Cách sốngSống

Đổi cả gia sản chỉ để lấy 1 thứ của người ăn xin, phú hộ bị từ chối thẳng thừng!

Hồi kết của câu chuyện, dù có yếu tố gây cười nhưng nó nhắc tất cả chúng ta một điều vô cùng thâm thúy, đặc biệt là những người đã, đang và có thể sẽ bị kẻ khác khinh thường.

Đổi cả gia sản chỉ để lấy 1 thứ của người ăn xin, phú hộ bị từ chối thẳng thừng!

Cách đây không lâu, có một chủ đề trên mạng xã hội thu hút rất nhiều người quan tâm. Câu hỏi thảo luận của chủ đề đó là: “Bạn sẽ làm gì khi bị người khác khinh thường?”.

Kỳ thực, việc bị khinh thường hay không phụ thuộc nhiều vào quan điểm nhìn nhận của bạn. Mấu chốt nằm ở chỗ, bạn đối diện ra sao đối với những lời phê bình của người đời.

Muốn được người đời kính trọng, hãy tạo dựng trong họ sự kính phục

Có một câu chuyện ngụ ngôn xưa kể rằng, ngày nọ, một vị phú hộ bắt gặp người ăn xin trên đường. Ông ta liền hỏi:

“Tôi cho ông tiền, ông có tôn trọng tôi không?” Người ăn xin trả lời: “Tiền của ông và sự tôn trọng của tôi có liên quan gì tới nhau? Hà cớ gì tôi phải tôn trọng ông?”

Phú hộ hỏi tiếp: “Nếu tôi đem một nửa tài sản cho ông, ông sẽ tôn trọng tôi sao?”

Người ăn xin đáp: “Nếu ông cho tôi một nửa tài sản, lúc đó tôi với ông giàu như nhau, sao tôi phải tôn trọng ông?”

Phú hộ tiếp tục hỏi: “Vậy nếu tôi đem toàn bộ tài sản cho ông thì sao?”

Người kia nói: “Vậy tôi lại càng không cần tôn trọng ông. Vì lúc đó tôi nhà người giàu, còn ông đã thành người nghèo rồi!”

Mặc dù câu chuyện ngụ ngôn ấy hàm chứa nhiều yếu tố gây cười, nhưng nó lại nhắc nhở chúng ta về đạo lý muôn thuở: Muốn được người khác tôn trọng, trước nhất phải làm cho họ tín phục mình. Mà sự tín phục ấy phải được gây dựng nên bằng ý chí, tình cảm và sự kiên trì.

Trong cuộc sống, mỗi khi gặp phải chuyện không như ý, chúng ta đều trở nên vô cùng nhạy cảm và đặc biệt để ý tới thái độ của người khác.

Kỳ thực, đối với những con người chẳng mấy thân thuộc kia, việc ta nên làm nhất chính là đem sự chê bai của họ bỏ sang một bên, chỉ lưu tâm những lời phê bình đích đáng để tự khích lệ chính bản thân mình.

Tương truyền rằng, danh tướng nổi tiếng thời nhà Hán là Hàn Tín từng trải qua những năm tháng niên thiếu lưu lạc đầu đường, nghèo khó tới mức phải xin ăn.

Khi ấy, có bà lão giặt sợi bên bờ sông vì thương tình nên mỗi ngày đều đem cho Tín một chén cơm, cứ như vậy cưu mang ông tới mấy chục ngày.

Một ngày kia, Hàn Tín sau khi đã ăn no, liền dõng dạc đứng lên nói với bà lão rằng tương lai nhất định sẽ báo đáp ân tình này. Nào ngờ bà lão nghe xong, giận tím mặt, lớn tiếng khiển trách Tín:

“Ngươi thân là nam tử hán đại trượng phu mà không thể tự lo cái ăn. Ta vì thương xót nên mới giúp đỡ, hà cớ gì cần ngươi báo ân?”

Câu nói ấy giống như nhà tư tưởng nổi tiếng thời Minh là Lữ Khôn từng nói: “Nghèo không đáng sợ, đáng sợ là kẻ nghèo mà không có chí”.

Nếu một người chỉ biết nói cho vui mồm mà không có thực lực chân chính, không có ý chí phấn đấu, ngay tới bản thân mình cũng không chăm sóc cho tốt, vậy thì lấy đâu ra năng lực giúp đỡ người khác?

Lời của bà lão giặt sợi năm ấy vừa khiến cho Hàn Tín cảm thấy nhục nhã, vừa dập tắt sự ảo vọng, cũng làm bùng lên trong ông khao khát thay đổi cuộc đời.

Trải qua nhiều năm chinh chiến, Hàn Tín cuối cùng cũng đã trở thành một đại tướng quân. Tới ngày “áo gấm về làng”, vị “chiến thần” ấy vẫn không quên báo đáp ân tình của bà lão giặt sợi bên bờ sông năm nào.

Bị người khác khinh thường là một chuyện khó có thể nhịn được, nhưng cũng là sự thật mà ta không thể lảng tránh. Vì vậy, phương pháp tốt nhất chính là đem sự khinh thường đó “gói ghém” lại, biến chúng thành đòn bẩy thay đổi cuộc đời mình.

Thuở thiếu thời, Hàn Tín đã phải trải qua không ít nghịch cảnh, thậm chí có lần còn phải chui qua háng kẻ khác để làm trò mua vui. Chính lời nói của bà lão giặt sợi cưu mang ông năm nào đã khiến Hàn Tín nỗ lực chinh chiến và trở thành “chiến thần” nức tiếng Hán triều sau này. (Tranh minh họa).

Giá trị của một người không nằm ở xuất thân mà nằm ở phẩm chất

Sinh thời, nhà triết học Mông Điền từng viết: “Nếu kết cục là đau khổ, ta sẽ gắng hết sức tránh đi những vui vẻ trước mắt. Còn nếu kết quả là sự khoái hoạt, ta sẽ tìm mọi cách để nhẫn nại chịu đựng những đau khổ trong hiện tại”.

Bởi vậy, khi ở vào thế yếu, ta tuyệt đối đừng nên oán trách ông trời, càng không cần đem bộ dạng đáng thương để đi cầu xin người khác.

Điều ta cần làm là tìm cho ra nguyên nhân thất bại, sau đó triệt để đem quá khứ gói ghém lại, biến chúng thành kinh nghiệm xương máu, rồi “rũ bùn” mà đứng dậy bước tiếp.

Chỉ có như vậy, bạn mới có thể không ngừng tạo dựng ưu thế và niềm tin để tỏa sáng trên con đường còn nhiều chông gai trước mắt, giống như câu chuyện Tô Thức thăm đạo quán dưới đây.

Năm xưa, danh sĩ nức tiếng thời nhà Tống là Tô Thức trong một lần ngao du sơn thủy có ghé đạo quán dâng hương.

Đạo sĩ nơi đây thấy vị khách này ăn mặc đơn giản, liền nghĩ ông là dân thường nên không dùng kính ngữ, khi mời ngồi chỉ nói một chữ “ngồi”, lúc sai đệ tử dâng trà cũng chỉ nói một chữ “trà”.

Sau một hồi trò chuyện, đạo sĩ thấy người trước mắt khí chất bất phàm, liền mời Tô Thức vào đại điện và nói “mời ngồi” và sai đệ tử “dâng trà”.

Tới lúc biết được quý danh của Tô Thức, đạo sĩ liền mời ông tới một gian phòng khách an tĩnh và dùng kính ngữ “kính mời ngồi”, sai đệ tử “dâng trà thơm”.

Câu chuyện trên chính là minh chứng cho thấy sự tôn trọng của người khác đối với một người không hoàn toàn nằm ở vẻ ngoài hay xuất thân, mà phụ thuộc vào giá trị bản thân của người đó.

Để có được sự kính nể của vị đạo sĩ, Tô Thức đã phải trải qua hai lần bị coi nhẹ, tới lần thứ ba mới uống được một tách trà thơm. Nhưng cả ba lần đó, ông đều không hề nổi giận mà dùng chính trí tuệ cùng đạo hạnh của mình để cảm hóa người đối diện.

Tin tưởng vào bản thân chính là chìa khóa thành công

Trong một tác phẩm của mình, đại văn hào Nga Turgenev từng viết: “Bạn phải tin tưởng vào chính mình, người khác mới có thể tin tưởng bạn”. Bởi lẽ, nếu ngay cả bạn cũng tự khinh thường bản thân, thì người khác sao có thể tôn trọng bạn?

Sự thành công của một người vốn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong số đó, yếu tố tự thân chính là điều kiện chủ chốt quyết định sự thành bại.

Khi bạn tự coi mình là một viên kim cương, dù không may bị đánh rơi trên bãi biển, bị người khác xem như một viên đá tầm thường, nhưng chỉ cần bạn còn kiên cường, hào quang của bạn sớm muộn sẽ tỏa sáng

Cho dù sóng biển có tiếp tục vùi lấp viên kim cương ấy ra sao, thì giá trị của nó vĩnh viễn sẽ không bị lu mờ như cát sỏi.

Vì thế, đối mặt với sự khinh thường của người khác, bạn đừng nên ca thán, cũng đừng vội thất vọng. Hãy kiên trì giữ lấy ánh sáng và hy vọng của chính mình để chờ ngày tỏa sáng bằng giá trị mà bạn vốn có.

 Theo Trần Quỳnh

Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close