CEO Thế giớiNhân vật
Triết lý quản trị “ngược đời” của tu sĩ tỷ phú 83 tuổi
“Tập trung tất cả cho cổ đông? Quên nó đi! Thay vào đó, hãy làm cho nhân viên hạnh phúc”.
“Tập trung tất cả cho cổ đông? Quên nó đi! Thay vào đó, hãy làm cho nhân viên hạnh phúc”. Câu nói thể hiện triết lý quản trị có vẻ “ngược đời” này đã giúp ông Kazuo Inamori – doanh nhân, nhà quản trị, tu sĩ Phật giáo – tạo nên Hãng điện tử khổng lồ Kyocera Corp. hơn 5 thập kỷ trước, Hãng điện thoại trị giá 64 tỷ USD KDDI Corp., và cứu Japan Airlines khỏi tình trạng phá sản vào năm 2010.
Quan điểm của ông Kazuo Inamori là: “Nếu bạn muốn có trứng, hãy chăm sóc những con gà mái. Nếu bạn đối xử tệ với con gà mái, nó sẽ không làm việc cho bạn nữa”.
Quan điểm này góp phần lớn vào những thành công của Kazuo Inamori: Tổng giá trị thị trường của Kyocera và KDDI là 82 tỷ USD; khi Inamori nhận chức giám đốc điều hành Japan Airlines vào năm 2010, ông đã 77 tuổi và không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, những 1 năm sau đó Hãng đã không chỉ thoát khỏi bờ vực phá sản mà còn có lợi nhuận. Năm 2012, Kazuo Inamori đưa Japan Airlines quay trở lại sàn chứng khoán Tokyo.
Ông Inamori cho biết, bí mật cốt lõi của ông nằm ở chỗ làm thay đổi trạng thái tâm lý của nhân viên.
Sau khi đảm nhận vai trò CEO không lương tại Japan Airlines, ông cho in những quyển sách nhỏ thể hiện triết lý “vì nhân viên” và phát cho mỗi người một quyển. Trong quyển sách này, ông cũng giải thích về ý nghĩa xã hội của công việc của họ và vạch ra những nguyên tắc sống lấy cảm hứng từ Phật giáo, chẳng hạn như đề cao đức tính khiêm nhường và làm điều thiện.
“Việc này giúp nhân viên cảm thấy tự hào về Japan Airlines – nơi họ đang làm việc và sẵn sàng lao động chăm chỉ hơn vì thành công của Hãng. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên đặt ra mục đích làm cho nhân viên của mình hạnh phúc, cả về vật chất lẫn tinh thần. Chứ đừng nên chỉ luôn chú trọng vào các cổ đông”, ông Kazuo Inamori chia sẻ.
Triết lý quản trị này có thể làm “phật lòng” các cổ đông nhưng bản thân ông Inamori không thấy có bất cứ điều gì mâu thuẫn ở đây. Ông giải thích: “Nếu nhân viên vui, họ sẽ làm việc tốt hơn và doanh thu sẽ được cải thiện. Vả lại, doanh nghiệp chẳng có gì phải đắn đo khi lợi nhuận của công ty góp phần mang lại lợi ích cho xã hội”.
“Doanh nghiệp thuộc về các cổ đông, nhưng hàng trăm ngàn nhân viên cũng đóng góp công sức rất lớn. Do đó, “con gà mái” phải được khỏe mạnh”, vị tu sĩ tỷ phú 83 tuổi khẳng định.
“Các nhà đầu tư luôn muốn lợi nhuận cao nhất có thể, tôi rất hiểu điều này, nhưng có những thời điểm các nhà quản lý phải nói “Không” với những đòi hỏi ích kỷ các các cổ đông”, ông Kazuo Inamori cho hay.
Tuy nhiên, triết lý muốn làm cho nhân viên hạnh phúc của ông Inamori không có nghĩa là nhân viên của ông có thể làm việc một cách chểnh mảng. Quan điểm của ông là, hạnh phúc phải bắt nguồn từ lao động chăm chỉ. Và khi đã lao động chăm chỉ, họ xứng đáng được đền đáp.
Mặc dù không tuân thủ theo các nguyên tắc lãnh đạo thông thường, triết lý quản trị của Kazuo Inamori vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều “đầu tàu” doanh nghiệp. Có hơn 4.500 chủ doanh nghiệp đã tham gia hội nghị thường niên của ông tại Trường Seiwajyuku (Yokohama, Nhật Bản) vào quý IV/2015.
Theo ông Inamori, việc dành thời gian để chia sẻ với những người tham gia hội nghị là một phần của các hoạt động thiện nguyện cũng như giúp gây quỹ cho giải Kyoto (vốn được xem là phiên bản Nhật của Giải thưởng Nobel).
Bằng cách này hay cách khác, các công ty do ông Kazuo Inamori quản lý luôn được kết nối với nhau. Kyocera là cổ đông lớn nhất của KDDI tại thời điểm ngày 30/9 vừa qua với 13,7% quyền biểu quyết, theo thông tin từ website của Hãng điện thoại KDDI. Giá trị cổ phần này lên đến 8,2 tỷ USD, tương đương với khoảng một nửa giá trị thị trường của Kyocera. Theo dữ liệu từ Bloomberg, Kyocera cũng sở hữu 2,1% cổ phần tại Japan Airlines.
Ông Inamori và gia đình sở hữu giá trị tài sản ròng 1,1 tỷ USD, giữ vị trí thứ 32 trong danh sách 50 người giàu nhất Nhật Bản năm 2015, theo Forbes.
(Nguồn: Bloomberg)
BÍCH TRÂM