Bất động sảnThị trường
Kiều hối vào bất động sản chững lại, khơi thông cách nào?
Tuy nhiên, dòng tiền này vào bất động sản đang có xu hướng chậm lại, thậm chí có thể bị rút ra để chuyển hướng sang các kênh khác nếu không có các giải pháp khơi thông.
Kiều hối vào bất động sản đã chậm lại
Tại Hội thảo “Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam” do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) và Trường đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức cuối tuần trước, nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, từ năm 1991 – 2015, tổng lượng kiều hối đạt gần 105 tỷ USD. Đây là một nguồn tiền thực sự đáng kể nếu so với luồng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và ODA. Năm 2015, lượng kiều hối đổ về Việt Nam khoảng 12,5 tỷ USD, trong đó tại TP. HCM đạt khoảng 5,5 tỷ USD, chiếm khoảng 45% tổng kiều hối của cả nước. Trong lượng kiều hối về Việt Nam năm 2015, tỷ lệ chảy vào bất động sản khoảng 20,7%.
Một nghiên cứu của CIEM trong năm 2015 cho biết, kiều hối vào bất động sản trước năm 2014 chiếm khoảng 17,3%. Như vậy, tính chung, nếu mỗi năm cả nước có khoảng 12 tỷ USD kiều hối và bình quân 20% lượng kiều hối đổ vào bất động sản, thì chỉ riêng dòng vốn này, thị trường bất động sản đã hấp thụ khoảng 2,4 tỷ USD. Đây thực sự là một luồng tiền đáng kể cho thị trường bất động sản Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2013, khi nền kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản không được tiếp cận nguồn vốn tín dụng, luồng tiền kiều hối đã góp phần quan trọng cho việc duy trì đà hồi phục của thị trường này.
Tuy nhiên, từ năm 2016, dòng kiều hối có xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực khác. Tại TP. HCM, tính đến hết tháng 7/2016, lượng kiều hối ước đạt khoảng 2,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM, 3/4 lượng kiều hối chảy vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, tỷ trọng kiều hối chảy vào thị trường bất động sản giảm nhẹ.
“Xét trên bình diện luồng tiền vào bất động sản, trong thời gian tới, kiều hối vẫn là dòng tiền lớn, hỗ trợ tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, xu hướng tăng lên của dòng kiều hối cho thị trường (cả về lượng và tỷ trọng so với tổng kiều hối) có xu hướng chậm lại”, ông Chung dự báo.
Nguyên nhân, theo ông Chung là do lượng kiều hối về nước có xu hướng tăng, nhưng không đáng kể. Tốc độ tăng giá trị kiều hối từ năm 2012 có xu hướng chững lại, năm 2015 chỉ tăng có 2%. Trong khi đó, từ cuối năm 2014 đến quý III/2016, cùng với những mở rộng của chính sách (Luật Nhà ở mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam; Thông tư 06/2016 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 36/2014 chọn phương án dung hòa, không siết chặt tín dụng đối với thị trường bất động sản; gói 30.000 tỷ tiếp tục được giải ngân…), một lượng tiền lớn đã chảy vào thị trường.
Ngoài ra, có dấu hiệu cho thấy, dòng kiều hối có xu hướng chuyển ra khỏi thị trường bất động sản vào khu vực sản xuất – kinh doanh, hay chảy vào các thị trường khác hấp dẫn hơn như TTCK khi VN-Index đã vượt mốc 650 điểm tiệm cận đến 700. Nói xa hơn, nếu thị trường bất động sản không có những hấp lực mới, luồng tiền sẽ vào thị trường này sẽ ít đi.
Một nguyên nhân nữa, theo ông Chung, nguồn vốn đầu tư công và đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước cũng dần tiến đến ổn định, không tăng lớn. Cùng với sự ra đời của Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 về quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, theo hướng thoái vốn, không đầu tư ngoài ngành (trong đó có bất động sản) của các doanh nghiệp nhà nước. Luồng tiền từ Nhà nước thông qua các doanh nghiệp nhà nước vào bất động sản vì thế, không những không tăng, mà còn giảm.
Bên cạnh đó, nguồn tín dụng cho thị trường bất động sản từ hệ thống ngân hàng thương mại dù vẫn tăng, nhưng triển vọng không lớn. Cụ thể, tính đến hết quý II/2016, dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 416.000 tỷ đồng, tăng 5,76% so với đầu năm 2016 (cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2015). Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của thị trường.
“Cùng với quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đang đi vào chiều sâu, việc mở rộng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại đối với thị trường bất động sản có thể thấy đã đạt đến ngưỡng. Các ngân hàng thương mại không có nhiều dư địa để mở rộng tín dụng. Rất nhiều ngân hàng đã và đang rút dần khỏi các đầu tư đối với bất động sản, nhiều khoản vay của các ngân hàng bị đưa vào đối tượng xử lý đã và đang còn ảnh hưởng đến khả năng mở rộng tín dụng của hệ thống đối với thị trường bất động sản”, PGS. TS. Chung cho biết.
Giải pháp nào cho thị trường?
TS. Trần Thị Mai Hương, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần tiếp tục thực hiện chính sách kiều hồi hiện hành, duy trì những ưu đãi cho người nhận kiều hối như nhận ngoại tệ, phí thấp và tạo niềm tin để khuyến khích dòng kiều hối về nước. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ một số vướng mắc của Luật Nhà ở 2014 để thúc đẩy hơn nữa người nước ngoài và Việt kiều mua nhà ở tại Việt Nam. Nhà nước cũng cần tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, xúc tiến tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu lao động. Đây thực sự là hướng đi để thu hút nguồn kiều hối cho nền kinh tế và cho thị trường bất động sản. Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin đầu tư cho các nhà đầu tư Việt kiều khi tìm hiểu đầu tư bất động sản. Các địa phương nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin chung, trong đó có danh mục các dự án đầu tư bất động sản kêu gọi đầu tư.
Còn TS. Ngô Tuấn Anh, Trường đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị, cần minh bạch hơn đối với thị trường bất động sản nhằm thu hút kiều hối vào phát triển thị trường này. Cần có chính sách ưu đãi đối với kiều hối, coi đây là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Chính phủ ngoài việc thu hút kiều hối vào thị trường bất động sản cũng phải có chính sách kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng bong bóng bất động sản khi kiều hối dồn nhiều vào thị trường này.
“Tính minh bạch kém của thị trường, thông tin về thị trường bất động sản không đầy đủ, thiếu minh bạch nên nhà đầu tư, cũng như người dân gặp khó khăn khi tiếp cận. Những hạn chế này đã gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung và mất đi lòng tin của người dân, nhà đầu tư và đây là vấn đề cần quyết tâm khắc phục”, TS. Tuấn Anh chia sẻ và cho biết thêm, các doanh nghiệp bất động sản cần nghiên cứu kỹ về nhu cầu của người nước ngoài, Việt kiều đối với các loại hình bất động sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Chẳng hạn, các Việt kiều thành đạt thường có xu hướng lựa chọn căn hộ cao cấp hoặc những khu nhà ở có khuôn viên an toàn…, đáp ứng tốt nhu cầu thì mới có thể thu hút nhiều hơn nữa lượng kiều hối vào thị trường bất động sản.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Trần Kim Chung cho biết thêm, kiều hối vào bất động sản Việt Nam tác động tích cực đến thị trường này, do đó trong giai đoạn 2016 – 2020, cần có sự nỗ lực đồng bộ của tất cả các bên để luồng kiều hối tiếp tục được khơi thông và vận hành vào nền kinh tế Việt Nam.
“Cần đảm bảo các điều kiện thuận lợi, ổn định ở tất cả các chiều khía cạnh kinh tế, cũng như quyết tâm thu hút kiều hối của các bên hữu quan, thì mong muốn mới được thực hiện”, ông Chung nhấn mạnh.
Báo Đầu tư Bất động sản