Câu chuyệnKinh doanh

Masan và chiến dịch bẩn giành thế “độc tôn”

Ngày 22/10, hạn chót phải báo cáo Thủ tướng về chất lượng nước mắm công nghiệp. Gần đây, khi chiến dịch tấn công nước mắm truyền thống nóng lên, email, điện thoại kêu cứu của các doanh nghiệp (năm 2016, có 30 doanh nghiệp nước mắm đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao) hàng ngày hàng giờ cứ gửi về kêu oan và đề nghị các cơ quan chức năng nhập cuộc.

Điều này khiến chúng ta nhớ lại “kiếp nạn” của nước tương 3-MCPD 10 năm trước, hàng loạt công ty nước tương nhỏ yếu đã phải đóng cửa, bỏ nghề trong bối cảnh một số siêu thị, đại lý đã trả hàng. Và nay, một cuộc chiến tương tự tiếp tục diễn ra, cuộc chiến “nước mắm”…

Khi đại gia bất lương bắt tay với một tờ báo thiếu đạo đức

Khi đại gia bắt tay với một tờ báo lớn

Cuộc tổng tiến công và hốt xác chớp nhoáng

Vasep và 5 hiệp hội nước mắm đã có kiến nghị Thủ tướng xử lý việc công bố tiêu chuẩn sai trái và chiến dịch truyền thông “bẩn” gây thiệt hại tức thì cho ngành nước mắm truyền thống.

Khỏi nhắc, chắc các bạn còn nhớ đề nghị của Masan. Vinastas nhận ngay trách nhiệm làm cuộc khảo sát công phu, tốn kém. Các chuyên gia chưng hửng.

Sao lại là arsen? Nước mắm thật, làm từ cá, càng nhiều cá thì càng nhiều asen, chứ nước mắm công nghiệp là nước mắm pha loãng tới bao nhiêu lần đâu ai biết được thì còn được bao nhiêu arsen, có khi còn tìm không ra nữa lấy đâu mà đo. Mà arsen có trong cá hầu hết là arsen hữu cơ, tự nhiên, vô hại.

Tiêu chuẩn QCVN của Bộ Y tế có quy định arsen nhưng là arsen vô cơ, trong khi Hội tiêu chuẩn đi đo arsen tổng rồi lấy đó (hầu hết là arsen hữu cơ) mà kết luận là mức thạch tín vượt ngưỡng cho phép. Lập lờ đến mức lưu manh, họ muốn gì? Để “khủng bố” người tiêu dùng, đấy, bọn nước mắm truyền thống toàn thạch tín, liệu mà nộp mạng cho ung thư.

Thế là người tiêu dùng Việt Nam hoang mang, sợ hãi. Mà cũng khó bình tâm trước cả một chiến dịch bài bản, tốn kém: báo đăng đầy tin tức kiểm định hù dọa và khắp các chợ, làng trên xóm dưới, đầy những tờ rơi khủng bố độ thạch tín trong nước mắm, kèm đó là tờ copy trang quảng cáo trên báo về nước mắm an toàn, không thạch tín. Ai không sợ, khi VTV phát cả phóng sự dài, khi báo đăng tin cảnh báo dồn dập và rồi, ai không mừng khi gặp “quới nhơn” nước mắm không – thạch – tín – an – toàn?

Cả làng nước mắm truyền thống ngơ ngác, nhốn nháo, chưa kịp trở tay thì xuất hiện loại nước mắm an toàn đó. Chỉ có người điểu khiển và thực hiện chiến dịch truyền thông lớn rất bản lĩnh và chuyên nghiệp này là biết hết, cả những điều bí ẩn chưa lộ ra mà mọi người khó tưởng tượng được.

Tấn công vào nỗi sợ hãi nước mắm Nam Ngư đang chiếm lĩnh thị phần Ảnh: NCĐT.

Tấn công vào nỗi sợ hãi nước mắm Nam Ngư đang chiếm lĩnh thị phần Ảnh: NCĐT.

Vậy là hàng chục triệu người tiêu dùng bị lừa và hàng chục vạn người sản xuất bị hãm hại ngon ơ. Tôi phải phục lăn cách chọn các loại hình truyền thông của êkip làm chiến dịch này. Xuất hiện vai trò facebook lần này, tình thế hơi khác hồi 3 – MCPD một chút. Tuy nhiên người dân nông thôn, dân lao động đô thị hay người giúp việc của các gia đình trung lưu đô thị, họ không vào facebook mà xem TV hay nghe người bán lẻ thôi. Và cứ gây ra nỗi sợ hãi thật đậm, cấp tập dùng các công cụ truyền thông phù hợp khác là chắc ăn. Sau đó, Hội đoàn, chính quyền có điều tra, xem xét, nói gì cũng khó đủ liều lượng rộng và sâu để thay đổi thị trường; cùng lắm đính chính và tốn thêm đống tiền nữa là xong. Kẻ yếu thế, phá sản cứ phá sản, người tiêu dùng hoang mang cứ hoang mang.

Hai hôm nay, ông Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông đã nói thẳng về chiến dịch truyền thông “bẩn”. Báo chí mạnh miệng hơn, có bảo đảm rồi. Nhưng có tờ báo lớn luôn nóng máu cạnh tranh lại lặng tăm, không một chữ.

Khi thấy tai họa ập đến với các nhà sản xuất nước mắm lương thiện, chuyên gia quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành gửi bài phân tích khẳng định rõ: kết quả kiểm định arsenic đang công bố là không đúng. Tôi thấy đăng trên báo Thế Giới Tiếp Thị như anh yêu cầu hay trên FB của tôi cũng hạn chế người đọc, nên gửi các báo lớn. Bài anh viết toàn là luận cứ khoa học, dễ hiểu, không phê phán ai, khi gửi tôi cố nói rõ nhu cầu để cứu ngành nước mắm truyền thống nhưng 2 tờ báo giấy và ba tờ báo mạng lớn nhất đều từ chối đăng với những lý do khác nhau.

Đặc biệt tờ Thanh Niên, lãnh đạo báo này “chịu khó” giải thích là họ đã đăng nhiều, giờ chờ kết quả kiểm định chính thức của cơ quan chức năng thì đăng. Vậy nhưng hôm sau, Thanh Niên lại đăng nguyên trang quảng cáo nước mắm an toàn không thạch tín, lộ diện mẻ lưới cuối cùng hốt xác nước mắm truyền thống. Chẳng có gì sai pháp luật trong trang quảng cáo này, chỉ có điều, trong tổng thể chiến dịch giết nước mắm truyền thống, ngẫm lại, cái quảng cáo này cho thấy nhà quảng cáo muốn giao cho nó vai trò … phát súng ân huệ!

Buồn cho vai trò Đại gia

Từ lâu, tôi luôn ngậm ngùi khi nghĩ về sự liên kết doanh nghiệp Việt và về vai trò đại gia trong nền kinh tế Việt Nam. Tranh thủ được diễn đàn nào (trong ban chấp hành VCCI, trong họp Hiệp hội Doanh nghiệp, họp với Ủy ban Thành phố…) tôi cũng kêu gọi liên kết và “minh họa” bằng cách mà chính phủ Thái đang làm thành công trong kiến tạo hệ sinh thái – tận dụng AEC của họ: chính phủ kết nối và giao nhiệm vụ qua những hợp đồng ký kết cụ thể cho các doanh nghiệp đại gia phải hỗ trợ cụ thể, hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và các làng nghề duy trì, phát triển sản xuất, phân phối trong nước và đặc biệt, xuất khẩu tốt ra 4 nước CLMV (than ôi, trong đó, Việt Nam được họ “chiếu cố” nhất) và họ không ký kết suông, hãy xem cách họ làm ở hệ thống Metro cùng hàng loạt hội chợ hàng Thái (năm 2016 có đến 15 hội chợ) khắp 3 miền Việt Nam.

nguyen-dang-quang-masan-1374487512251-1389197134055-crop1389197193500p

Chủ tịch Tập đoàn Masan – Nguyễn Đăng Quang

Chia sẻ với tôi, một số doanh nghiệp thân thiết của Masan cũng tìm cách thuyết phục người chủ tập đoàn này hãy liên kết, giúp đỡ doanh nghiệp nhỏ Việt Nam như cánh chim đầu đàn dìu dắt cả bầy chim cùng bay. Nhưng không có sự lay động nào. Hoàn toàn im lặng. Ngay sau đó là M&A với một đại gia bia, nước giải khát Thái Lan. Ừ, thì cũng được, kinh doanh là kinh doanh. Nhưng rồi lại đến cuộc “tổng tiến công” ngành nước mắm truyền thống Việt.

Thật lạnh người khi nhớ lại những ngày bi thảm xao xác thi nhau đóng cửa của các hãng nước tương nhỏ Việt Nam, cảm giác khi tôi cầm trên tay chai nước tương đẹp có bao bì mới ghi rõ: “nước tương công nghiệp-không có chất 3-MCPD” hay mẫu quảng cáo “thưởng 1 tỷ đồng cho ai tìm thấy 3-MCPD trong nước tương Chinsu”.

Lần này sẽ như thế nữa không? Gần 15 ngày rồi, đã đủ để kết sổ kết quả một chiến dịch tiến công hủy diệt trên thị trường chưa? Bộ Y tế, các cơ quan quản lý tiêu chuẩn ở đâu chưa xem xét trò kiểm định lừa quá ác, núp bóng tiêu chuẩn? Và cơ quan quản lý truyền thông đã đủ cứ liệu chưa để xem xét nạn quảng cáo lừa (thổi phồng những cái tốt không có và cường điệu những mối nguy cũng không có thật) cùng chuỗi hoạt động tung hứng (hậu quả thấy liền mà muốn chỉnh lại, cũng khó bề cứu chữa) nhằm hủy diệt cả một ngành kinh tế mà lẽ ra nên được trân trọng, hỗ trợ hết sức vì: có vai trò thiết yếu trong đời sống người dân, tận dụng lao động và nguyên liệu bản địa và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa ẩm thực dân tộc.

Đại gia thì giàu lên và nền kinh tế thì… nghèo đi. Thật ra, đại gia cũng có 5, 7 đường đại gia. Đầu tư cho nông nghiệp bền vững và dồn sức hỗ trợ, đồng hành, phát triển doanh nghiệp Việt, hỗ trợ đầu ra cho hàng Việt cũng là một cách quan niệm và hành động của đại gia.

Từ cách “tận dụng” vai trò tiêu chuẩn trong vụ này, ta thấy Việt Nam cần một hệ thống tiêu chuẩn mới cho các ngành hàng tiêu dùng của thời hội nhập mới. Chính các doanh nghiệp thấy rõ nhu cầu đó và đang cùng góp sức xây dựng những bộ tiêu chuẩn hội nhập này. Nhưng trước hết là vai trò chính phủ đứng ra xây dựng mối quan hệ hợp tác giúp nhau thực sự giữa các DN lớn với đông đảo DN nhỏ chiếm hơn 90% số doanh nghiệp trên cả nước hiện nay. Hợp tác thì còn khó, còn lâu, nhưng thời buổi này, chắc chắn phải ngăn chặn chuyện giết nhau để “độc bá võ lâm” thì may ra mới đủ sức canh tranh với doanh nghiệp các nước.

Dưới đây là một đoạn viết chân thành của một bạn trẻ, nữ chủ doanh nghiệp lớn cực kỳ hiền hậu, dễ thương là Vưu Lệ Quyên, phó Tổng Giám đốc Biti’s về… chiến tranh nước mắm, viết ngày 19/10: “Giờ nói sang chuyện nước mắm. Eo ôi, đúng là có những kiểu kinh doanh rùng mình, một tay che trời, bất chấp để làm giàu cho mình… Nước mắm thì hãy trả về cho em là nước mắm, từ cá, từ những gì tự nhiên nhất, ông cha em mấy ngàn năm cũng ăn thế, và đó là thế mạnh của đất nước em, bờ biển dài, rừng vàng biển bạc cơ mà. Hay tại Formosa nên cá chết hết rồi nên em buộc phải ăn cái thứ nước pha hoá chất hương liệu ?… Em có thể sống ảo nhưng em ăn thì phải ăn thật… Mà ăn thì phải “chất” chứ ko phải cái loại “nước chấm inspired nước mắm”!!?? và “cà phê phải là cà phê”!!??…nha nha… Thấy nó sai sai đâu đó. Ôi nhưng sao em lại “sân si” thế này? (chắc em phải nhập thất ngồi thiền luyện tâm sớm thôi, kiểu này thì Thầy nào dạy “vô ngã” cho nổi!)”.

Nguồn: Facebook Vu Kim Hanh

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close