Kinh doanh quốc tếThế giới
Nhà đầu tư Trung Quốc không sợ ông Donald Trump
Thế giới chỉ có thể tự hỏi liệu Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình là áp thuế 45% lên hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, bán tại Mỹ hay không.
Tuy nhiên, những gì đã rõ là giới đầu tư tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, chẳng giống như các đối tác ở Mỹ của họ, không hề nản chí. Ngay cả khi ông Trump đắc cử hồi tháng trước, “cơn thèm” tậu những doanh nghiệp Mỹ yêu thích của họ vẫn đi lên, miễn là họ có thể giao dịch cổ phiếu các công ty này bằng USD. Chất keo tài chính gắn kết mối quan hệ cộng sinh kéo dài nhiều thập kỷ có tan ra hay không là khoản cược lớn.
Không nước nào kinh doanh với Mỹ nhiều như Trung Quốc. Nước này chiếm gần 17% tổng kim ngạch thương mại Mỹ, theo số liệu do hãng tin Bloomberg tổng hợp. Hưởng lợi lớn nhất từ thương mại bùng nổ là E Fund Hang Seng China Enterprises Index ở Quảng Châu (Trung Quốc), một trong 265 quỹ hoán đổi danh mục (ETF) toàn cầu tập trung vào Trung Quốc và nắm giữ cổ phiếu của 40 hãng được giao dịch bằng đô la Hồng Kông – đồng tiền vốn đi theo biến động USD. Với nhà đầu tư Trung Quốc, quỹ ETF E Fund HSCEI là điều gần nhất với việc sở hữu tiền tệ Mỹ. Họ đổ 549 triệu USD vào quỹ trong năm nay, tương đương 67% tổng tài sản của quỹ. Khoản đầu tư trên tỏ ra xứng đáng khi đem về lợi nhuận 10%, ngang ngửa mức thể hiện của chỉ số Standard & Poor’s 500.
Khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc, trượt từ tăng trưởng 10,6% năm 2010 xuống 6,7% năm nay, tiền chảy khỏi nước này. Nhân dân tệ mất giá 6% xuống điểm đáy tám năm trong 11 tháng của năm 2016. Đây là yếu tố lý giải sự ưu ái của người Trung Quốc với cổ phiếu giao dịch công khai bằng đồng đô la Mỹ. Nhân dân tệ được dự báo là sẽ suy yếu thêm gần 3% trong năm 2017.
Chiến thắng của ông Trump hôm 8/11 tăng tốc xu hướng trên. Một ngày sau đó, dòng tiền đổ vào quỹ E Fund HSCEI lên cao nhất kể từ ngày 24.6, khi ông Trump đến Scotland và nói rằng lựa chọn Brexit (hay Anh rời Liên minh châu Âu) là “điều tuyệt vời”. Brexit khiến đồng bảng giảm đến 19% tính đến giữa tháng 10 trong khi đồng euro mất gần 5% giá trị từ tháng 5 đến tháng 7. Biến động nói trên làm tăng nhu cầu sở hữu USD như là nơi trú ẩn an toàn cho giới đầu tư.
Khắp Thái Bình Dương, giới đầu tư Mỹ chẳng bộc lộ gì ngoài thái độ “không thèm” cổ phiếu Trung Quốc. Tăng trưởng chậm, nền kinh tế không minh bạch và lời đe dọa gắn mác “nước thao túng tiền tệ” của ông Trump là lý do làm quỹ ETF iShares China Large-Cap ở San Francisco (Mỹ) – quỹ có cổ phiếu của 50 công ty cũng được giao dịch bằng đô la Hồng Kông – là cái tên ít phổ biến nhất trong số 265 quỹ ETF tập trung vào Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, hơn 1,7 tỷ USD, tương đương 32% tổng tài sản của quỹ, đã “bỏ đi”. Hôm 9/11, ngày mà nhà đầu tư Đại lục đổ xô vào E Fund HSCEI, iShares China chịu lượng vốn rút ra lớn nhất kể từ ngày 13/6.
Nơi đâu người Mỹ thấy nguy hiểm, người Trung Quốc nhìn ra cơ hội. Với lợi nhuận 8% so với mức tăng chỉ 0,03% của chỉ số MSCI World/Consumer Staples, các doanh nghiệp Trung Quốc nói trên đang là món hời vì giới đầu tư vẫn đang trả tiền mua nó thấp hơn 10% trên mức giá trên cơ sở thu nhập năm 2016 nếu so với các công ty khác trên thế giới.
Triển vọng hiện tươi sáng cho 20 doanh nghiệp Đại lục vốn tạo nên ngành công nghiệp tiêu dùng cơ bản nhờ nhiều dự báo về mức tăng trưởng doanh thu trung bình thuộc hàng cao trên thế giới là 3,3% năm nay và 13,3% năm sau. Trong khi đó, 123 công ty được chỉ số MSCI World Staples theo dõi sẽ có doanh số tăng 2,2% năm nay và 5,1% năm 2017.
Doanh nghiệp năng lượng, các công ty đem lại lợi nhuận 0,4% trong ngành công nghiệp thể hiện tốt nhất Đại lục năm nay, cũng có giá trị tương đối giống. Từ tháng 6/2014, khi giá dầu bắt đầu hạ 50%, các doanh nghiệp năng lượng Đại lục và đối thủ của họ trên thế giới kiếm lời ít hơn. Lợi nhuận của doanh nghiệp năng lượng Trung Quốc được giữ ở 13% khi lợi nhuận của những doanh nghiệp khác hạ xuống dưới mức 7%. Khi đo bằng cơ sở giá cả trên dòng tiền vào – thước đo giá trị thường được dùng trong ngành năng lượng – doanh nghiệp Trung Quốc đang được giao dịch thấp hơn 45% so với các hãng khác cùng ngành. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể sớm đi lên một cách hợp lý.
Nhiều nhà phân tích cho rằng ngành năng lượng Trung Quốc thuộc sở hữu của chính phủ và vì vậy, nó ít đối mặt với khó khăn vì giá dầu giảm và ít có lời khi giá dầu tăng. Tuy nhiên vì nhiều doanh nghiệp năng lượng ngoài Trung Quốc cũng đã đắt đỏ khi xét đến tỷ lệ lợi nhuận, các công ty Trung Quốc vẫn có giá rẻ.
Giới đầu tư Đại lục còn có thể yên tâm rằng ngay cả khi kinh tế nước nhà giảm tốc, tăng trưởng họ đang có vẫn đứng top trong nhóm những nền kinh tế lớn nhất thế giới G20 năm nay, và đứng thứ nhì của G20 trong hai năm tới. Mức tăng 6,7% trong GDP được ước tính cho năm nay tương đương với việc cộng thêm 730 tỷ USD, con số tương đương kích thước kinh tế Hà Lan. Nếu Đại lục đi lên 6,4% năm 2017 – mức dự báo trung bình của giới chuyên gia kinh tế được Bloomberg khảo sát – kinh tế nước này cộng thêm được 670 tỷ USD, con số lớn hơn nền kinh tế Thụy Sĩ.
Khi toàn bộ lo lắng bên ngoài Đại lục đổ dồn về chuyện Tổng thống Donald Trump có thể làm gì trong bốn năm hậu đổi thay quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, nội tại Trung Quốc đang có sự bình tĩnh đến cùng nền văn minh 5.000 năm tuổi.
Theo Báo Thanh Niên