CEO Thế giớiNhân vật

Thời hoàng kim đã tắt, CEO John Chen chọn chỗ đứng mới cho BlackBerry

Thời thế thay đổi, không ai dám chắc đỉnh cao của mình hôm nay lại không phải là vực thẳm ngày mai. Những huyền thoại một thời trong mảng điện thoại di động đang dần biến mất. Khi sự kiện thương hiệu Nokia bị khai tử hồi năm ngoái vẫn còn khiến nhiều người tiếc nuối, thì mới đây, cái tên BlackBerry lừng lẫy một thời cũng phải ngậm ngùi rút khỏi cuộc chơi.

Hôm 28/9 vừa qua, CEO John Chen đã chính thức tuyên bố BlackBerry sẽ ngừng sản xuất smartphone do thua lỗ triền miên. “Chúng tôi sẽ tập trung vào phát triển phần mềm, bao gồm bảo mật và ứng dụng. Công ty có kế hoạch chấm dứt tất cả hoạt động phát triển phần cứng nội bộ và sẽ thuê đối tác ngoài. Điều đó cho phép chúng tôi giảm yêu cầu về vốn và tăng cường nguồn vốn đầu tư”, John Chen phát biểu.

Quyết định của BlackBerry cuối cùng đã khép lại kỷ nguyên của chiếc điện thoại từng ở vị trí đỉnh cao trong những ngày đầu của thị trường di động.

Lý do khiến BlackBerry phải đóng cửa bộ phận sản xuất phần cứng điện thoại được cho là do hãng không thể tiếp tục “gồng mình” trước các khoản thua lỗ kéo dài. Theo báo cáo tài chính quý III năm 2016, BlackBerry đã lỗ tới 372 triệu USD trên tổng doanh thu 334 triệu USD. Trong khi đó, báo cáo của Hãng Nghiên cứu thị trường Gartner cũng chỉ ra rằng, với 400.000 chiếc điện thoại được bán ra, BlackBerry chỉ còn chiếm 0,1% thị phần smartphone thế giới, một con số ít ỏi và bị bỏ xa so với các đối thủ như Apple, Samsung.

Có thể thấy, nguyên nhân cốt lỗi dẫn đến thất bại của BlackBerry là do thiếu tầm nhìn, chậm thích ứng. Hãng đã không lường được sự phát triển mạnh mẽ của iPhone và dòng điện thoại Android. Năm 2009, BlackBerry vẫn chiếm 20% thị phần điện thoại di động toàn cầu, chỉ sau Nokia. Nhưng sau đó, cả Nokia và BlackBerry đã ngủ quên trên chiến thắng, chậm đổi mới và thậm chí bàng quan trước những thay đổi nhanh chóng về xu hướng sử dụng điện thoại của người dùng. Trong khi khách hàng dần yêu thích màn hình cảm ứng, BlackBerry vẫn bảo thủ với màn hình thường tích hợp phím cứng vật lý suốt nhiều năm, để rồi đến khi “chịu đổi mới” thì đã muộn. Khi BlackBerry ra mắt hệ điều hành BB10, thậm chí chuyển sang dùng cả hệ điều hành Android, thị phần của BlackBerry vẫn liên tục sụt giảm do không đủ sức cạnh tranh với iPhone của Apple, dòng điện thoại Galaxy của Samsung… Với mức thị phần 0,1% hiện tại, BlackBerry gần như không còn chỗ đứng trên thị trường smartphone thế giới.

Năm 2013, John Chen được bổ nhiệm làm CEO của BlackBerry với sứ mệnh chuyển đổi công ty, tập trung nhiều hơn vào phần mềm và dịch vụ, đồng thời đề ra chiến lược cho mảng điện thoại vốn mang về số tiền không nhỏ cho BlackBerry. Vị CEO người Trung Quốc được đánh giá cao vì đã giữ BlackBerry sống sót sau khi người tiền nhiệm Thorsten Heins không thành công với BlackBerry 10 khiến Công ty rơi vào khủng hoảng. Mẫu BlackBerry Z10 được ông Heins kỳ vọng có thể cạnh tranh với iPhone hay Galaxy S, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Sự thất bại của Z10 cũng như các sản phẩm kế cận khiến nhiều người đã nhìn thấy trước sự sụp đổ của dòng điện thoại BlackBerry.

Tuy nhiên, xét cho cùng, smartphone vẫn không phải là cái đích mà BlackBerry hướng tới. Theo đó, điểm mạnh và cũng là vị cứu tinh cho BlackBerry chính là hệ thống bảo mật và nền tảng Internet of Things mà hãng đang sở hữu. Nắm bắt điểm cốt lõi đó, CEO John Chen tin rằng BlackBerry vẫn sẽ sống với chiến lược chủ yếu nhờ vào phần mềm.

“Chúng tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào phần mềm, bảo mật và bây giờ chúng tôi phải thực hiện nó”, ông nói.

Trong thực tế, từ năm 2015, John Chen đã bắt đầu cắt giảm lao động để giảm chi phí và thu hẹp dần mảng kinh doanh điện thoại. Đồng thời, nguồn lực của Công ty được đặt vào mảng dịch vụ và phần mềm. John Chen cũng muốn BlackBerry tập trung vào mảng khách hàng doanh nghiệp, đồng thời từ bỏ tham vọng trở thành thương hiệu dành cho đại chúng mà BlackBerry từng hướng đến trước đây. Quả thực, BlackBerry đã gặt hái được thành quả nhất định khi doanh số bán phần mềm của Công ty đạt 527 triệu USD trong năm tài khóa 2016, cao hơn mục tiêu 500 triệu USD mà John Chen đặt ra trước đó.

John Chen cho biết, những nỗ lực của bộ phần phần mềm và bảo mật đang đi đúng hướng. Đây sẽ là tiền đề để phục hưng Công ty. Ông rất lạc quan khi nói rằng: “Nền tảng phần mềm của chúng tôi rất vững chắc và mạnh mẽ, nhờ vậy mà dù thua lỗ nhưng riêng mảng phần mềm thì trong quý II vừa qua, chúng tôi đã có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của BlackBerry”.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia phân tích, nhờ danh tiếng của mình trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp bảo mật, có thể BlackBerry vẫn tồn tại, thậm chí phát triển tốt hơn dù không còn sản xuất điện thoại nữa.

Mai Thảo (Theo báo chí nước ngoài)/ĐTCK

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close