Kinh doanh quốc tếThế giới
IMF hạ dự báo tăng trưởng Mỹ, Anh
Khả năng giảm nới lỏng tài khóa và kết quả quý I chậm lại khiến hai nền kinh tế lớn bị hạ triển vọng tăng trưởng năm nay.
Trong báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo toàn cầu tăng trưởng 3,5% năm nay và 3,6% năm tới. Tốc độ này không thay đổi so với báo cáo tháng 4.
Tuy nhiên, dự báo với Anh và Mỹ lại bị hạ. GDP Mỹ có thể chỉ tăng 2,1% năm nay và năm tới, do hoạt động quý I chậm lại và khả năng chính sách tài khóa kém nới lỏng hơn trước đây. Tương tự, triển vọng tăng trưởng của Anh năm nay là 1,7%, năm tới là 1,5%.
Mức giảm này sẽ được bù đắp bằng tốc độ tại khu vực đồng euro. Các nước Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đều có kết quả quý I vượt dự báo. Eurozone có thể tăng trưởng 1,9% năm nay.
Các container tại một cảng biển ở California (Mỹ). Ảnh: Reuters |
Tại châu Á, IMF nâng dự báo cho Trung Quốc lên 6,7%, nhờ kết quả quý I khả quan. Năm 2018, con số này cũng được điều chỉnh tăng, do giới chức Trung Quốc được kỳ vọng duy trì đầu tư công ở mức cao, để đạt mục tiêu năm 2020, tăng trưởng GDP thực sẽ gấp đôi 2010.
Nhóm 5 nước Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam cũng được đánh giá lạc quan, nhờ thương mại toàn cầu tăng và nhu cầu nội địa được cải thiện. GDP nhóm nước này năm nay và năm tới được dự báo tăng 5,1% và 5,2%.
Trong ngắn hạn, IMF nhận định các rủi ro toàn cầu “nhìn chung sẽ được cân bằng”. Tuy nhiên, trong trung hạn, các rủi ro sẽ “nghiêng về hướng giảm”.
“Khả năng thắt chặt chính sách, hoặc các cú sốc khác có thể châm ngòi cho một đợt điều chỉnh tại các thị trường lớn, đặc biệt với cổ phiếu, đồng thời làm tăng tính biến động”, IMF dự báo, “Việc này có thể làm giảm chi tiêu và niềm tin nhà đầu tư, đặc biệt tại các nước dễ tổn thương về tài chính”.
Cơ quan này cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên giảm rủi ro trung hạn bằng cách thúc đẩy hợp tác, tăng thương mại tự do toàn cầu. “Một thế giới mở, hoạt động dựa trên các nguyên tắc là đặc biệt cần thiết đối với thịnh vượng toàn cầu. Tuy nhiên, nó phải được hỗ trợ bởi hệ thống chính sách trong nước ủng hộ các thay đổi về thương mại và công nghệ”, IMF cho biết.
Hà Thu (theo IMF)