Trong 12 năm bà Merkel lên nắm quyền, tỷ lệ đói nghèo tại Đức tăng chóng mặt, khoảng cách giàu nghèo tăng cao. Hiện nay gần 16% người Đức đối diện với rủi ro đói nghèo.
Nước Đức giàu nhất châu Âu, chính vì vậy nếu nói đến nước Đức có quá nhiều người nghèo và tỷ lệ nghèo đói tăng cao lên chắc chẳng ai muốn tin, nhưng đáng tiếc nó lại là sự thật – Ảnh: Business Insider
Trong các bài phát biểu vận động tranh cử của mình, bà Angela Merkel thường nói với cử tri của mình rằng họ đang sống trong một nước Đức tuyệt vời chưa từng có trong lịch sử. Trong năm ngoái, khi phát biểu trước Quốc hội Đức, bà Merkel cũng từng nói như vậy.
Thế nhưng, theo bài đăng mới đây trên New York Times, có rất nhiều công dân Đức như ông Helmul Richter không cảm thấy như vậy. Trong suốt năm năm qua, dù đã 59 tuổi nhưng ông vẫn làm việc quần quật từ sáng đến đêm mà chỉ kiếm được số tiền vừa đủ cho cuộc sống vô cùng tằn tiện, khắc khổ. Ông làm công việc vận chuyển đồ cho một tổ chức chuyên phát suất ăn từ thiện ở một trong những thị trấn nghèo nhất nước Đức.
Khi tổ chức từ thiện của ông mới bắt đầu hoạt động hai mươi hai năm trước đây, mỗi ngày tổ chức phát ra 300 suất cơm. Vào năm 2005 khi bà Merkel mới lên làm Thủ tướng, tổ chức phục vụ mỗi ngày 1.500 suất. Và đến bây giờ con số đó lên tới 10.885 suất. Đó là còn chưa kể đến hơn 100 gia đình khác đang trong danh sách chờ.
Nước Đức giàu nhất châu Âu, chính vì vậy nếu nói đến nước Đức có quá nhiều người nghèo và tỷ lệ nghèo đói tăng cao lên chắc chẳng ai muốn tin, nhưng đáng tiếc nó lại là sự thật. Trong 12 năm bà Merkel lên nắm quyền, tỷ lệ đói nghèo tại Đức tăng chóng mặt, khoảng cách giàu nghèo tăng cao. Hiện nay gần 16% người Đức đối diện với rủi ro đói nghèo.
Nhìn từ bên ngoài và các con số thống kê, tất nhiên nước Đức vẫn giàu có. Tính toán của Forbes cho thấy nước Đức hiện đang sở hữu bốn công ty có doanh thu cao nhất toàn cầu, tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người cao nhất Liên minh châu Âu trong khi tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, chỉ 5,7%.
Từ năm 1990, các chính sách cải cách đã mang lại nhiều thành công cho kinh tế Đức, thất nghiệp giữ ở mức thấp, Đức tránh được khủng hoảng nợ, khác hoàn toàn với tình hình u ám của phần lớn các nước châu Âu còn lại.
Thế nhưng theo phân tích của chuyên gia nghiên cứu về đói nghèo tại đại học Cologne, Đức, ông Christoph Butterwegge, chính quyền của bà Merkel đã khiến cho khoảng cách đói nghèo tại Đức tăng cao bởi họ đã áp dụng chính sách giúp cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân giàu có tại Đức tích lũy nhiều tài sản thông qua nhiều chính sách ưu đãi thuế có lợi cho họ cũng như chế độ trả lương thấp cho người lao động.
Ông nhấn mạnh điều đó đồng nghĩa với việc sự giàu có của một nhóm người này sẽ đồng nghĩa với sự nghèo đi của vô số người khác.
Số lượng người được đi làm tăng lên, nhưng số lượng người sống nhờ vào trợ cấp xã hội cũng tăng lên. Từ năm 2012, số lượng người sống nhờ vào trợ cấp xã hội tăng chóng mặt thêm 2,1 triệu người. Tính tổng, có đến 7,2% dân số Đức sống nhờ trợ cấp xã hội.
Nhiều người lao động đi làm với mức lương quá thấp không đủ nuôi sống bản thân. Hơn bảy triệu người khác chỉ đi làm những công việc thời vụ, bán thời gian mà không hề có bảo hiểm y tế.
Chương trình cải tổ nền kinh tế mang tên Agenda 2010 của bà Merkel dù được khen rằng đã giúp tăng tính cạnh tranh trong doanh nghiệp và giúp hàng triệu người có việc làm, nhưng đáng tiếc việc làm đó lại không mang lại mức lương đủ sống.
Trong 12 năm qua, số lượng người sống nhờ trợ cấp thực phẩm của chính phủ vẫn tăng chóng mặt. Nhân viên tổ chức từ thiện cho biết họ còn biết rất nhiều người khác dù thiếu ăn nhưng quá xấu hổ không muốn xin trợ cấp.
Bà Heidi năm nay đã 76 tuổi là một trong những người như vậy. Lương hưu hàng tháng của bà cùng với trợ cấp xã hội mỗi tháng ước khoảng hơn 700 euro phải dùng để trả cho tiền thuê nhà, tiền điện nước, đồ ăn và quần áo.
Bà cay đắng nói: “Chúng tôi đều đã 70, 80 tuổi, chúng tôi đã trải qua nhiều khó khăn của chiến tranh, chúng tôi được dậy rằng phải vượt qua gian khó để nuôi con khôn lớn và chúng tôi đã làm được. Nhưng đến cuối đời, giờ đây chúng tôi chẳng có gì.”
TRUNG MẾN