Kinh doanh quốc tếThế giới

Nguy cơ vỡ nợ tại châu Á năm 2017

Những vụ vỡ nợ gần đây liên quan đến hàng hóa của các doanh nghiệp Singapore có thể là chỉ báo cho tình hình nợ nần tại khu vực này.

Dù giá hàng hóa đang tăng nhẹ, các chuyên gia về tái cấu trúc, như KPMG và Hogan Lovells Lee & Lee đều cho rằng sẽ có nhiều công ty hàng hóa và vận tải biển tại châu Á – Thái Bình Dương không thể trả nợ đúng hạn. Hãng luật DLA Piper cho biết nguy cơ tăng lãi suất trên toàn cầu và Tổng thống đắc cử Mỹ – Donald Trump thay đổi quan hệ thương mại với Trung Quốc sẽ khiến các công ty này gặp khó. Các công ty phi ngân hàng trong khu vực có 76,4 tỷ USD trái phiếu đáo hạn năm 2017, cao hơn 24% so với năm nay, số liệu của Bloomberg cho biết.

Giá dầu đã tăng 17% từ khi ông Trump thắng cử. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ bằng nửa giá giữa năm 2014. Giá tài nguyên nói chung đã giảm 64% so với đỉnh trước khủng hoảng tài chính 2008, theo Bloomberg Commodity Index.

5 công ty tại đây, trong đó có hãng dịch vụ dầu mỏ Swiber và Swissco, đã vỡ nợ gần 1 tỷ đôla Singapore (691 triệu USD) trái phiếu năm nay. Singapore là quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các công ty vận tải biển và dịch vụ dầu mỏ. Vì thế, họ sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên, do các công ty nhỏ hơn và ít được Chính phủ hỗ trợ hơn.

nguy-co-vo-no-tai-chau-a-nam-2017

5 công ty Singapore đã vỡ nợ hơn 690 triệu USD trái phiếu năm nay. Ảnh: Reuters

“Tình hình tại Singapore là chỉ báo cho Đông Nam Á và châu Á nói chung”, Andy Ferris tại Hogan Lovells Lee & Lee cho biết, “Các vấn đề nền tảng mà những ngành công nghiệp này phải đối mặt sẽ không thể tiêu biến. Rất nhiều công ty trong lĩnh vực hàng hóa đang có mức nợ cao và doanh thu yếu”.

KPMG cho biết các vụ vỡ nợ có thể lan sang bất động sản, khi giá nhà tại Singapore giảm mạnh nhất hơn 7 năm trong quý III. Thị trường bất động sản Trung Quốc cũng đã hạ nhiệt tháng 11 khi giới chức áp dụng nhiều biện pháp kìm hãm đà mua.

Các hãng bất động sản tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ phải trả 8,7 tỷ USD trái phiếu đáo hạn năm 2017. Con số này của các hãng năng lượng là 12 tỷ USD.

Graham Martin – Giám đốc tái cấu trúc tại KPMG Singapore dự báo sẽ có nhiều vụ vỡ nợ hơn trong ngành dịch vụ dầu mỏ và vận tải biển trên khắp châu Á, kể cả các nước như Malaysia và Thái Lan. Tại Indonesia, áp lực này đang ngày càng tăng, khi giá than xuống thấp.

Khi lãi suất toàn cầu tăng và ông Trump gây khó cho thương mại, tình hình sẽ càng tệ hơn. “Nhiều công ty tại châu Á sẽ gặp khó với ngân hàng và trả nợ trái phiếu”, Mark Fairbairn – Giám đốc tái cấu trúc và các tình huống đặc biệt tại châu Á của DLA Piper dự báo.

Sau một cuộc hợp hồi giữa tháng, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc cũng cho biết kiểm soát rủi ro tài chính để chống bong bóng giá tài sản sẽ là ưu tiên năm 2017. Ferris thì cho rằng “sự hỗ trợ từ Chính phủ” có thể bị rút dần dần. Năm nay, Trung Quốc đã có 28 vụ vỡ nợ trái phiếu, tăng mạnh so với chỉ 7 năm ngoái.

Hà Thu (theo Bloomberg)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close