Chính trị - Xã hộiKinh tế vĩ mô
Thu hút đầu tư nước ngoài: Tránh “vết xe đổ” Formosa
GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khẳng định, năm nay là “khá nhất” về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ cao, dù còn hơn 3 tháng nữa mới hết năm.
– Việt Nam đang chuyển dịch từ ngành công nghiệp sản xuất giá trị thấp sang sản xuất có giá trị cao. Công nghệ cao chiếm tới 40% tổng số vốn đăng ký 14,366 tỷ USD của 8 tháng đầu năm 2016, tiêu biểu là công trình của LG Display Hải Phòng với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD.
* Như ông nói, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao đã thay đổi?
Tôi nghĩ, khi thực hiện các FTA với EU và nếu năm 2018 – 2019 có TPP, chắc chắn dòng vốn vào nước ta sẽ còn lớn hơn nữa. Tất nhiên kèm theo đó Chính phủ phải kiên quyết không thu hút FDI vào những lĩnh vực đã quá thừa hoặc rủi ro cao.
Hiện sắt thép và xi măng đã quá thừa, hóa dầu cũng có tới 40 – 50 triệu tấn công suất. Nước ta cần tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường.
* Cơ hội lớn nhưng vẫn có những hạn chế bởi đó là lý do khiến một số nhà đầu tư rút vốn khỏi Việt Nam?
– Chuyện đó là bình thường. Văn phòng Thống kê FDI Intelligence thuộc Thời báo tài chính, Anh quốc (Financial Times) hồi cuối tháng 8 đã công bố, Việt Nam đứng đầu danh sách 14 quốc gia thu hút FDI. Dù trong danh sách này, khu vực Đông Nam Á còn có 2 quốc gia là Malaysia và Thái Lan, nhưng chưa bao giờ Việt Nam được đánh giá tốt như vậy.
Chính phủ gần đây đã có quyết tâm cao về cải cách thể chế kinh tế, hành chính. Giờ nếu khắc phục được phần thực thi thể chế, sẽ có bộ máy công chức chuyên nghiệp phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, đây cũng là thời cơ để thu hút nhiều FDI hơn.
* Người ta nói nhiều đến hạn chế thu hút FDI vào công nghệ cao. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?
– Hiện nay nước ta chưa đi sâu nghiên cứu các tập đoàn công nghệ cao, trong khi mỗi một tập đoàn lại có đặc điểm riêng, chiến lược riêng và quá trình phát triển riêng. Microsoft không giống Apple. Nếu thu hút vốn của Apple vẫn bằng cách đã dùng với Microsoft thì chưa chắc đã thành công.
Hiện nay FDI của Mỹ và EU vào Việt Nam chưa nhiều là do nước ta thu hút vốn đại trà, mà đại trà thì chỉ thích ứng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, không thích ứng với các tập đoàn lớn.
Cho nên để thu hút được FDI từ các tập đoàn công nghệ cao, ngoài môi trường chung, phải tìm hiểu đặc điểm, chiến lược phát triển, cách vận hành của từng tập đoàn để đáp ứng tối đa đòi hỏi của họ. Thậm chí, với những vấn đề không thể đáp ứng, phải giải thích rõ lý do.
* Trong xu thế người máy thay thế dần các công đoạn do con người đảm trách, theo ông, nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến thu hút FDI?
– Công nghệ cao không đồng nghĩa với không sử dụng nhiều lao động. Ai đã vào nhà máy sản xuất điện thoại di dộng của Samsung ở Bắc Ninh hay Thái Nguyên sẽ thấy ở đấy có những công đoạn phải làm thủ công, nhưng không phải lao động giá rẻ.
Hiện Samsung ở Bắc Ninh có 43.500 lao động, lương trung bình mỗi lao động 11 triệu đồng/tháng, cao gần gấp 2 lần so với ở Ấn Độ, giá nhân công như vậy là không rẻ.
Thu hút FDI, không nên đi tiếp vào “vết xe đổ” Formosa. Doanh nghiệp này chiếm tới 2.400ha đất nhưng chỉ sử dụng 12.000 lao động. Trong khi đó Samsung ở Bắc Ninh chỉ chiếm 100ha đất nhưng lại sử dụng tới 43.000 lao động. Hay như Trung tâm R&D của Samsung có vốn đầu tư 350 triệu USD sẽ sử dụng khoảng 3.500 lao động trình độ cao. Sẽ tốt hơn cho Việt Nam nếu đẩy mạnh thu hút các dự án FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng lao động có kỹ năng.
Nước ta sẽ tiến tới sử dụng người máy trong công nghiệp, nhưng chắc chắn đó không phải là hướng đi của 5 hay 10 năm tới. Hiện Nhật Bản có số người máy lớn nhất thế giới nhưng vẫn không thể thay thế con người.
* Cảm ơn ông!