Câu chuyệnKinh doanh
Sau sách, xe hơi, giờ Jeff Bezos muốn bán… tên lửa
Công ty Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos đã vượt qua các ông lớn trong ngành công nghệ không gian để ký hợp đồng chế tạo động cơ tên lửa BE-4 cùng United Launch Alliance (ULA).
Hãng sản xuất tên lửa (ULA) cuối cùng đã tuyên bố hợp tác với Blue Origin để sản xuất động cơ BE-4 cho tên lửa Vulcan Centaur. Quyết định được giám đốc điều hành của ULA tuyên bố ngày 27/9.
Sau 4 năm, Blue Origin, công ty chuyên về công nghệ không gian mới do Bezos thành lập đã đánh bại “ông lớn” sừng sỏ nhất trong ngành tại Mỹ, Aerojet Rocketdyne.
Ngay từ khi mọi chuyện chưa ngã ngũ, ULA đã tỏ ra hứng thú đối với động cơ của Bezos hơn hẳn so với động cơ tương tự do Aerojet chế tạo.
Sự thành công của hãng còn nằm ở chỗ 1 tỷ USD đầu tư vào BE-4 đều là tiền túi của Blue Origin, không dùng đến tiền thuế của người dân. Trước đây, mọi động cơ tên lửa do Mỹ chế tạo đều được chính phủ Mỹ đầu tư toàn bộ.
Thỏa thuận này cũng là thành công đầu tiên của Blue Origin để đến với các hợp đồng quân sự lớn. Điều Bộ Quốc phòng Mỹ muốn là tất cả tên lửa họ mua phải được chế tạo 100% trên đất Mỹ, nó đã biến thành động lực khiến Blue Origin trở thành đối tác tiềm năng của nhiều công ty.
Ngoài ra, theo Arstechnica, quốc hội Mỹ đã ra hạn đến năm 2022 phải ngừng sử dụng động cơ do Nga chế tạo, hiện vẫn được dùng trong tên lửa Atlas V của ULA. Tên lửa Vulcan được đưa vào chế tạo sau khi Lầu Năm Góc liên tục thúc đẩy việc ngưng phụ thuộc vào động cơ của Nga.
Tuy SpaceX của tỉ phú Elon Musk hiện đang dẫn đầu công nghệ chế tạo tên lửa thế hệ mới, Blue Origin được dự đoán sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của họ sau hợp đồng BE-4.
Mục tiêu lớn kế tiếp của Blue Origin là một hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD, ký kết với Không quân Mỹ, kéo dài 5 năm. Cơ quan này sẽ chọn ba trong số các công ty như ULA, SpaceX, Northrop Grumman và Blue Origin để cùng phối hợp lắp ráp hệ thống mẫu. Mỗi doanh nghiệp trên đều từng hợp tác với lực lượng không quân trước đây.
THÁI DUY