lần có ý kiến trái chiều về chương trình visa làm việc này nên không rõ quan điểm thực sự như thế nào.

Các mô hình doanh nghiệp như Uber sẽ gặp khó

Silicon Valley là cái nôi sinh ra nhiều mô hình doanh nghiệp phi truyền thống. Chẳng hạn Uber rất khác so với ngành công nghiệp taxi, hay Airbnb khác với ngành khách sạn truyền thống.

Giờ đây, một loại hình kinh tế theo nhu cầu mới đã xuất hiện, tập trung toàn bộ nhân lực chỉ trong một ứng dụng trên máy tính hoặc thiết bị di động.

So phan Silicon Valley duoi trieu dai Donald Trump - Anh 3
Những mô hình doanh nghiệp như Uber sẽ gặp khó sẽ thời Donald Trump.

Dưới thời Donald Trump, không rõ loại hình công việc linh hoạt này có tiếp tục tồn tại hay không. Ông Trump từng nói sẽ xem xét lại đạo luật chăm sóc y tế ACA (còn gọi là ObamaCare), mà bản thân nó sẽ tác động tới lựa chọn công việc của từng cá nhân.

ACA là chương trình chăm sóc y tế hợp túi tiền, một dạng bảo hiểm bắt buộc dành cho người có thu nhập thấp. Kể cả các công ty nhỏ cũng phải mua bảo hiểm cho nhân viên của mình.

Nếu ACA bị hủy bỏ, nhân viên bán thời gian sẽ không nhận được các khoản bồi thường hoặc tiền bảo hiểm y tế từ công ty mà họ làm việc, chẳng hạn Uber. Do vậy, xu thế chung sẽ là tìm kiếm công việc toàn thời gian có quyền lợi y tế đầy đủ, và điều này sẽ khiến những công ty có mô hình như Uber gặp khó khăn.

R&D, trí tuệ nhân tạo và robot

Đây là những mảng rất mạnh của Silicon Valley nhưng ông Trump chưa cho thấy bất cứ dấu hiệu nào ưu tiên các ngành nghề này.

Ngay cả vị trí người đứng đầu Tổ chức Khoa học Quốc gia và Viện Y tế Quốc gia cũng chưa được ông Trump chỉ định.

Rất có thể ông Trump sẽ để các mảng này tự do phát triển bởi thực tế số nhân công mất việc làm do bị robot hoặc trí tuệ nhân tạo thay thế vẫn chưa đến nỗi nào.

Đa dạng hóa

Ngay sau khi ông Trump đắc cử, đích thân CEO Apple, Tim Cook, đã ra ‘tâm thư’ kêu gọi toàn bộ nhân viên đồng lòng, và rằng Apple sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách đa dạng hóa của công ty.

So phan Silicon Valley duoi trieu dai Donald Trump - Anh 4
Tim Cook phải đứng ra kêu gọi toàn nhân viên Apple đồng lòng sau khi Donald Trump đắc cử.

Tại Silicon Valley, chính sách đa dạng hóa không chỉ được mỗi Apple áp dụng. Hầu hết các công ty công nghệ lớn đều có chính sách này. Ngay cả đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao cũng xuất phát từ nhiều quốc tịch khác nhau.

Với chính sách hạn chế nhập cư và những quan điểm không mấy tích cực về cộng đồng thiểu số, rất có thể dưới triều đại Donald Trump, việc đa dạng hóa công ty sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo Zing news

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close