Từng nghĩ sẽ chỉ làm bờ vai cho con tựa trong giai đoạn khởi nghiệp rồi nghỉ ngơi nhưng giờ bà Nguyễn Ánh Hồng – chủ thương hiệu bán lẻ nổi tiếng một thời Maximark lại phải tiếp tục nghiệp kinh doanh trong một lĩnh vực hoàn toàn mới là thời trang. Bằng sự trải nghiệm cùng tính cách quyết đoán của một nữ doanh nhân dạn dày kinh nghiệm, bà Nguyễn Ánh Hồng đã đưa MYM – đứa con tinh thần bất đắc dĩ của bà đến với người tiêu dùng cả nước trên cơ sở những chương trình kích thích tiêu dùng sáng tạo.
* Có vẻ như MYM đang đi đúng hướng một công ty thời trang khi liên tục đưa ra những chương trình kích thích tiêu dùng sáng tạo?
– Thật ra, “cái khó ló cái khôn”, kinh doanh trong điều kiện mà hầu như các thương hiệu ngoại đã có mặt ở mọi phân khúc, từ bình dân đến cao cấp, doanh nghiệp trong nước phải thay đổi nếu muốn tồn tại và phát triển. Trong môi trường cạnh tranh như vậy, tôi buộc phải nghĩ đến những chương trình sáng tạo để thu hút khách hàng. Đầu tiên là chương trình WOW (Women of Wonder) với các nữ sáng lập startup trẻ mang đến thông điệp về người phụ nữ mạnh mẽ. Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai Redtag để kích thích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm trong nước.
* Cụ thể, Redtag hiện ra sao và hiệu ứng như thế nào đối với người tiêu dùng, thưa bà?
– Redtag là chương trình bán hàng với giá xuất xưởng diễn ra quanh năm. Tại hệ thống cửa hàng MYM ở 10 tỉnh – thành trên toàn quốc, người tiêu dùng có thể tìm thấy những bộ trang phục đẹp với giá bán rất thấp, thấp hơn cả khi giảm giá 70%. Cứ 15 ngày, chúng tôi đưa ra 50 mã hàng với khoảng 10.000 mặt hàng bán giá gốc mà không cộng thêm bất kỳ chi phí nào khác. Chúng tôi muốn khách hàng Việt dùng sản phẩm Việt với giá rẻ nhưng chất lượng không thua gì hàng ngoại. Thông qua chương trình này, chúng tôi mong người tiêu dùng dùng sản phẩm MYM nhiều hơn. Chương trình bắt đầu từ ngày 18/2 đến nay, sau một tháng, doanh số tăng lên gấp đôi.
Chúng tôi muốn khách hàng Việt dùng sản phẩm Việt với giá rẻ nhưng chất lượng không thua gì hàng ngoại.
* Kinh doanh phải tính đến lợi nhuận nhưng Redtag lại bán giá xuất xưởng, như vậy liệu có ổn cho những thương hiệu Việt như MYM?
– Đúng là kinh doanh phải tính đến lợi nhuận nhưng nếu cứ chăm chăm vô lợi nhuận thì sẽ không kinh doanh được. Tâm lý khách hàng thường chờ có hàng giảm giá để mua. Mình không xử lý được tâm lý đó của khách hàng thì phải chiều họ theo kiểu của riêng mình. Người kinh doanh phải biết kéo khách đến với cửa hàng, và khi người tiêu dùng đã thích sản phẩm thì sẽ không chỉ chú ý đến hàng giảm giá mà còn quan tâm đến cả hàng giá cao. Redtag không chỉ bán hàng giá xuất xưởng mà cả những sản phẩm giá bình thường khác của MYM. Thực tế là khi mua sản phẩm Redtag, khách hàng cũng chọn thêm vài sản phẩm khác của MYM.
* Nhiều ý kiến cho rằng, ngành thời trang Việt Nam đang đối diện với rất nhiều khó khăn không chỉ bởi thương hiệu ngoại mà còn từ phía người tiêu dùng?
– Phải nói chính xác là cực kỳ khó khăn. Ở phân khúc cao thì bị cạnh tranh bởi hàng hiệu ngoại, thấp hơn thì có hàng ngoại bình dân và thấp hơn nữa là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Muốn có hàng chất lượng cao, doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài.
Trước đây, khi mua đồ cho gia đình, tôi cứ đến Zara. Cứ thấy kiểu nào thích là mua dù nút có bị xéo một chút, chỉ có thừa một tí… Giờ làm thời trang mới để ý, hàng trong nước không thua gì hàng ngoại, thậm chí có những sản phẩm cùng nguyên liệu nhưng giá bán rẻ hơn rất nhiều. Vậy nhưng khách hàng cứ mua được hàng Zara, H&M là cảm thấy vui, hớn hở. Điều này chưa từng thấy đối với các sản phẩm trong nước.
Người tiêu dùng Việt Nam không chú ý nhiều lắm về chất lượng sản phẩm mà quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu. Cứ thương hiệu ngoại là thích. Khi nhìn sản phẩm của các thương hiệu nước ngoài và nhìn lại sản phẩm MYM mới thấy thương người thợ của mình. Mình rèn họ quá chặt. Để có những chiếc quần MYM chuẩn form Ý, tôn dáng người mặc và được yêu thích như hiện nay, chúng tôi yêu cầu rất cao trong khâu thiết kế và sản xuất. Và chỉ cần một lỗi nhỏ là phải tái chế, làm lại toàn bộ.
* Những điều trên càng làm khó một người tay ngang làm thời trang như bà? Kinh nghiệm của một doanh nhân ngành bán lẻ có giúp bà trong việc điều hành MYM?
– Tôi có thuận lợi về kinh nghiệm thị trường nên xoay chuyển nhanh và quyết định dứt khoát. Trong phát triển hệ thống, nếu thấy cửa hàng nào không ổn là tôi đóng cửa không chần chừ. Điều tôi lo lắng nhất trong ngành này là nguồn nhân lực. Dù không cần trình độ cao, nhưng người thợ may phải giỏi chuyên môn, vững tay nghề. Vậy nhưng, cứ sau tết là có tình trạng công nhân “nhảy việc”, khiến phải tuyển dụng và đào tạo lại. Mỗi năm mất đến mấy tháng mới ổn định được sản xuất. Nếu trả lương thật cao, công nhân sẽ ở lại với mình nhưng sex khoon co laix, do la cai kho cua ngành may
Mỗi doanh nhân phải tìm ra cách riêng để tồn tại. Chúng ta đừng quá tự ti khi cho rằng doanh nghiêp nước ngoài sẽ đè bẹp doanh nghiệp trong nước. Nếu kết hợp được với các công ty nước ngoài, chúng ta có thể phát triển mạnh hơn.
* Khó như vậy nhưng vẫn “ôm vào”, dù trước đây khi làm chủ Maximark bà đã tính đến chuyện nghỉ ngơi?
– Đúng là tôi từng tính đến chuyện nghỉ ngơi sau khi chia tay Maximark đã gầy dựng hơn hai mươi năm. Lúc đầu, vợ chồng tôi chỉ định hỗ trợ cho con gái khởi nghiệp. Thế nhưng, khi con không thể kham nổi MYM, tôi đành xắn tay áo vào việc. Tôi không nỡ bỏ mấy trăm con người đã và đang gắn bó với MYM, đã làm việc ân tình với mình. Tôi điều hành MYM với tâm thế tự tin nên rất thanh thản. Nhờ vậy, hơn một năm nay, đã triển khai nhiều ý tưởng mới cho MYM.
* Các hiệp định thương mại tự do liên tục được ký kết cũng đồng nghĩa với việc thị trường mở cửa đón nhận hàng hóa nước ngoài tràn vào ngày càng nhiều. Theo bà, làm sao để doanh nghiệp có thể tồn tại trong điều kiện như thế?
– Mỗi doanh nhân phải tìm ra cách riêng để tồn tại. Chúng ta đừng quá tự ti khi cho rằng doanh nghiêp nước ngoài sẽ đè bẹp doanh nghiệp trong nước. Nếu kết hợp được với các công ty nước ngoài, chúng ta có thể phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp Việt khi hợp tác với doanh nghiệp ngoại thường hay xảy ra sự cố. Đó là vì người Việt khi xử lý tình huống đều dựa vào yếu tố “có tình có lý”, trong khi người nước ngoài chỉ là “có lý”.
Doanh nghiệp nước ngoài mạnh hơn chúng ta về vốn, vì thế khi đàm phán với họ phải luôn nhớ “hợp tác nếu lỗ thì doanh nghiệp nước ngoài tự chịu chứ không được trừ vào phần vốn của doanh nghiệp trong nước”. Nếu lỗ mà chịu chung thì vốn của doanh nghiệp trong nước sẽ thành 0 vì doanh nghiệp nước ngoài có thể chịu lỗ đến 10 năm, trong khi doanh nghiệp trong nước chỉ có thể chịu được vài ba năm. Và như vậy, thương hiệu sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm. Nhưng để làm được điều đó, doanh nghiệp Việt phải có lực, có thế và biết cách đàm phán.
* Nhưng hầu hết doanh nghiệp trong nước là vừa và nhỏ thì làm sao đủ lực và thế để có vị thế trong đàm phán như bà nói?
– Dù chưa đủ lực và thế, nhưng biết cách đàm phán vẫn có thể có vị thế của mình. Còn nếu doanh nghiệp Việt lép vế trước đối tác thì không nên hợp tác. Một điều mà doanh nghiệp Việt hay vấp phải trong hợp tác với nước ngoài là do sợ không bán được cổ phần cho đối tác nên nhượng bộ.
Trong môi trường mở như hiện nay, tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt vẫn có thể phát triển theo cách riêng của mình. Chẳng hạn như với ngành thời trang, mặc dù đã có những thương hiệu ngoại bình dân như Zara, H&M… có mặt tại Việt Nam nhưng chúng tôi vẫn bán được hàng. Để được như vậy, chúng tôi phải đưa ra nhiều chiến lược, chính sách kích cầu mua sắm.
* Nhưng như vậy chắc chắn sẽ có nhiều thương hiệu Việt mất đi?
– Khi thương hiệu này mất đi sẽ có những thương hiệu mới mở ra. Đó là quy luật thị trường. Và trong những thương hiệu mở ra ấy sẽ có những thương hiệu thành công. Ở bất cứ quốc gia nào cũng thế. Chúng ta không nên sợ thương hiệu ngoại và yêu cầu bảo hộ trong nước. Cứ mở cửa đi. Nếu chúng ta không học được thì con cháu chúng ta học. Mình có chính kiến, có khả năng thì chắc rằng sẽ thành công.
Hiện nay, nhiều thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam giống như chúng ta đang bị bao vây bởi hàng rào vậy. Nếu cứ la lên nhờ người quay cái rào khác đừng để cái rào kia đụng vào mình thì tự mình trói mình rồi. Tại sao không chạy, không tìm cách len lỏi vào giữa những hàng rào đó, biết đâu sẽ có đường thoát.
* Vậy bà kỳ vọng MYM như thế nào trong môi trường kinh doanh khó khăn như hiện nay?
– Kinh doanh, ai cũng ước mơ đưa thương hiệu ra thế giới và MYM của chúng tôi cũng thế. Người Việt Nam có tâm lý sính ngoại nhưng vẫn muốn giá phải rẻ. Vì thế, các doanh nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài trên chính sân nhà của mình.
Tôi từng nghĩ sẽ xây dựng thương hiệu từ nước ngoài rồi đưa về Việt Nam kinh doanh. Nhưng vì đã mua lại một thương hiệu khác nên phải xây dựng thị trường nội địa vững mạnh trước khi phát triển ra nước ngoài.
Phải nói rằng, trong lĩnh vực thời trang, người tiêu dùng trong nước không tự hào về hàng Việt. Mặc dù hàng ngoại hiện nay hầu như được gia công tại Việt Nam và như vậy cũng có thể xem là hàng Việt. Nhưng cứ có “mác” ngoại là người tiêu dùng thích. Đó là nghịch lý bao đời nay không giải quyết được. Nếu được lựa chọn lại, tôi sẽ xây dựng thương hiệu từ nước ngoài rồi mang về Việt Nam kinh doanh. Như vậy là đã có “mác” ngoại, nên sẽ dễ thành công hơn!
HỒNG NGA