Chính trườngNhân vậtThế giớiThời sự
Sự tương đồng giữa Trump và ‘bản sao châu Á’ Duterte
Nhìn vào các quyết sách của Tổng thống Philippines Duterte trong những tháng cầm quyền đầu tiên, người ta có thể hình dung nhiệm kỳ của ông Trump nếu đắc cử.
Tỷ phú Donald Trump (trái) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: SCMP |
Với sự cuồng nhiệt mà nhiều cử tri Mỹ dành cho ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump, sự ủng hộ của người dân Philippines đối với Tổng thống Rodrigo Duterte, bình luận viên Charlie Campbell của Timecho rằng thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy “thời kỳ chính trị dân túy”.
Trong suốt một năm qua, ông Trump đã gieo sợ hãi cho cử tri về tình trạng nhập cư và công ăn việc làm của người Mỹ bị nước ngoài cướp đoạt, với việc đề ra những kế hoạch như xây tường biên giới với Mexico, hay buộc các đồng minh phải chi trả tiền hỗ trợ an ninh cho Mỹ. Còn ông Duterte đắc cử với lời hứa quét sạch tệ nạn ma túy và tội phạm trên cả nước trong 6 tháng bằng một chiến dịch đẫm máu khiến hơn 3.600 người bị bắn chết.
Ông Trump và ông Duterte có tính cách và hoàn cảnh xuất thân rất khác nhau. Một người là tỷ phú bất động sản chưa từng giữ một chức vụ nào trong chính quyền, còn người kia từng là công tố viên, thị trưởng thành phố Davao suốt 30 năm. Thế nhưng quan điểm chính trị của hai người này lại khá giống nhau, đó là theo đuổi chủ nghĩa dân túy theo thiên hướng độc đoán, sẵn sàng đưa ra những phát ngôn gây sốc về chính sách đối ngoại, bất chấp hậu quả đến đâu, Campbell nhận định.
“Trump và Duterte khá tương đồng trong xu hướng chính trị kiểu thô tục, căm ghét phụ nữ và ăn nói đốp chát”, Bridget Welsh, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Đài Loan, nhận định. “Họ còn khơi dậy tâm lý giống nhau – làm rung chuyển hệ thống, thách thức hiện trạng và vượt qua các quy tắc pháp trị”.
Bởi vậy, Welsh cho rằng khi nhìn vào những hành động của ông Duterte, người được gọi là “Donald Trump của châu Á”, trong những tháng đầu tiên cầm quyền, người ta có thể dễ dàng hình dung được nhiệm kỳ tổng thống của Trump sẽ như thế nào nếu ông đắc cử.
Cả hai người này đều có điểm chung là sẵn sàng xé bỏ các quy tắc cũ và phá bỏ mối quan hệ với các đồng minh lâu năm. Tổng thống Duterte đe dọa sẽ chấm dứt hợp tác “quân sự và kinh tế” với Mỹ, liên tục tung ra những lời xúc phạm đối với ông Barack Obama, và đòi rút quân đội Mỹ khỏi lãnh thổ Philippines.
Trong khi đó, ông Trump cho rằng Thủ tướng Angela Merkel đang “hủy hoại nước Đức” bằng quan điểm của bà về người tị nạn, và tuyên bố ông chỉ ủng hộ các đồng minh NATO bị tấn công sau khi họ chi trả chi phí an ninh.
Hai lãnh đạo chính trị này cũng có xu hướng phản ứng quyết liệt với những lời chỉ trích. Ông Duterte đe dọa sẽ rút khỏi Liên Hợp Quốc sau khi cơ quan này hối thúc ông xem xét lại chiến dịch chống ma túy đẫm máu khiến quá nhiều người chết. Còn ông Trump thì nổi tiếng với những giọng điệu công kích đối thủ, biến cuộc tranh luận trực tiếp với bà Hillary Clinton thành cuộc đối đầu “đen tối nhất” trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ.
Chính sách đối ngoại
Nếu đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề lớn cần giải quyết trên toàn thế giới, đi kèm với đó là trách nhiệm nặng nề hơn của một cường quốc. Còn ông Duterte lại có các ưu tiên đối ngoại hẹp hơn, chủ yếu là tận dụng tối đa sự ganh đua ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc để thu về lợi ích cho Philippines, trong khi duy trì quan hệ tốt đẹp với các cường quốc khu vực như Nhật Bản.
Tuy nhiên, cả hai ông đều có xu hướng thực hiện chính sách đối ngoại kiểu “tự do vô khuôn khổ”, và đều từng bị các thành viên cốt cán trong đội ngũ của mình phản đối quyết liệt, theo Campbell.
Tuyên bố “xa rời Mỹ, ngả về Trung Quốc” của ông Duterte đã ngay lập tức bị Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng bác bỏ, thậm chí còn ngầm phê phán ông đưa ra những phát ngôn bất ngờ mà không tham vấn trước ý kiến của các thành viên nội các.
Tuyên bố đó cũng vấp phải sự chỉ trích công khai của cựu tổng thống Philippines Fidel Ramos, người được cho là cố vấn chủ chốt của ông Duterte. “Phải chăng chúng ta đang vứt bỏ hàng thập kỷ hợp tác quân sự, năng lực chiến thuật, vũ khí hiện đại, hậu cần tin cậy và tình đồng đội giữa những người lính một cách đơn giản như vậy?”, ông Ramos viết trong một bài xã luận mới đây.
Ông Trump lại có những khúc mắc về đường lối đối ngoại với chính phó tướng Mike Pence, người từng nói rằng Mỹ cần phải thiết lập các vùng an toàn ở Syria và sử dụng lực lượng quân sự để đối phó với “các hành động khiêu khích” của Nga nếu cần thiết. “Ông ấy và tôi chưa bàn với nhau, nhưng giữa ông ấy và tôi chưa có sự thống nhất”, ông Trump nói trong cuộc tranh luận thứ hai về chính sách đối ngoại của phó tướng.
Ông Trump dường như còn khiến các cố vấn về chính sách đối ngoại của mình trong chiến dịch tranh cử xoay như chong chóng, và họ nhiều khả năng còn phải xoay nhiều hơn nữa nếu ông Trump bước vào Nhà Trắng. “Tôi dự đoán sẽ có một loạt đơn xin từ chức ồ ạt nộp lên từ Bộ Ngoại giao và chính phủ nếu ông Trump đắc cử”, Welsh nói. “Ông ấy không có một chính sách đối ngoại rõ ràng, và không có một đội ngũ chính sách đối ngoại thực sự xung quanh. Tôi cho rằng nước Mỹ sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”.
Campbell chỉ ra rằng chính sách đối ngoại của ông Trump và ông Duterte vẫn tồn tại điểm khác biệt, đặc biệt là về vấn đề Trung Quốc. Ông Duterte có xu hướng tin rằng tương lai của đất nước phụ thuộc vào Bắc Kinh, đề nghị Trung Quốc hỗ trợ Philippines xây dựng hệ thống đường ray tàu hỏa. Trong khi đó, ông Trump lại tỏ ra quyết liệt hơn với Trung Quốc, coi đây là mối đe dọa với nền kinh tế Mỹ, thậm chí còn tố cáo Bắc Kinh “thao túng” đồng tiền.
Tuy vậy, hai người lại có điểm tương đồng lớn nhất là cách thức ăn nói kiểu văng mạng, tuôn ra tất cả những gì họ nghĩ đến trong đầu vào một thời điểm nào đó, và sẵn sàng đưa lập luận ngược lại trong lần phát biểu tiếp theo.
Đây chính là cách mà ông Duterte đang khiến cả Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ cảm thấy bối rối, không thể biết được chính xác ông đang nghĩ gì trong chuyến công du Đông Á gần đây. Thế nhưng nếu ông Trump đắc cử, kiểu phát ngôn đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều, bởi mỗi lời tổng thống Mỹ nói ra, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự hay đối ngoại, đều có tầm ảnh hưởng toàn cầu, và được soi xét rất kỹ lưỡng. “Bất cứ sự cẩu thả nào trong lời nói của các lãnh đạo đều gây ra hậu quả khó lường”, Welsh nhấn mạnh.
Trí Dũng