Kinh doanh quốc tếThế giới

Trung Quốc mạnh tay với kinh doanh đa cấp, một loạt công ty Mỹ chịu trận

Cổ phiếu của Herbalife, USANA Health Sciences, và Nu Skin Enterprises lao dốc sau thông tin Trung Quốc sẽ trấn áp hoạt động kinh doanh đa cấp ở nước này.

Trung Quốc mạnh tay với kinh doanh đa cấp, một loạt công ty Mỹ chịu trận

Giá cổ phiếu Herbalife (HLF) giảm 5,25% còn USANA Health Sciences (USNA) và Nu Skin Enterprises (NUS) cùng mất 7,4% trong phiên đầu tuần. HLF và USNA phục hồi sau đó, nhưng NUS tiếp tục mất thêm 4,1% nữa.

Hãng thực phẩm chức năng và chăm sóc da Best World International Ltd. cũng chung số phận khi giá cổ phiếu “bốc hơi” 12% hôm thứ Ba và 1% tiếp theo hôm thứ Tư trên sàn giao dịch Singapore sau khi giới chức Trung Quốc công bố bắt đầu chiến dịch tấn công vào mô hình kinh doanh đa cấp kéo dài ba tháng trên quy mô toàn quốc.

Theo thông tin đăng tải trên trang web của Cục Quản lý Hành chính Công thương Trung Quốc, bốn bộ sẽ cùng tham gia vào chiến dịch “xóa sạch mọi hình thức kinh doanh đa cấp lừa gạt người tìm việc bằng quảng cáo hào nhoáng” dù cơ quan chức năng không nêu đích danh từng công ty, WSJ đưa tin.

Sở dĩ cổ phiếu của ba hãng trên bị ảnh hưởng vì thị phần của họ ở Trung Quốc tương đối lớn. Theo chuyên gia phân tích Timothy Ramey của Pivotal Research Group, doanh thu từ thị trường Trung Quốc của Herbalife là 19,6%, của Nu Skin là 29%, và của USANA lên đến 52%.

Đối với Herbalife, Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai sau Mỹ với mức tăng trưởng cao, và khoảng 20% doanh thu đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

   Tỷ lệ doanh thu tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương trên tổng doanh thu hàng năm của Herbalife. Nguồn: FactSet, WSJ

  Tỷ lệ doanh thu tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương trên tổng doanh thu hàng năm của Herbalife. Nguồn: FactSet, WSJ

Hai nhà đầu tư tỷ phú William Ackman và Carl Icahn tại hãng sản xuất thực phẩm bổ sung dinh dưỡng này đã tranh cãi nhiều năm nay về việc nó có hoạt động theo mô hình đa cấp hay không.

Ông Icahn, người nắm lượng cổ phần lớn và kiểm soát nhiều ghế trong Hội đồng quản trị, cho rằng hoạt động của họ không phải là kinh doanh đa cấp.

Năm ngoái Herbalife đồng ý chi trả 200 triệu USD vì cáo buộc gây hiểu lầm cho người tiêu dùng theo phán quyết của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC). Đổi lại, cơ quan này không còn coi hoạt động của Herbalife là đa cấp phi pháp nữa, nhưng vẫn buộc công ty phải thay đổi mô hình kinh doanh.

Ngược lại, ông Ackman khăng khăng cho rằng công ty đang hoạt động theo “hình tháp” trái luật. Ông gay gắt chỉ trích cách thức hoạt động ở Trung Quốc, và chỉ ra rằng chính sách chi trả hoa hồng cho nhà phân phối dựa trên doanh thu đóng góp từ mạng lưới tham gia sau đó là vi phạm pháp luật nước sở tại.

Mới đây, người phát ngôn của quỹ Pershing Square Capital Management LP do ông Ackman điều hành, cũng công nhận việc trả thưởng với mục đích khuyến khích tuyển dụng và người tham gia trước kiếm lợi từ người sau như kết luận của FTC là hoàn toàn vi phạm luật pháp Trung Quốc.

 Cổ phiếu của Herbalife giảm giá mạnh sau tuyên bố của giới chức Trung Quốc. Ảnh: CNBC

Cổ phiếu của Herbalife giảm giá mạnh sau tuyên bố của giới chức Trung Quốc. Ảnh: CNBC

Herbalife nhanh chóng lên tiếng rằng chính sách trả thưởng ở thị trường Trung Quốc khác xa các nước khác và luôn tuân thủ pháp luật sở tại.

Động thái của chính phủ Trung Quốc được coi là nỗ lực ngăn chặn hoạt động kinh doanh gian lận mà họ cảnh giác lâu nay vì mục tiêu an toàn xã hội. Vì thế, những người theo mô hình kinh doanh đa cấp đang ở thế chỉ mành treo chuông vì trong mắt mọi người, họ là những kẻ tống tiền, thậm chí là cưỡng đoạt.

Theo Bộ Công an Trung Quốc, nước này đã điều tra hơn 2.800 vụ kinh doanh đa cấp năm 2016, tăng 19% so với cùng kỳ.

Tuần trước, cảnh sát bắt 5 nghi phạm liên quan đến cái chết của một cử nhân đại học 23 tuổi ở vùng Đông Bắc. Truyền thông nhà nước đưa tin rằng người này bị lừa tham gia vào một chuỗi đa cấp dưới danh nghĩa công ty công nghệ. Tháng trước cảnh sát cũng bắt hơn 200 thành viên của một công ty đa cấp ở Quảng Đông.

Nghiên cứu của Euromonitor International cho thấy doanh thu từ bán hàng trực tiếp hoặc bán hàng thông qua đại lý hay nhà phân phối độc lập đã tăng 14% trong năm 2016 và tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua.

Còn theo Liên đoàn các Hiệp hội bán hàng trực tiếp thế giới (WFDSA), hình thức kinh doanh này ở Trung Quốc mang lại khoảng 34 tỷ USD trong năm ngoái, chỉ sau thị trường Mỹ và chiếm 20% doanh thu toàn cầu.

Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết 1/3 trong tổng số 92 công ty bán hàng trực tiếp được cấp phép ở nước này có vốn đầu tư nước ngoài.

Suốt từ 1998 đến 2005, chính phủ nước này cấm bán hàng đa cấp sau khi phát hiện một số công ty lừa gạt người tiêu dùng. Nước này hợp pháp hóa trở lại hình thức kinh doanh này vào năm 2005 do áp lực từ Mỹ, nhưng thắt chặt quy định về bán hàng trực tiếp.

Một số công ty bao gồm Amway, Avon Products và Nu Skin đã phải thay đổi mô hình kinh doanh đề phù hợp với các quy định mới.

Theo Linh Phạm

BizLive

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close