Tài chính - Tiền tệThế giới

Đầu tư vào vàng: Thời hoàng kim trở lại?

Nếu trước đây chênh lệch giá vàng ở Việt Nam và thế giới lên tới 4 – 5 triệu đồng/lượng thì đầu năm nay chỉ còn 1 – 2 triệu/lượng; những tuần qua chỉ còn vài trăm nghìn đồng/lượng.

Cụ thể, vào ngày 8/9, giá vàng thế giới quanh 1.350USD/oz thì giá vàng SJC bán ra chỉ xoay quanh 37,2 triệu đồng lượng, chỉ cao hơn giá vàng thế giới quy đổi sau khi cộng thêm các loại thuế, phí khoảng 100 nghìn đồng/lượng. Nếu so với đầu năm, trong khi giá vàng thế giới tăng hơn 17% thì giá vàng trong nước chỉ tăng 2,2%, do đó chênh lệch giá bị thu hẹp là tất yếu.

Việc thu hẹp chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường là do tỷ giá USD/VND trong thời gian qua khá ổn định. Khi tỷ giá ổn định thì giới đầu tư lẫn đầu cơ sẽ thiếu động lực tham gia thị trường vàng để đẩy giá vàng lên cao như giai đoạn tỷ giá bất ổn trước đây.

Trong khi đó, nhu cầu mua bán vàng thời gian qua cũng đã không còn sôi động như giai đoạn trước, những cảnh xếp hàng mua bán vàng mỗi khi thị trường quốc tế lẫn trong nước biến động đã không còn xảy ra. Chính vì vậy, giới đầu nậu vàng cũng không còn cơ hội niêm yết giá cao bất thường so với giá thế giới để kiếm lời, buộc phải để giá vàng giữa hai thị trường tiệm cận nhau nhằm kích thích nhu cầu giao dịch.

Có thể nói chính sách chống vàng hóa của Ngân hàng Nhà nước đã thành công nhất định khi triệt tiêu dần động lực đầu cơ vàng và gây ra biến động giá. Trong khi đó, với những nhà đầu tư dài hạn thì khi quyết định nắm giữ vàng cũng phải cân nhắc nhiều hơn, do thị trường vàng thời gian qua dù có tăng nhưng vẫn thiếu khởi sắc, trong khi nắm giữ vàng đã không còn được hưởng lãi suất khi gửi ngân hàng như trước đây, thậm chí phải trả phí giữ hộ.

Dù vậy, câu hỏi đặt ra là với mức chênh lệch đã thu hẹp đáng kể như vậy thì có nên nắm giữ kim loại quý này? Thị trường bất động sản và chứng khoán đã tăng mạnh trong thời gian qua, trong khi giá vàng chỉ tăng rất nhẹ, thì việc đầu tư vào vàng thời gian qua rõ ràng không đem lại lợi nhuận tương xứng. Tuy nhiên, nếu với mục đích đa dạng hóa danh mục đầu tư, rải đều vốn vào các tài sản thì vàng vẫn có thể là kênh đầu tư xem xét ưu tiên lựa chọn, nhất là khi dòng tiền chốt lời ở các thị trường đã tăng mạnh.

Rủi ro từ chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường trong thời điểm hiện nay đã giảm xuống đáng kể, do đó khi đầu tư vào vàng sẽ không còn lo ngại sẽ thiệt hại. Song song đó, hiện tại cũng có những yếu tổ hỗ trợ cho giá kim loại quý này.

Nguy cơ chiến tranh là một trong những yếu tố đã thúc đẩy giá vàng thế giới tăng mạnh trong những ngày gần đây, và dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới khi mà căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục leo thang, trong khi những mâu thuẫn giữa Mỹ và các cường quốc như Nga và Trung Quốc có thể chưa sớm được giải quyết, thậm chí có thể tăng thêm. Do đó bất kỳ căng thẳng mới nào xuất hiện cũng sẽ thúc đẩy giới đầu tư tìm đến các kênh an toàn như vàng.

Trong khi đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản đồng USD dù gây áp lực giảm giá lên thị trường vàng nhưng gần như đã được phản ánh hết vào thị trường trong thời gian qua, do đó nếu FED không có thêm những động thái mới nào gây bất ngờ thì sẽ khó gây áp lực mạnh lên giá vàng như trước đây.

Đối với giá vàng trong nước, thì yếu tố hỗ trợ có thể đến từ áp lực tỷ giá sẽ tăng lên trong thời gian tới một khi đồng USD trên thị trường thế giới hồi phục và tăng mạnh trở lại. Định hướng huy động nguồn lực vàng trong dân thông qua phát hành các giấy tờ có giá (có trả lãi) cũng có thể thúc đẩy một bộ phận nắm giữ vàng, dẫn đến làm tăng cầu đối với loại tài sản này.

GIA LÊ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close