Khám pháSống

Hương tràm xôn xao

Lần đầu tiên tôi biết cây tràm gió là giữa mùa nước nổi năm 1973, khi theo một cô giao liên vũ trang từ Mộc Hóa, tỉnh Kiến Tường băng Đồng Tháp Mười (ĐTM) xuống viết báo ở tỉnh Mỹ Tho.

 

Hương tràm xôn xao

Đã hết một buổi chiều mà chiếc xuồng của chúng tôi chưa ra khỏi địa phận Mộc Hóa do máy bay trực thăng UH1 của đối phương không ngừng quần thảo.

Tối ấy, chúng tôi phải neo xuồng giữa rừng tràm, cách tỉnh lỵ Kiến Tường một tầm chèo mỏi tay. Theo cô gái giao liên, ĐTM có đến 19 loại tràm, nhưng nhiều nhất là tràm gió và tràm cừ. Tràm gió do trời đất sinh ra, cao không quá ba mét, thân không lớn, lá nhỏ, dày, để cất tinh dầu, là nơi chúng tôi đang trú ẩn chờ canh ba vượt qua đồng năn lai láng nước trước khi trời sáng để tránh máy bay trinh sát L19. Tràm cừ phải trồng, lâu năm có thể cao trên mười mét, dùng làm nhà, làm cừ móng nhà lầu, cừ đê bao…

Tối ấy, chúng tôi phải tìm vặt những lá khô trên những cành tràm “do trời đất sinh ra” nhóm lửa ngay giữa lòng xuồng để hun muỗi kêu át cả tiếng gió xôn xao đồng nước. Càng khuya, mùi hương càng nồng nàn, không biết là hương tràm hay hương người con gái đôi mươi.

Kiến thức về cây tràm, nhất là tràm gió của tôi “dày lên” khi năm 1984 xuống chơi với dược sĩ Nguyễn Văn Bé – Giám đốc Xí nghiệp Dầu tràm Mộc Hóa.

Xem bản đồ quân sự tỉnh Kiến Tường do Nha Địa dư quốc gia Việt Nam Cộng hòa in, thấy địa điểm mấy căn chòi làm bằng tràm cừ, lợp lá dừa nước bên con rạch nước trong ánh màu rỉ đồng, rất gần sông Vàm Cỏ Tây – cơ ngơi đầu tiên của Nguyễn Văn Bé giữa rừng tràm gió mấy ngàn hécta chính là khu vực mà 12 năm trước, cô gái giao liên neo xuồng, bỗng xốn xang những vần thơ trong bài thơ Đi trong hương tràm của nhà thơ Hoài Vũ:

Em gửi gì trong gió trong mây
Để sáng nay lên Vàm Cỏ Tây
Hoa tràm e ấp trong vòm lá
Mà khắp trời mây hương tỏa bay

Một góc Tràm Chim Ảnh: Internet

Một góc Tràm Chim Ảnh: Internet

Nguyễn Văn Bé đã thổi bùng cái “hương tỏa bay” ấy khi không thể cứ chặt tràm cất tinh dầu để bán làm dược liệu, dù giá rất cao, mà đã phục hồi, bảo tồn những rừng tràm gió, cũng là bảo tồn hệ sinh thái ĐTM bị chiến tranh, người khai hoang và chính xí nghiệp của anh tàn phá.

Theo nghiên cứu của các nhà địa chất, ĐTM hình thành cách nay gần 9.000 năm, có chiều ngang 120km, chiều dọc 60km, diện tích trên 700.000ha, chiếm gần 18% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, ngày nay thuộc ba tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang. Từ đầu thế kỷ XIX, người Việt đã có mặt tại vùng đất trũng, phèn nặng này, nhờ thế đã phát hiện một ngôi tháp bằng đá, tương truyền là ngôi tháp thứ 10 trong số 10 ngôi tháp của nước Chân Lạp, từ đó, vùng đất hoang hóa bao la ấy được gọi là ĐTM.

Những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp cho đào kênh La Grandière (năm 1948, lực lượng kháng chiến đổi tên là kênh Dương Văn Dương) và kênh Cậu Mười Hai (sau này đổi tên là Nguyễn Văn Tiếp) cắt dọc và cắt ngang ĐTM, dẫn nước ngọt từ sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây vào thau chua rửa phèn với hy vọng biến thành đất nông nghiệp. Nhưng ý đồ khai phá ĐTM của người Pháp không thành, chỉ lác đác một vài nơi điền chủ người Việt đưa tá điền vào phát quang, lên liếp trồng khóm, trồng khoai mỡ hay dọn năn lác trồng sen.

Mùa nước nổi ở Đồng Tháp Mười

Mùa nước nổi ở Đồng Tháp Mười

Sau ngày đất nước thống nhất, chuyên gia nông nghiệp và thủy lợi Hà Lan, Liên Xô đã đến nghiên cứu, tìm cách trị phèn cho vùng ĐTM, nhưng chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo “đừng chọc dậy túi phèn vào loại lớn nhất thế giới này”. Để bảo đảm an ninh lương thực và dãn dân, giữa những năm 1980, Chính phủ chủ trương đưa dân đến khai thác ĐTM.

“Mở mũi” cho việc cải tạo ĐTM là xây dựng 27 nông trường quốc doanh cùng với việc huy động hàng ngàn thanh niên xung phong, bộ đội, công an đào kênh, đào rạch, xẻ mương, làm đường, tức kết hợp thủy lợi với giao thông, dẫn nước từ sông vào ngọt hóa dần dần vùng đất phèn để sản xuất nông nghiệp. Sau 20 năm với bao công sức, chủ yếu là sức người, ĐTM đã trở thành vùng sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi thủy sản vào loại lớn nhất nước.

Sau một năm bàn thảo, tháng 9/2017, ba tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang cùng đơn vị tư vấn là Trường Đại học Cần Thơ đã thống nhất 5 chương trình liên kết tiểu vùng ĐTM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, gồm phát triển nông nghiệp, du lịch sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển cơ sở hạ tầng và kêu gọi đầu tư để vừa đảm bảo lợi ích kinh tế trước mắt với phát triển lâu dài, đồng thời giữ được giá trị thiên nhiên cho thế hệ mai sau.

Cảnh quan tự nhiên của ĐTM đã thay đổi gần như hoàn toàn sau một thời gian khai phá cho mục tiêu phát triển nông nghiệp. Trước nguy cơ suy giảm tính đa dạng sinh học và hủy diệt các nguồn gene quý hiếm, việc bảo tồn và phục hồi vùng đất ngập nước theo mùa đã được đặt ra.

Nhờ thế ngày nay ĐTM có Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng (Đồng Tháp), Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Khu Du lịch làng nổi Tân Lập, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (Long An), Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (Tiền Giang), tổng diện tích khoảng 15.000ha, kể cả vùng đệm, trong đó Tràm Chim có diện tích lớn nhất, riêng vùng lõi gần 4.000ha được bảo vệ nghiêm ngặt, tháng 5/2012 được công nhận là khu Ramsar của thế giới.

Dù vậy, hệ sinh thái tự nhiên của ĐTM gần như đã chuyển thành hệ sinh thái nhân tạo với khoảng 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá, 147 loài chim nước, trong đó có 13 loài chim quý hiếm của thế giới (riêng Tràm Chim có sếu đầu đỏ, cò ốc) cùng hệ thực vật hơn trăm loài, chủ yếu là năn, lác, sen, súng, lúa trời.

Trong các khu bảo tồn sinh thái kể trên, tôi mê nhất là Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (REMEDICA) – tiền thân là Xí nghiệp Dầu tràm Mộc Hóa do dược sĩ Nguyễn Văn Bé gầy dựng.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1983, khi ông Nguyễn Duy Cương – Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Văn Én – Giám đốc Công ty Dược liệu Trung ương II cùng dược sĩ Nguyễn Văn Bé về thăm ĐTM – nơi cả ba người từng vào sinh ra tử trong cuộc chiến tranh giữ nước lần thứ hai.

[Caption]

Họ chú ý ngay đến khu rừng tràm gió mấy ngàn hécta ở Mộc Hóa. Một kế hoạch khai thác tinh dầu từ lá tràm liền ra đời và dược sĩ Nguyễn Văn Bé đã tự nguyện rời Sài Gòn đến ĐTM “khởi nghiệp”, sau khi được tỉnh Long An giao cho 4.000ha rừng ngập nước. Từ kiến thức Tây y, ông mày mò nghiên cứu Đông y, đầu tiên là các bài thuốc dân gian trị rắn cắn.

Cũng từ các loại cây thuốc có sẵn trong rừng, ông điều chế nhiều loại thuốc trị bệnh miễn phí cho bà con trong vùng. Từ lò nấu tinh dầu tràm, trải qua vô vàn gian khó, dần dần ông cùng cộng sự xây dựng một trung tâm dược liệu lớn nhất nước với gần 1.000ha tràm gió luôn xanh tươi do được khai thác luân phiên và đúng cách, trên 100ha những cây thuốc quý làm nguyên liệu sản xuất dược phẩm tại chỗ.

Ông còn tạo dựng một khu vườn mấy chục hécta trồng và bảo tồn gần đủ các loại thực vật có ở ĐTM. Vùng đất hoang không một bóng người nay đã có hàng trăm hộ dân sinh sống. Hai trường học, một trạm y tế, đền thờ Hải Thượng Lãn Ông, khách sạn phục vụ du lịch lần lượt được xây dựng.

Khách to cũng như khách nhỏ đến thăm REMEDICA đều thấy Nguyễn Văn Bé với quần soọc bạc màu, chân đất, luôn tay luôn chân với công việc. Ba mươi ba năm gắn bó với ĐTM, làm việc còn hơn một nông dân, da dẻ ám phèn nên Nguyễn Văn Bé được bà con Mộc Hóa đặt cho tên mới là Ba Đất Phèn (Ba là tên thứ của ông).

Ngày 5/9/2016, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bé bị một cơn đột quỵ, mất lúc mới ngoài 65 tuổi. Hệ sinh thái bền vững của Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười đón Ba Đất Phèn vào lòng đất như từng xôn xao mở lòng đón ông và đồng sự những ngày đầu còn hoang hóa…

PHƯƠNG HÀ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close