Kinh doanh quốc tếThế giới

Người già có thể là “mỏ vàng” cho kinh tế châu Á như thế nào?

Trong ba thập kỷ qua, nguồn cung lao động trẻ, lành nghề tăng không ngừng đã mang lại thành công trong quá trình bắt kịp tăng trưởng kinh tế của châu Á, lợi thế này đang dần biến mất.

Người già có thể là “mỏ vàng” cho kinh tế châu Á như thế nào?

Ảnh: Reuters

Dân số già nhanh tiềm ẩn những mối đe dọa nghiêm trọng đến triển vọng tăng trưởng dài hạn của kinh tế châu Á. Thế nhưng nếu đưa ra chính sách đúng đắn, các nền kinh tế châu Á có thể giảm tối đa rủi ro từ xu thế nhân khẩu học này và đồng thời tận dụng được nhiều lợi thế tốt nhất để có thể nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng ổn định và năng động hơn bao giờ hết.

Người châu Á đang thực sự già đi: Đến năm 2040, 16% dân số châu Á sẽ trên 65 tuổi, tỷ lệ người già như vậy cao gấp đôi so với con số 7,8% vào năm 2015. Dù tuổi thọ tăng cao có thể được coi như dấu hiệu phát triển tích cực, sự thay đổi về nhân khẩu học này tiềm ẩn rủi ro cao với phần lớn các nền kinh tế vốn đã mất dần đi sức sống.

Trong ba thập kỷ qua, nguồn cung lao động trẻ, lành nghề tăng không ngừng đã mang lại thành công trong quá trình bắt kịp tăng trưởng kinh tế của châu Á. Thế nhưng khi mà quá trình đó còn chưa hoàn tất, nhiều nước thu nhập trung bình ví như Trung Quốc hay Việt Nam đang đương đầu với vấn đề dân số già nhanh chóng.

Tại Hàn Quốc, tỷ lệ dân số thuộc độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) sẽ giảm khoảng 10% trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2030.

Trong bối cảnh này, cách duy nhất để duy trì nguồn cung lao động (ngoài việc tăng nhập cư) chính là giữ người lao động làm việc quá tuổi nghỉ hưu thông thường. Điều may mắn là ngày một nhiều người già ở châu Á đang tiếp tục làm việc.

Theo tính toán của OECD, tỷ lệ người Hàn Quốc trong độ tuổi 65-69 vẫn tiếp tục làm việc ở thời điểm năm 2016 lên đến 45%, còn đối với nhóm từ 70-74 tuổi, tỷ lệ này ở mức 33%.

Thế nhưng cũng thật không may khi mà phần lớn người lao động già ở châu Á chỉ làm những công việc được trả lương thấp. Và tại Hàn Quốc, khi mà tỷ lệ người trẻ thất nghiệp ngày một tăng, sẽ có thêm nhiều người việc phải được dành cho người trẻ, chính vì vậy mục tiêu thu hút thêm người già vào lực lượng lao động sẽ khó đạt được.

Rõ ràng rằng người lao động trẻ thường có khả năng lao động tốt hơn so với người già. Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy, người lao động ở nhiều nơi trên thế giới thường làm việc tốt nhất trong độ tuổi từ 30 đến 45. Việc có thêm người già trong lực lượng lao động khiến cho năng suất làm việc nói chung tại Mỹ và nhiều nước khác giảm.

Cũng không khó lý giải điều này, trong khi những người lao động già có kỹ năng làm việc tốt, ví như kỹ năng giao tiếp hay giải quyết vấn đề nhờ bề dầy kinh nghiệm mà họ có được, khả năng thể chất và nhận thức của họ giảm sút. Cùng với việc thiếu hụt trình độ kỹ thuật ví như kỹ năng ICT, họ khó thích nghi với công nghệ đang thay đổi nhanh chóng vốn đang giữ vị trí huyết mạch trong nhiều nền kinh tế hiện nay.

Trong bối cảnh này, sẽ thực sự cần thiết cần phải đảm bảo rằng có đủ công việc làm cho tất cả đối tượng người lao động, kể cả trẻ hay già, ngoài ra cũng cần tăng được năng suất lao động của những người già – công nghệ mới có thể giúp hiện thực hóa mục tiêu này. Cụ thể, những tiến bộ trong khoa học y tế và công nghệ sinh học đang giúp hạn chế bớt yếu điểm về thể chất và nhận thức của người lao động.

Cùng lúc đó, công nghệ kiểu như robot đang thay thế bớt lao động tay chân, nhu cầu cần lao động thể chất trong công việc giảm bớt. Tiềm năng áp dụng của những công nghệ này đặc biệt nổi bật ở Đức, Nhật và Hàn Quốc nơi lực lượng lao động đang già đi nhanh chóng, hoạt động tự động hóa mở rộng nhanh chóng.

Thế nhưng nếu muốn để người già nắm những vị trí công việc quan trọng trong nền kinh tế, họ cần phải được tiếp cận với những chương trình học tập suốt đời giúp họ có khả năng nâng cấp kỹ năng không ngừng khi công nghệ thay đổi.

Các chương trình đào tạo đó có thể được đưa ra thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó phải kể đến các công ty tư nhân hay nghiệp đoàn, với sự hỗ trợ của chính phủ. Và không chỉ người già cần học tập thêm, người trẻ cũng cần phải luôn sẵn sàng với sự thay đổi trên thị trường lao động.

Không còn nghi ngờ gì nữa, dân số già đe dọa nhiều đến triển vọng kinh tế dài hạn của châu Á. Thế nhưng nó cũng mang đến cơ hội quan trọng để mở rộng lực lượng lao động và tối ưu hóa kỹ năng làm việc của những người lao động già. Với chính sách phù hợp, các nước châu Á sẽ giảm thiểu được rủi ro dân số già đồng thời giúp cho nền kinh tế có năng suất lao động cao hơn, vững vàng và năng động hơn.

NGỌC DIỆP

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close