Góc nhìn
Những định kiến tâm lý khiến doanh nghiệp trẻ thất bại
Theo kết quả của một nghiên cứu do các giáo sư của Đại học Stanford và Đại học Berkeley phối hợp thực hiện gần đây qua khảo sát 3.200 công ty trẻ và tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực thương mại điện tử và thương mại di động, khoảng 92% các công ty mới được thành lập (startup) gặp thất bại trong ba năm đầu, trong số đó 74% bị thất bại là do nguyên nhân mở rộng quy mô khi chưa trưởng thành (premature scaling). Nói cách khác, đa số doanh nghiệp mới thành lập gặp thất bại trong giai đoạn đầu là do chi tiêu quá nhanh trong khi không tạo ra đủ nguồn thu.
Nhưng vì sao các doanh nhân trẻ lại thường có khuynh hướng đầu tư quá nhiều tiền bạc trước khi sản phẩm của mình thật sự được khách hàng đón nhận? Theo Steve Adam và Bob Acton, hai nhà đồng sáng lập của Obair Leadership, lý do là những doanh nhân này thường tin rằng khách hàng sẽ sẵn sàng trả tiền cho những ý tưởng mới của mình. Trong khi trên thực tế luôn có một khoảng cách lớn giữa những điều mà các doanh nhân ấy nghĩ rằng khách hàng sẽ mong muốn với những điều mà khách hàng thật sự mong muốn. Đó chính là khoảng cách giữa một ý tưởng và một sản phẩm có giá trị. Vấn đề là ở chỗ nhu cầu của khách hàng, chứ không phải là ý tưởng của doanh nghiệp, mới chính là nền tảng cơ bản của một sản phẩm.
Theo Adam và Acton, nguyên nhân sâu xa của vấn đề trên là “những sai lầm về nhận thức trong quá trình xử lý thông tin của hệ thần kinh khiến chúng ta bị “mờ mắt” giữa những gì chúng ta nhìn thấy và những điều mà khách hàng thật sự mong muốn”. Các tác giả gọi đó là “những định kiến tâm lý” (psychological bias) hay những giới hạn trong tư duy của con người. Adam và Acton nêu ra những loại định kiến tâm lý trong nhận thức sau đây có ảnh hưởng lớn đến sự thành bại của các công ty mới khởi nghiệp.
Định kiến trong thừa nhận một thực tế (Confirmation Bias) – Chúng ta chỉ lắng nghe hay tập trung vào những thông tin có khuynh hướng giúp chúng ta củng cố niềm tin của mình vào một đề tài hay ý tưởng nào đó. Chẳng hạn các công ty mới được thành lập trong lĩnh vực thương mại điện tử có thể quá chú trọng đến những con số như số lượt truy cập vào trang web hay số lượt khách hàng đăng ký trở thành thành viên mà quên đi rằng tỷ lệ chuyển hóa khách hàng triển vọng thành khách hàng hiện hữu và sự hài lòng của khách hàng mới thật sự là những điều có ý nghĩa hơn.
Định kiến trong sự quan tâm (Attentional Bias) – Chúng ta có khuynh hướng tránh xa những dữ liệu không nhất quán với những suy nghĩ của mình. Đây là loại định kiến gần như trái ngược với loại định kiến ở trên.
Theo các tác giả, những doanh nhân thiếu tính kỷ luật thường mắc phải sai lầm này khi họ không muốn đón nhận những thông tin thách thức ý tưởng của mình. Những người có loại định kiến này quá chú trọng đến thành công nên không dành đủ sự quan tâm đến những thông tin cho thấy họ có thể gặp thất bại.
Định kiến trong mơ ước (Dream Bias) – Không ít doanh nhân trẻ ngay từ khi mới khởi nghiệp đã cảm thấy vô cùng hứng khởi với mơ ước một ngày nào đó công ty của mình sẽ lớn mạnh, giá cổ phiếu sẽ tăng vọt và bản thân mình, những nhà sáng lập, sẽ trở thành những người giàu có.
Định kiến trong mơ ước chính là một tầm nhìn hạn hẹp. Theo các tác giả, chúng ta hay bị “mắc kẹt” trong những ước mơ mà không biết rằng 99% ước mơ ấy sẽ không thể trở thành hiện thực.
Định kiến trong tri thức (Curse of Knowledge Bias) – Nhiều nhà sáng lập doanh nghiệp có những ý tưởng sáng tạo, cầu thị và hứa hẹn nhiều triển vọng tốt đẹp. Nhưng định kiến trong tri thức khiến cho họ không muốn tìm hiểu hay không thèm quan tâm đến những ý tưởng của người khác. Những người có trí thông minh thiên bẩm này cũng thường nghĩ rằng người khác khó mà hiểu được hết những ý tưởng siêu việt của họ.
Định kiến trong tư duy theo nhóm (Group Think Bias) – Những người có định kiến này thường rất hồ hởi với ý tưởng của số đông và có khuynh hướng không quan tâm đến những quan điểm hay ý tưởng khác với nhóm của họ.