Năng lượngThị trường

OPEC đứng trước ngã rẽ quyết định

Giá dầu thô đã trượt dốc 13% trong vài tuần gần đây xuống dưới mốc 46 USD, qua đó cho thấy nỗ lực hỗ trợ giá dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã thất bại, CNNMoney cho hay.

Các nhà sản xuất chủ chốt trong và ngoài OPEC đã tận hưởng mức giá cao hơn kể từ khi ký kết thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong tháng 11/2016 – một chiến lược được thiết kế để xoa dịu tình trạng dư cung toàn cầu.

Ngay lúc này, tác động tích cực của thỏa thuận đã biến mất.

OPEC đã đối phó với đà sụt giảm của giá dầu bằng cách đề xuất rằng các đợt cắt giảm sản lượng có thể được kéo dài thêm 6 tháng và có khả năng nới rộng hơn nữa.

Theo Reuters, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid Al-Falih, cho biết: “Tôi tin rằng thỏa thuận sẽ được kéo dài đến hết năm 2017 và có khả năng còn được nới rộng thêm”.

Tuy nhiên, với việc các nhà sản xuất Mỹ gia tăng sản lượng, việc kéo dài thỏa thuận có thể không đủ để ổn định giá hoặc đẩy giá lên cao hơn.

Các bộ trưởng năng lượng từ các quốc gia thành viên OPEC chuẩn bị họp mặt vào ngày 25/05/2017. Và đây là những lựa chọn của họ:

Kéo dài thỏa thuận

Các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng chỉ sau khi giá rớt xuống mức 26 USD trong năm 2016. Việc thuyết phục tất cả nhà sản xuất về quyết định này đã mất nhiều tháng đàm phán.

Trong một khoảng thời gian, chiến lược này dường như tỏ ra hiệu quả, cụ thể giá dầu vọt lên mốc 54 USD/thùng vào đầu năm nay. Mức giá này nằm trong điểm dễ chịu của OPEC từ 50-60 USD/thùng – đủ cao để các quốc gia OPEC chi tiêu thoải mái, nhưng cũng đủ thấp để giữ các nhà sản xuất khác bên lề.

Tuy nhiên, OPEC giờ đây phải đối mặt với vấn đề mới và không dễ dàng kiểm soát: Các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ đã trở lại thị trường một cách mạnh mẽ, đồng thời gia tăng gấp đôi số lượng giàn khoan dầu trong năm vừa qua. Nhiều năm giá dầu thấp đã buộc họ phải hoạt động hiệu quả hơn.

Các nhà phân tích tại UBS ước tính rằng các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ có thể tạo lợi nhuận miễn là giá dầu trên mức 40 USD/thùng. Vào đầu năm 2014, họ chỉ kiếm được lợi nhuận khi mức giá trên 65 USD/thùng.

Kết quả cuối cùng là: Các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC có thể đồng ý kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng, nhưng nếu giá dầu vẫn trên mốc 40 USD/thùng thì các nhà sản xuất ở Mỹ sẽ tiếp tục bơm dầu.

Và điều này có nghĩa tình trạng dư cung sẽ tiếp tục ám ảnh thị trường trong tương lai gần.

Chèn ép các nhà sản xuất Mỹ

OPEC có thể đảo ngược quy trình và gia tăng sản lượng nhằm ép các nhà sản xuất Mỹ ra khỏi thị trường.

Tom Pugh, Chuyên gia kinh tế hàng hóa tại Capital Economics, cho biết: “Nếu họ quyết định không kéo dài thỏa thuận và gia tăng sản lượng thì có lẽ giá dầu sẽ giảm”.

Ông Pugh cho biết chiến lược như thế sẽ làm nhà đầu tư kinh ngạc, và đẩy giá dầu rớt mốc 40 USD/thùng.

Tuy nhiên, chiến lược trên từng được OPEC áp dụng và đã thất bại trong đau đớn. Cụ thể, kể từ năm 2014, OPEC đã gia tăng sản lượng mà không màng đến mức giá, và kết quả là các nhà sản xuất Mỹ đã bị đánh bật ra khỏi thị trường dầu.

Tuy nhiên, chiến lược gia tăng sản lượng cũng gây ra tai hại đến ngân sách Chính phủ của các nước thành viên OPEC, qua đó buộc họ phải triển khai các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Trong khi nhiều quốc gia vùng vịnh đã thực hiện các cuộc cải cách để làm giảm sự lệ thuộc vào dầu mỏ, các nhà sản xuất chủ chốt khác bao gồm Nga và Nigeria cũng không muốn gây ra thêm bất kỳ cuộc chiến giá cả nào.

Không làm gì cả

Các nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng OPEC và các đồng minh kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Ông Pugh cho hay: “Họ đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, vì họ đã nói về việc kéo dài thỏa thuận quá nhiều. Nếu họ không làm vậy thì chúng ta có thể chứng kiến giá rớt xuống mức 40-44 một lần nữa”.

Nếu không tiến tới thỏa thuận nào, OPEC có thể quyết định không làm gì cả với  hy vọng rằng nhu cầu mạnh hơn trong quý 2/2017 sẽ xoa dịu phần nào tình trạng dư cung toàn cầu.

Chiến lược không làm gì cả sẽ là một sự thay đổi chính sách quan trọng, nhưng có lẽ cũng đáng để thử.

Ông Pugh cho hay: “Tôi nghĩ OPEC đang nhận thức được là họ không còn có sức ảnh hưởng như 10 năm về trước, và các nhà sản xuất dầu đá phiến đang chi phối trên thị trường dầu”./.

Theo Vietstock

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close