Kinh doanh quốc tếThế giới
Không đầu tư, châu Á sẽ có thể không bao giờ giàu lên được
Những con số đẹp đẽ của hiện tại đang che giấu đi một sự thật rằng kinh tế châu Á đang tăng trưởng thấp hơn thời kỳ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Ảnh: Global Times
Thời điểm hiện tại, lẽ ra toàn châu Á phải vui mừng. Kinh tế thế giới đang có khoảng thời gian tăng trưởng dài nhất trong một thập kỷ. Các dự báo mới đây cho thấy tăng trưởng kinh tế của nhóm nước đang phát triển lên mạnh.
Thế nhưng ngay cả nếu không xét đến biến động bất thường của thị trường chứng khoán thế giới trong tuần này, vẫn còn quá nhiều vấn đề cần lo lắng về triển vọng kinh tế của châu Á.
Theo báo Nikkei, tất cả những con số đẹp đẽ của hiện tại đang che giấu đi một sự thật rằng kinh tế châu Á đang tăng trưởng thấp hơn thời kỳ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Hơn thế nữa, nhiều những thay đổi cấu trúc, đặc biệt việc công nghệ đang định hình lại ngành sản xuất toàn cầu, đang khiến mô hình tăng trưởng châu Á bị đe dọa nghiêm trọng.
Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng hiện tại không phải lúc phù hợp để lo lắng về nhóm nước thu nhập trung bình thấp, nhóm nước có thu nhập bình quân đầu người từ 1.000USD đến 4.000USD/năm.
Trong nhóm này có rất nhiều nước tại châu Á, từ Ấn Độ cho đến Việt Nam. Theo các lý thuyết kinh tế, nhóm trên sẽ có tiềm năng tăng trưởng cao và có thể bắt kịp với nhóm các nền kinh tế phát triển.
Thực tế đang diễn ra như thế nào? Theo dự báo mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Ấn Độ trong năm nay sẽ vượt Trung Quốc để trở thành nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Kinh tế Philippines và Myanmar nhiều khả năng tăng trưởng được lần lượt 7% và 6%. Còn đối với Indonesia, các số liệu công bố trong tuần này cho thấy tăng trưởng kinh tế Indonesia trong quý 4/2017 đạt trên 5%, cao nhất tính từ năm 2015.
Trong thập kỷ tới, WB dự báo nhóm nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng 4,3%/năm. Tốc độ tăng trưởng này có thể ấn tượng thế nhưng nó vẫn thấp hơn đến 1% so với tốc độ tăng trưởng trung bình của chính nhóm này trước năm 2008.
Như vậy có thể thấy tiềm năng tăng trưởng kinh tế của nhóm nền kinh tế mới nổi châu Á đã giảm mạnh trong hai thập kỷ qua. Và thậm chí, tình hình này sẽ còn tồi tệ hơn khi mà năng suất lao động giảm, các yếu tố nhân khẩu học thay đổi theo hướng xấu đi, dân số châu Á già nhanh hơn.
Không chỉ các yếu tố trên, còn nhiều rủi ro khác sẽ đè nặng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế của nhóm nước trung bình thấp. Có hai yếu tố nổi bật nhất bao gồm: bảo hộ tăng cao và cấu trúc ngành sản xuất thay đổi.
Hoạt động tự động hóa và sử dụng robot công nghiệp đang khiến các nước châu Á mất dần lợi thế nhân công rẻ. Nhiều công ty toàn cầu sẽ có thể lại quay trở lại sản xuất ở chính nước họ. Hơn nữa, cùng lúc có quá nhiều nước mới nổi đang cạnh tranh nhau để trở thành điểm đến sản xuất cho các nước giàu, chính vì vậy, mỗi nước trong số đó sẽ chỉ giành được một “miếng bánh” nhỏ trong thị phần ngành sản xuất thế giới.
Trong tương lai, ngay cả những hoạt động sản xuất các mặt hàng cơ bản như đồ chơi hay hàng điện tử cũng sẽ được kết nối với mạng Internet, trong khi đó hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ có sự kết nối với nhiều dịch vụ phức tạp, ví như dịch vụ sau bán hàng. Trong nhiều ngành chủ chốt, trình độ công nghệ sẽ tăng lên cao chóng mặt.
Với tất cả những yếu tố trên, sẽ rất khó để một doanh nhân Campuchia hay Myanmar, ví dụ như vậy, sẽ có thể mở được xưởng sản xuất hàng hóa với trình độ sản xuất phù hợp với chuẩn chung của toàn cầu.
Chính phủ nhiều nước châu Á, vì vậy phải nhanh chóng đầu tư công nghệ, giảm mạnh tham nhũng, tạo điều kiện tối đa nhất để đầu tư nước ngoài được thuận lợi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, và sẽ chẳng bao giờ giàu lên được.
TRUNG MẾN