Kinh tế vĩ môThời sự

ThS. Nguyễn Anh Dương: “Không nên dồn gánh nặng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào chi tiêu và đầu tư công”

“Không nên dồn gánh nặng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào chi tiêu và đầu tư công”. Đó là nhận xét của ThS. Nguyễn Anh Dương – Phó trưởng Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

* Nhìn từ chi tiêu và đầu tư công, theo ông đâu là vấn đề quan ngại trong nền kinh tế hiện nay?

Đáng lưu ý, vấn đề hiện không nằm ở thủ tục hay cách xác định các chương trình đầu tư công, mà là làm thế nào để thực hiện dự án đầu tư công với quy trình gắn với trách nhiệm và hiệu quả. Đây là điểm chưa làm được trong những năm qua, và khó có chuyển biến trong những tháng tới, dù các công trình đầu tư công vẫn được ưu tiên thúc đẩy.- Nền kinh tế đang gặp những áp lực lớn từ cả cơ cấu, quy mô lẫn chi tiêu công. Một mặt, tỷ trọng chi thường xuyên quá lớn, riêng năm 2016 chiếm 72,5% tổng chi ngân sách nhà nước, khiến nguồn lực cho đầu tư phát triển bị hạn chế và không giúp cải thiện được năng lực sản xuất trong tương lai gần. Nguồn lực hạn hẹp cho đầu tư công cũng giải ngân chậm, do đó không đạt hiệu quả cao nhất.

Mặt khác, chi tiêu công đang rất lớn, không chỉ so với quy mô nền kinh tế mà còn lớn so với khả năng huy động nguồn thu của nền kinh tế. Thâm hụt ngân sách nhà nước ước tính 4,95% GDP năm 2016, song thách thức để đưa mức thâm hụt này về 4% GDP vào năm 2020 là không nhỏ. Vấn đề không chỉ nằm ở quy mô chi thường xuyên quá lớn, mà còn ở cách điều hành chi cứng nhắc.

Nguồn thu có thể có dự toán và tương đối linh hoạt, nhưng chi những năm qua luôn vượt dự toán, dù mức vượt các năm có khác nhau. Thậm chí, có những năm phải trình Quốc hội cân nhắc tăng một số khoản chi rồi mới quyết toán.

Yêu cầu bức thiết là phải điều chỉnh mức chi cho phù hợp với năng lực thu ngân sách nhà nước. Thế nhưng, Nhà nước vẫn đang thu để chi, tức là xác định khối lượng chi và tìm mọi cách thu để đáp ứng được mức chi đó. Về mặt điều hành, đây là những nghịch lý.

* Chính phủ đã có những giải pháp thúc đẩy đầu tư. Theo ông những giải pháp đó có đủ mạnh để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm nay?

– Đã có nhiều bình luận về con số dự báo hay khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017. Điểm đáng lưu ý là cách thức điều hành tăng trưởng kinh tế ít nhiều vẫn cho thấy sự phụ thuộc vào đầu tư công, thậm chí kỳ vọng đầu tư công sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, thúc đẩy đầu tư công trong khi không cải thiện kỷ luật và chất lượng đầu tư công một cách tương xứng sẽ gây thêm áp lực đối với tính bền vững của tài chính công và nợ công. Vấn đề này càng trở nên bức thiết hơn khi hầu như không còn dư địa để tăng thâm hụt ngân sách và nợ công.

Ở một chừng mực khác, những nguồn lực do Nhà nước huy động được lẽ ra có thể dùng bởi khu vực tư nhân hoặc các dự án, mục tiêu khác hiệu quả hơn. Việc Nhà nước trực tiếp huy động nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư công có thể chèn lấn cơ hội của đầu tư tư nhân. Như vậy, việc phân bổ nguồn lực tài chính trở nên kém hiệu quả.

Huy động và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ là ví dụ nổi bật. Phát hành trái phiếu chính phủ những năm qua luôn đạt mục tiêu đề ra, nhưng thành tích này, đặc biệt về giảm lãi suất và kéo dài kỳ hạn trái phiếu chính phủ, không khỏa lấp được những bất cập, chậm trễ gắn với giải ngân trái phiếu chính phủ.

Tổn thất, lãng phí không chỉ phát sinh ở việc vay mà chậm sử dụng trái phiếu chính phủ. Hiệu quả sử dụng nguồn lực còn bị ảnh hưởng bởi nguồn vốn huy động được qua trái phiếu chính phủ lẽ ra có thể được sử dụng kịp thời hơn hoặc hiệu quả hơn ở khu vực tư nhân.

Nói cách khác, hiệu quả sử dụng nguồn lực có thể tốt hơn nếu giảm quy mô phát hành trái phiếu chính phủ và trả lại những nguồn lực, cơ hội “bị chèn lấn” cho khu vực tư nhân, trên nền tảng cạnh tranh.

Thúc đẩy đầu tư công (và các biện pháp hướng tăng trưởng khác) có thể giúp kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn, song tự thân nó cũng có thể làm chậm lại việc xử lý tương tác giữa Nhà nước – thị trường – người dân, và cản trở những cơ hội, lợi ích có được từ khu vực tư nhân phát triển sống động hơn.

* Như ông nói, những giải pháp nhằm xử lý những vấn đề liên quan đến đầu tư và chi tiêu dường như khó thực hiện…

– Vấn đề không đơn thuần là quán triệt, bảo đảm tính thống nhất từ thông điệp của Chính phủ cho đến cấp thừa hành.

Việc rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư công khó có thể hoàn thiện trong thời gian ngắn do phải qua rất nhiều cấp. Cắt giảm thủ tục, quy trình liên quan đến dự án đầu tư công một cách hành chính có thể làm mất đi những giá trị gắn với kỷ luật đầu tư công – điều mà phải mất nhiều năm mới tạo dựng được.

Từ góc nhìn ấy, càng không nên dồn gánh nặng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào chi tiêu và đầu tư công. Thay vào đó, nên coi đây là cơ hội để Chính phủ kiến tạo phát triển một cách thực chất hơn, để các thành phần kinh tế phát huy tốt nhất năng lực của mình. Đây có thể là điểm mấu chốt để cải thiện năng suất và tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.

* Cám ơn ông!

Nếu chỉ dựa vào thúc đẩy đầu tư công và tăng trưởng tín dụng, Việt Nam có thể vẫn cải thiện được tăng trưởng. Nhưng những đánh đổi gắn với phương thức này – cả về tác động đối với môi trường kinh tế vĩ mô, sự xao nhãng đối với cải cách mô hình tăng trưởng, năng suất lao động – có thể lớn hơn so với giá trị mà thành tích tăng trưởng đem lại.
HẢI VÂN thực hiện

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close