Tài chính - Ngân hàngThị trường
Sau khi tăng kỷ lục, tỷ giá đã bắt đầu giảm
Các chính sách của Ngân hàng Nhà Nước sau tuyên bố “bình ổn tỷ giá” và diễn biến giảm của USD trên thị trường thế giới chính là lý do cho việc quay đầu của tỷ giá USD/VND
Sau một thời gian thị trường “chộn rộn” vì tỷ giá USD/VND tăng cao kỷ lục, hai ngày đầu tuần này, một số diễn biến hạ nhiệt của tỷ giá đã bắt đầu được ghi nhận.
Cụ thể, vào sáng hôm qua, giá USD tự do tại Hà Nội được giữ ở mức 22.800 đồng (mua vào) và 22.830 đồng (bán ra). Như vậy, tuy giá mua vào không đổi nhưng giá bán ra đã giảm 20 đồng so với sáng thứ Hai. Kể từ khi đạt đỉnh 22.950 đồng vào hôm thứ Sáu tuần trước, giá USD tự do bán ra hiện đã giảm liên tục đến 120 đồng.
Một cặp tỷ giá hay được dùng để tham chiếu nữa là ở ngân hàng Vietcombank thì vào sáng hôm nay (thứ Tư), Vietcombank đã báo giá USD giảm lần thứ 3 liên tiếp kể từ hôm thứ Sáu tuần trước và ở mức 22.640 đồng (mua vào) và 22.720 đồng (bán ra)
Để lý giải cho việc tỷ giá quay đầu này, phải kể đến đầu tiên là những chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước. Tuần trước, định chế này đã tuyên bố sẽ “bình ổn tỷ giá” và giờ đây có vẻ như những chính sách mới đã bắt đầu có hiệu lực. Ngoài ra, diễn biến của USD trên thị trường thế giới cũng là một nguyên nhân.
1. Lãi suất VNĐ tăng rất mạnh trên thị trường liên ngân hàng
Một trong những nguyên nhân quan trọng làm tỷ giá bắt đầu giảm là do trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VNĐ đã được điều chỉnh tăng và là tăng rất mạnh nếu so với vùng thấp đã thiết lập từ trong quý 3/2016.
Cụ thể, đầu tuần này, mức chào bình quân ở kỳ hạn qua đêm đã vượt 3%/năm, cao hơn rất nhiều so với mức quanh 1%/năm hồi đầu tháng 11 vừa qua, cũng như chỉ quanh 0,5%/năm cách đây hơn một tháng.
Chú ý rằng, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất chính là yếu tố có tác động nhanh đến tỷ giá, Lãi suất tiền đồng tăng lên có nghĩa là các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng sẽ hạn chế vay do chi phí vốn vay cao hơn. Do cần dữ trữ tiền mặt, ngân hàng sẽ hạn chế tín dụng và vì thế cung tiền đồng ra nền kinh tế giảm xuống, gián tiếp sẽ làm tỷ giá tăng lên.
Cuối cùng, kết quả có thể thấy rõ như trong ngày 28/11, giá USD trên liên ngân hàng giảm khá mạnh với 35 VND so với phiên cuối tuần trước, xuống còn 22.720 VND.
Tiếp trong ngày 29/11, mức giảm diễn ra mạnh hơn khi giá USD được giao dịch phổ biến trong vùng 22.650 – 22.655 VND, tức giảm mạnh khoảng 60 VND so với hôm qua; và đến cuối ngày giao dịch quanh 22.690 VND, chung cuộc giảm khoảng 30 VND.
2. Ngân hàng Nhà nước chủ động áp giá bán USD thấp
Bên cạnh diễn biến lãi suất VND nói trên, tín hiệu thứ hai cũng có ảnh hưởng mạnh và trực tiếp tới tỷ giá là niêm yết của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, sau khi các lãnh đạo chuyên trách đưa ra khẳng định sẵn sàng bán ngoại tệ để bình ổn thị trường, từ ngày 28/11, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã cụ thể hóa bằng việc áp giá bán ra USD ở mức thấp hơn trần biên độ cho phép.
Mức giá USD bán ra tham khảo tại sở này – đầu mối trực tiếp can thiệp khi thị trường có biến động mạnh – trong ngày 28/11 chỉ là 22.746 VND, thấp hơn mức trần tới 50 VND. Và trong ngày 29/11, mức giá bán ra tham khảo tương tự là 22.735 VND, tiếp tục thấp hơn trần 50 VND.
Bằng việc điều chỉnh này, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã phát ra tín hiệu rằng họ sẽ sẵn sàng bán USD ra để bình ổn nếu thị trường cần. Vì thế, căng thẳng phía cầu USD đã không xảy ra, góp phần làm tỷ giá quay đầu.
3. Đồng USD giảm trên thị trường thế giới
Cuối cùng, tác động dù nhỏ nhưng cũng làm tỷ giá hạ xuống là việc đồng USD trên thế giới đã bắt đầu hạ nhiệt. Sau khi lên đỉnh 14 năm, đầu tuần này, đồng USD đã xuống khi chỉ số USD-Index đã giảm trở lại 0,16% ngày 28/11.
Trong khi đó, các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới cũng đã lên giá đáng kể so với đồng USD. Vì thế, không phải ngoại lệ, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố cũng giảm liên tiếp trong hai ngày đầu tuần này.
Chiến Thắng
Theo Trí Thức Trẻ