Cách sốngSống

Vì sao dân Ả rập xài sang thì “ầm ĩ” nhưng làm từ thiện thì lại “âm thầm”?

“Theo một số quy định mang tính tôn giáo, quan trọng là phải giữ được sự riêng tư và không được khoe khoang về việc làm từ thiện của mình”.

Vì sao dân Ả rập xài sang thì “ầm ĩ” nhưng làm từ thiện thì lại “âm thầm”?

Trong khu vực vùng Vịnh giàu có này, những vụ “khoe của” hầu như có mặt khắp mọi nơi. Dân giàu ở đây sẵn sàng bỏ ra hàng đống tiền để có được những bảng số đẹp cho các siêu xe hay những iPhone mạ vàng.

Nhưng khi nói đến việc làm từ thiện , những người Ả rập giàu có lại thích làm điều đó một cách lặng lẽ hơn, vì truyền thống Hồi giáo là thế.

“Thường thì động lực đằng sau việc làm từ thiện là do tôn giáo, lịch sử hay xuất thân và điều đó rất đúng đối với khu vực Trung Đông”, John Canady, CEO của National Philanthropic Trust, một tổ chức từ thiện của Anh cho biết.

“Theo một số quy định mang tính tôn giáo, quan trọng là phải giữ được sự riêng tư và không được khoe khoang về việc làm từ thiện của mình”, ông nói thêm.

Hoàng tử Alwaleed bin Talal là người Ả rập đầu tiên (và duy nhất cho đến thời điểm này) ủng hộ chiến dịch “Cam kết cho đi” do Bill Gates và Warren Buffett khởi xướng. Năm ngoái, vị hoàng tử của Ả rập Xê út này nói rằng ông hi vọng những người Ả rập và Hồi giáo giàu có khác sẽ tham gia vào cam kết trên để cho đi phần lớn những gì mà họ đang sở hữu.

Hiện có dấu hiệu cho thấy rằng những người hiến tặng trong khu vực này đang bắt đầu chấp nhận các kế hoạch mạnh thường quân cởi mở, với hi vọng rằng sẽ làm được nhiều điều hơn để giúp đỡ các trẻ em đang sống trong nghèo đói, những thanh niên chưa có việc làm hay người tị nạn chiến tranh.

“Những gì đang diễn ra là hiện đang có một sự thay đổi trong cách họ cho đi”, Clare Woodcraft-Scott, CEO của Emirates Foundation, một quỹ đang giúp thực hiện các dự án dành cho những người trẻ, nói.

“Trung Đông đang trải qua quá trình ‘học hỏi’ tương tự mà phần còn lại của thế giới đã làm. Bạn thật sự cần tối đa hóa tác động ấy”, bà nói.

Tiềm năng này hiện rất lớn. Người Hồi giáo được kì vọng sẽ cho đi 2,5% thu nhập của họ mỗi năm (sau khi trừ đi các khoản dành cho các nhu cầu cơ bản như thực phẩm, nhà cửa và quần áo).

Theo báo cáo của Liên hiệp quốc trích dẫn nghiên cứu của Ngân hàng phát triển Hồi giáo, những đợt làm từ thiện cá nhân tự nguyện ấy – được biết đến dưới tên là Zakat – hiện đang đạt con số 232 – 560 tỉ USD trên toàn cầu trong năm 2015.

Số tiền ấy phần lớn làm lợi cho các tổ chức từ thiện nhỏ chuyên giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi, người tàn tật và người lớn tuổi.

Các chuyên gia cho rằng Trung Đông sẽ được hưởng lợi nhờ vào một phương pháp cho đi được điều phối tốt hơn.

“Nếu bạn có những mạnh thường quân thông minh, nhiệt tình và có quan điểm tương tự nhau tham gia vào để hành động một cách hợp tác thì việc làm từ thiện có thể khá mạnh mẽ và chúng tôi đã thấy điều đó với một số khách hàng Trung Đông của mình”, Canady nói.

Sắp chạm mốc 1 ngàn tỉ USD

Sáu quốc gia vùng vịnh là quê hương của hơn 5.000 người có tài sản 30 triệu USD trở lên trong năm 2016, theo một ước tính của Wealth-X. Tổ chức này cho rằng nếu gộp chung lại thì tổng tài sản của những người giàu trên hiện ở mức khoảng 994 tỉ USD.

Tuy nhiên, những người hiến tặng ở vùng Vịnh lại rất coi trọng tính riêng tư của họ. Coutts, một ngân hàng tư nhân và cũng là một công ty quản lý tài sản, chỉ tìm ra được “vết tích” của 20 vụ hiến tặng có giá trị 1 triệu USD trở lên ở khu vực này trong năm 2015, trong khi con số tương tự ở nước Anh là 355 vụ.

Một trong những người khiến sự thay đổi xảy ra là Abdul-Aziz Al-Ghurair, một tỉ phú và cũng là ông chủ ngân hàng đến từ Dubai. Ông là chủ tịch một quỹ được thành lập vào năm 2015 với mục đích là dành 1 tỉ USD tặng cho các chương trình giáo dục và học bổng cho ít nhất 15.000 sinh viên.

Một nhân vật khác là Badr Jafar, giám đốc điều hành của tập đoàn Crescent, một doanh nghiệp gia đình đang sở hữu công ty dầu khí tư nhân lâu đời nhất trong khu vực này.

Vào năm 2010, cùng với những nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác, ông thành lập Pearl Initiative. Tổ chức phi lợi nhuận này hiện giúp các công ty thúc đẩy những phương thức kinh doanh bền vững và tạo ra việc làm.

“Việc làm từ thiện của người Hồi giáo đang ngày càng được xem là một nguồn tài nguyên chưa được khơi dậy đúng mức. Một phần nhỏ được áp dụng theo cách hợp tác trực tiếp cũng có thể đóng góp lớn cho các chương trình trợ giúp phát triển và nhân đạo trên toàn cầu”, ông nói.

Hợp tác tốt hơn

Các chính phủ trong khu vực này đang phát hiện ra tiềm năng của việc hợp tác. Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã công bố 2017 là “Năm cho đi”. Họ đang hi vọng thúc đẩy được trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, sự tự nguyện và cho lại cộng đồng.

Họ cũng tham gia với Ả rập Xê út và Qatar để góp tài chính vào một quỹ 2,5 tỉ USD, do quỹ Bill và Melinda Gates cùng ngân hàng phát triển Hồi giáo hậu thuẫn.

“Đó là một hình thức hợp tác được thiết kế để giải quyết các vấn đề mà tất cả chúng ta đang quan tâm ở các quốc gia đang cần được giúp đỡ”, Hassan Al-Damluji, người đứng đầu bộ phận quan hệ Trung Đông của quỹ Bill và Melinda Gates, cho biết.

Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, quỹ Lives và Livelihoods đã chấp thuận các dự án trị giá hơn 600 triệu USD. “Mọi người đang lập ra các quỹ thay vì chỉ cho đi những tấm séc. Họ thật sự có nhân viên đang làm việc và đây là một bước phát triển lớn trong khu vực này”, Al-Damluji nói.

Wealth-X kì vọng những người siêu giàu ở Trung Đông sẽ cho đi khoảng 160 tỉ USD cho thế hệ tương lai trong 10 năm tới. Những gì họ có thể làm với số tiền đó có thể tạo nên sự khác biệt lớn dành cho khu vực này.

“Các cuộc chuyển giao tài sản được kì vọng ấy trong những năm tới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cách mà thế hệ tiếp theo của tầng lớp siêu giàu làm từ thiện”, David Awit, giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và châu phi của Wealth-X, phân tích.

Trí thức trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close