Kinh tế vĩ môThời sự

Tăng trưởng kinh tế và nỗi lo cầu yếu

MarketIntello dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 sẽ đạt mức 6,1%, thay vì mức 6,7% mà Chính phủ quyết tâm thực hiện. Nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hồi phục nhẹ nhưng công nghiệp khai khoáng suy giảm sẽ khiến tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng đáng kể.

Lạm phát cả năm dự báo khoảng 3,8%. Khả năng tăng giá điện có thể đẩy lạm phát lên cao từ quý III, nhưng mức cầu nội địa yếu sẽ giúp lạm phát được kiềm chế trong mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Chúng tôi hạ dự báo CPI xuống mức dưới 4% do CPI thực tế trong 4 tháng đầu năm tăng thấp, khiến xu hướng tăng CPI dài hạn đảo chiều đi xuống và do tiêu dùng trong nước không có nhiều cải thiện trong khi giá các mặt hàng cơ bản, đặc biệt là dầu thô không tăng.

Có 2 vấn đề cần quan tâm nhất là lạm phát hằng năm và thâm hụt ngân sách. Khi Chính phủ đạt được mục tiêu lạm phát dưới 5% và thâm hụt ngân sách dưới 3%, doanh nghiệp sẽ yên tâm bỏ vốn kinh doanh, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức cao và bền vững. Tuy nhiên, lạm phát thấp hiện tại chưa hẳn là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.

Chỉ số CPI không thay đổi trong tháng 4 khiến cho lạm phát so với cùng kỳ 2016 giảm. Giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC tiếp tục là nguyên nhân chính làm tăng CPI. Tuy nhiên sự suy giảm của giá lương thực, thực phẩm và giá xăng dầu trong tháng đã trung hòa tác động trên và khiến CPI tháng 4 không tăng so với tháng trước, giúp giảm tỷ lệ lạm phát xuống còn 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Giá lương thực, thực phẩm giảm một phần là hệ quả của cầu tiêu dùng nội địa yếu. Trên thực tế, chỉ số giá của nhóm hàng lương thực, thực phẩm đã giảm từ đầu năm đến nay và không ngừng giảm ngay cả trong kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương và kỷ niệm ngày 30/4.

Chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm (chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi tiêu của hộ gia đình) giảm 0,54% so với cùng kỳ năm trước và là lần đầu tiên giảm so với cùng kỳ năm trước, kể từ cuối năm 2011, cho thấy cầu tiêu dùng nội địa vẫn thấp, và do đó không thể hấp thụ mức tăng cung của một số mặt hàng thực phẩm, chẳng hạn như thịt lợn trong thời gian qua.

Cầu tiêu dùng nội địa yếu cũng thể hiện qua tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ đạt 6,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn cùng kỳ 2 năm gần đây.

Trong khi đó, tiến độ giải ngân các công trình đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước chậm trong những tháng đầu năm cũng là một phần nguyên nhân khiến cầu nội địa yếu. Tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách chỉ đạt 3,4% trong tháng 4.

Theo Bộ Tài chính, tính tới ngày 17/4/2017, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước là 14,3% kế hoạch, giải ngân vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia mới đạt 4,3% kế hoạch.

Cầu nội địa thấp đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế. Tình trạng nhập siêu cho đến hết tháng 4 vẫn tiếp tục và sẽ gia tăng. Tuy mặt hàng nhập khẩu chính là máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất, nhưng nếu khu vực sản xuất tiếp tục chậm hồi phục thì tăng trưởng kinh tế khó gia tăng mạnh trong các quý tiếp theo.

Từ những thực tế trên, việc phát huy nội lực là rất quan trọng, nhất là phải đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, tạo động lực thu hút vốn từ khu vực kinh tế tư nhân. Như vậy, để đẩy mạnh đầu tư từ khu vực kinh tế trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cần tiếp tục thúc giục việc giải ngân vốn từ nguồn ngân sách cũng như cải thiện môi trường kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân.

TS. ĐINH TUẤN MINH – Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello Việt Nam (THANH HUYỀN ghi)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close